VNTB – Làm thế nào để Việt Nam vượt mặt Trung Quốc?*

VNTB – Làm thế nào để Việt Nam vượt mặt Trung Quốc?*

Nguyên Khang 

 

(VNTB) – Năm 1986, Việt Nam cải cách kinh tế tránh sụp đổ chế độ, và 10 năm tới đây phải tiến hành cải cách chính trị để tránh một hệ quả không hề tốt hơn. Đồng thời, qua đó, bắt kịp cải cách chính trị trước chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ tạo cơ hội Việt Nam vượt Trung Quốc và giữ gìn xứng đáng hơn chủ quyền quốc gia trên biển và trên bộ.

Từ không mơ hồ Biển Đông năm 2014



28/05/2014, một bài viết chính luận sắc bén được đăng tải trên trang báo điện tử Tổ Quốc.Bài viết không chỉ lên án Trung Quốc xâm phạm đặc quyền kinh tế Việt Nam thông qua tàu Hải Dương 981, mà còn vạch trần “điều mơ hồ lần này chính là hai chữ ‘đồng chí”, thẳng thắn chỉ trích “nói đàng làm nẻo” của Trung Quốc, tính “sòng phẳng lịch sử” về sự giúp đỡ của Trung Quốc với Việt Nam và ngược lại. Và khẳng định, “cần được đặt vào quỹ đạo [quan hệ Việt – Trung] mới không bị chi phối bởi lời lẽ mơ hồ mà trên cơ sở những lợi ích của quốc gia”.Nhưng sau bài viết cảnh báo sự “mơ hồ” đối với 16 chữ vàng, từ năm 2015-2018, sự nhún nhường giữa các quốc gia đã tạo điều kiện cho Trung Quốc hoàn thành gần như các cụm đồn trên biển, thông qua quân sự hóa, dân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này cưỡng chiếm được trên Biển Đông.

Thành tựu “Đã thúc đẩy dư luận quốc tế lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ quyền lợi chính đáng của Việt Nam” mà bài viết nêu ra đã không xuất hiện vào năm 2019, khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò và tàu hộ cảnh vào Bãi Tư Chính, vốn thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Quốc gia duy nhất có quan điểm công khai, rõ ràng, răn đe với hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp của Bắc Kinh là… Mỹ.

Nhưng năm 2019, Trung Quốc có thể tự tin kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Điều đó cho thấy rằng, độ khôn khéo và cương quyết của Bắc Kinh vượt xa Hà Nội. Và khi nhìn nhận thực tế như vậy, thì chúng ta mới có thể đặt được vấn đề, làm sao và làm thế nào để gìn giữ toàn vẹn lợi ích quốc gia trong tương lai.

Đến sự sụp đổ ĐCSTQ?

Một bài báo của ABC nói về khả năng sụp đổ của ĐCSTQ, trong đó có những nội hàm cực kỳ quan trọng liên quan đến sự sụp đổ và khả năng để tránh một sự sụp đổ. Nội dung tin bài nói về Trung Quốc, nhưng cơ chế của Việt Nam gần như Bắc Kinh với “đồng ý thức hệ”, nên đồng thời đó cũng là nhận định gián tiếp đối với Việt Nam.

Việt Nam có thể bắt kịp, thậm chí vượt qua được Trung Quốc, khi sử dụng “gợi ý” mà bài viết nêu ra. Đó chính là đi theo con đường mà Quốc dân đảng thực hiện tại Đài Loan, thông qua phổ thông đầu phiếu thực sự, một chuyển đổi dân chủ có thể vẫn giữ được chính đảng hiện tại, nhưng không gây ra quá nhiều xáo trộn quyền lực và binh biến.

Thực ra, cách mà bài viết trên ABC đề cập cho Bắc Kinh (hay thậm chí Việt Nam) cũng chính là con đường quay trở lại giá trị cách mạng dân chủ từ thế kỷ trước.

Tại Trung Quốc, Cách mạng 1911, cuộc cách mạng tư sản chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế đời nhà Thanh, với chủ nghĩa Tam Dân, “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Tại Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, giới sĩ phu yêu nước cũng ảnh hưởng bởi tư tưởng Tam dân chủ nghĩa, nổi bật là Phan Châu Trinh- người đã phát động phong trào “khai dân trí, chân dân khí, hậu dân sinh” nhằm chấn hưng dân tộc.

Chấn hưng dân tộc, giữ sự tồn tại ĐCS

Phan Châu Trinh cũng được cho là có lời trăn trối sau cùng, “Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc.”

Độc lập là có, nhưng không bền vững, bằng chứng là chủ quyền quốc gia trên biển luôn bị thách thức trắng trợn trong thời gian qua.

Tự do là có, nhưng thực chất tự do chưa thực sự tồn tại, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp chưa hề có tính thực tiễn.

Hạnh phúc là có, nhưng hạnh phúc dựa trên “phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức”, hay “chơi bời, rượu chè cờ bạc, mê tín, tướng số, vênh vang, vơ vét, giành giật, xó bếp, hú hí vợ con” [2].

Con đường “đồng ý thức hệ” của Việt-Trung tương lai trong 10 năm tới sẽ phải trở về với cải cách chính trị dân chủ theo con đường của Tôn Trung Sơn và Phan Châu Trinh. Đây là quy luật và sự đảm bảo số phận ĐCS không giống như tại Ba Lan (nơi ĐCS bị cấm hoạt động hoàn toàn), để mở cơ hội như tịa Liên Bang Nga (nơi ĐCS vẫn còn được phép hoạt động).

Tấm gương của ĐCS Liên Xô không phải để tránh một cải cách chính trị cần thiết, mà đó phải là tấm gương nhắc nhở cải cách chính trị đúng lúc, thay vì chờ đến thời điểm kinh tế bị suy thoái và tầng lớp trung lưu nổi lên, xã hội bị già đi. Bởi cải cách kinh tế đã dần không còn hiệu quả trong giữ yên lòng dân, trước chủ quyền quốc gia bị xâm phạm và nhu cầu tự do – dân chủ đang tăng trong dân chúng.

Không mơ hồ về chữ vàng và cai trị vĩnh viễn

ĐCSVN không mơ hồ “16 chữ vàng” và “4 tốt”, và cũng nên không mơ hồ sự tuyệt đối của quyền lực trong đảng, và tuyệt đối hóa kỳ vọng “chế độ sẽ vĩnh viễn tồn tại”. Và chỉ có như vậy, mới giúp cho chính đảng này được tồn tại theo cách… dân chủ nhất.

Trong một phát biểu tại hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vào ngày 25 tháng 12 năm 2019, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã có một quan điểm đáng chú ý, khi ông nhấn mạnh, “cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình, ta không làm tốt thì tự lật đổ ta”. Điều đó cho thấy rằng, ĐCSVN đã trải qua một thời kỳ khó khăn, nhưng vấn đề bản chất tham nhũng bên trong sẽ không thể khắc phục chừng nào quyền dân chủ và khả năng cạnh tranh chính trị còn chưa được hiện diện.

Năm 1986, Việt Nam cải cách kinh tế tránh sụp đổ chế độ, và 10 năm tới đây phải tiến hành cải cách chính trị để tránh một hệ quả không hề tốt hơn. Đồng thời, qua đó, bắt kịp cải cách chính trị trước chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ tạo cơ hội Việt Nam vượt Trung Quốc và giữ gìn xứng đáng hơn chủ quyền quốc gia trên biển và trên bộ. Cũng như, đảm bảo giữ sự tồn tại của chính ĐCSVN trong tương lai.

Chú thích



[1] http://toquoc.vn/khong-mo-ho-16-chu-vang-va-4-tot-99124137.htm

[2] https://lichsuvn.net/trang-chu/kien-thuc/ngam-lai-10-dieu-bi-ai-cua-cua-dan-toc-ma-cu-phan-chau-trinh-viet-cach-day-100-nam/

•  Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)