VNTB – Lằn ranh mong manh của cưỡng bức tình dục và hối lộ tình dục

VNTB – Lằn ranh mong manh của cưỡng bức tình dục và hối lộ tình dục

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Công an Hà Nội thông báo đang thụ lý vụ trưởng khoa đại học Luật Hà Nội bị ‘tố’ cưỡng bức tình dục.

 

Trước đó, chiều 28-3, Trường đại học (ĐH) Luật Hà Nội đã có thông tin về vụ việc ông L.M.T., trú quận Hoàng Mai, Hà Nội; Trưởng một khoa của Trường đại học Luật Hà Nội và là nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị một bệnh viện đa khoa ở Hà Nội, cưỡng bức tình dục, đánh đập một cô gái, đang gây xôn xao dư luận.

Theo thông tin cung cấp, Trường ĐH Luật Hà Nội đã nhận được đơn tố giác đảng viên có dấu hiệu vi phạm tư cách, đạo đức nhà giáo đối với một đảng viên đang là trưởng khoa thuộc Đảng bộ nhà trường. Trường ĐH Luật Hà Nội đã giao các đơn vị chức năng trong trường tiếp nhận, xác minh, làm rõ và giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo tính khách quan và nghiêm minh.

Trường ĐH Luật Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý vi phạm nếu có, không né tránh, không bao che. Khi có kết quả giải quyết sự việc, sẽ thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông.

Vụ việc đang được điều tra, ở đây xin lạm bàn về một số nội dung mang tính cảnh báo của lằn ranh giữa “cưỡng bức tình dục” và “hối lộ tình dục”.

Trước hết, giả dụ như lần nào đó xảy ra việc một phụ nữ thành niên bị cưỡng hiếp thì hành vi đó nếu kịp thời tố cáo, rất có thể sẽ đưa đến việc nghi phạm đối mặt với bản án từ 2 đến 7 năm tù về tội theo điều 141, Bộ luật hình sự 2017 về tội hiếp dâm: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Sau lần gọi là “cưỡng hiếp” đó, ở những lần sau tiếp tục “cưỡng bức tình dục”, thì sẽ đối mặt với “tội cưỡng dâm” được quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự: Tội cưỡng dâm được quy định là hành vi ép buộc người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi “khiến” (ép buộc) và hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Trong đó, hành vỉ giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác là kết quả của hành vi “khiến” (ép buộc).

Ở đây cần chú ý là hành vi đe dọa ở tội cưỡng dâm chưa đến mức làm người bị đe dọa tê liệt ý chí, không dám kháng cự như ở tội hiếp dâm. Người bị đe dọa chỉ bị khống chế tư tưởng; họ vẫn có khả năng phản kháng nhưng đã (miễn cưỡng) chịu giao cấu hoạc chịu thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Người phạm tội cưỡng dâm cũng có thể lợi dụng quan hệ lệ thuộc, lợi dụng uy thế của mình hoặc lợi dụng nạn nhân đang trong tình trạng quẫn bách hứa hẹn mang lại quyền lợi nào đó cho họ nếu chấp nhận việc giao cấu hoặc chấp nhận thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Ví dụ: Hứa sẽ cho chuyển nơi làm việc…

Ở đây cũng cần chú ý rằng sự hứa hẹn phải có tính chất là sự khống chế tư tưởng buộc họ phải miễn cưỡng chấp nhận việc giao cấu hoặc chấp nhận thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Những trường hợp hứa hẹn khảc không thuộc phạm vi của tội phạm này.

Lưu ý, theo nhận xét của một cựu thẩm phán thì dù là người bị lệ thuộc vào người phạm tội hay người ở trong tình trạng quẫn bách, thì việc họ giao cấu với người phạm tội là do miễn cưỡng.

Sự miễn cưỡng của người bị hại là ý thức chủ quan của họ, nên trong nhiều trường hợp việc xác định nó không phải bao giờ cũng dễ dàng.

Có người lúc giao cấu họ không hề miễn cưỡng nhưng sau đó vì một lý do nào đó họ lại tố cáo rằng mình phải miễn cưỡng giao cấu hoặc ngược lại, lúc giao cấu họ đã miễn cưỡng nhưng sau đó họ lại khai là không có sự miễn cưỡng.

Vì vậy, để xác định người bị hại có miễn cưỡng giao cấu với người phạm tội hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án mà đặc biệt là mối quan hệ lệ thuộc giữa người bị hại với người phạm tội, hoàn cảnh lúc xảy ra việc giao cấu…

Vấn đề khác được đặt ra từ lưu ý trên, đó là theo Bộ luật hình sự 2015 (tu chỉnh 2017), thì hành vi hối lộ phi vật chất, trong đó bao gồm “hối lộ tình dục” cũng là hành vi cấu thành tội nhận hối lộ.

Cụ thể, tại khoản 1 điều 354 Bộ luật hình sự quy định rõ người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó, hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Điểm b khoản 1 điều 365 “tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ” quy định người nào đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ bằng lợi ích phi vật chất cũng phải chịu tội.

Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc.

[ads_color_box color_background=”#f2ebeb” color_text=”#444″]

Tin tức công khai trên báo chí nhà nước thì theo đơn của cô H. gửi các cơ quan chức năng, cô quen ông T. vì là đồng nghiệp, học trò của mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô H. được ông T. mời về bệnh viện đa khoa ông T. nắm chức Chủ tịch hội đồng quản trị làm việc và hứa sẽ định hướng, chỉ bảo cô H. trong công việc. Cô H. đã đồng ý về làm việc cho ông T.

Sau khi về bệnh viện làm việc, cô H. tố cáo ông T. dù đã có vợ con nhưng vẫn gạ gẫm cô quan hệ tình dục và bị cô từ chối. Trong một lần đi du lịch, ông T. đã chuốc rượu và cưỡng hiếp cô H. Sau đó, ông T. còn nhiều lần cưỡng bức tình dục, bạo lực tinh thần, đe dọa, đánh đập khiến cô H. phải trình báo công an.

Liên quan vụ việc, khi báo chí liên hệ với ông T., thì qua điện thoại, ông T. cho biết, ông có nắm được việc mình bị tố cáo, tuy nhiên ông không nói được gì lúc này.

“Lúc này có thể sự việc như thế tôi cũng không nói được vì ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là ảnh hưởng đến người tố cáo tôi…. Người ấy tôi coi như là cháu, coi như là học trò và coi như là đệ tử chân truyền…. Chuyện này là tai nạn của chúng tôi, tôi không khẳng định, phủ định cái gì”, ông T. nói.

[/ads_color_box]


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)