Khúc Thừa Sơn
(VNTB) – Ông Nguyễn Khắc Mai đưa ý kiến là ông không tin lãnh đạo Việt Nam đủ khôn ngoan đi nước cờ ngồi xem “lưỡng hổ giao tranh”.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Ngày 12/7/2016, Toà Trọng tài thường trực (PCA) của quốc tế ở The Hague (La Haye), Hà Lan ra phán quyết “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc vẽ trên biển Đông là không có cơ sở pháp lý, một sự kiện mang tầm lịch sử của nhân loại đặc biệt liên quan đến các nước tranh chấp trực tiếp trên biển Đông trong đó có Việt Nam mà xa hơn nữa là quyền tự do hàng hải quốc tế có được tôn trọng hay không?…
Việt Nam làm gì trước phán quyết PCA?
Mặc dù đây là vụ kiện tụng liên quan đến hai nước Philippines và Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc tế. “Đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trunng Quốc tự vẽ trên biển Đông đi sát bờ biển của các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như; Philipines, Việt Nam, Brunei và Malaysia…là căn nguyên của nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước trong đó có Việt Nam. Cũng từ “Đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc đã đẩy mạnh sự bá quyền của mình khiến Philippines phải đệ đơn lên Toà PCA để làm rõ tính pháp lý của “ Đường lưỡi bò 9 đoạn”. Song. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông bằng con đường ngoại giao song phương nhưng Philippines vẫn không rút đơn kiện, trải qua mấy phiên điều trần cho đến ngày 12/7/2016, là ngày Tòa PCA sẽ ra phán quyết. Kết quả là Tòa PCA đáp ứng hầu hết những điều mà phía Philippines đưa ra ở vụ kiện, “Đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ trên biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Từ Hà Nội, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh Triết Việt Nam đã đưa ra chia sẻ trước câu hỏi của Việt Nam Thời Báo (VNTB) rằng đây là một sự kiện vô cùng quan trọng. Ông nói:
“Về nội dung thì báo chí đã đưa tin nhiều rồi. Tòa xác định những vấn đề về ý nghĩa của các thực thể ở biển Đông chứ cũng không nói gì về khẳng định chủ quyền của anh này hay anh kia. Nhưng như thế nó cũng làm cơ sở cho những người muốn chiếm giữ các hòn đảo hoặc các đảo nổi, đảo chìm có thể làm cơ sở pháp lý để còn tranh kiện với nhau điều này rất quan trọng.”
“Đường lưỡi bò 9 đoạn” thoạt tiên là “đường mười một đoạn” vào thời Trung Hoa Dân Quốc tự tay vẽ vào bản đồ vị trí các đảo Nam Hải sau đó đến thời Trung Hoa cộng sản , tức là Trung Quốc ngày nay thì lại thành “Đường 9 đoạn”. Sau sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974) và phần Trường Sa (1988) của Việt Nam thì Trung Quốc đẩy mạnh hiện thực hóa “Đường lưỡi bò 9 đoạn” trên biển Đông công khai hơn. Vì lẽ này mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói, tuy vụ kiện tụng là Philippines kiện nhưng một khi Tòa PCA đã phán quyết thì Việt Nam cũng có liên quan. Thậm chí là rất liên quan đến Việt Nam, liên quan đến vấn đề tư cách pháp lý, khoa học của “Đường lưỡi bò 9 đoạn”. Theo ông Nguyễn Khắc Mai, “Đường lưỡi bò 9 đoạn” thường nói nó bằng “não trạng bò” vạch ra để áp dụng khẳng định chủ quyền của mình về vùng nước lịch sử của bọn đại Hán Trung Quốc, nghĩa là gian luật.
“Giờ người ta đã phán quyết một cách rõ ràng, có cơ sở pháp lý như thế là nó có liên quan đến Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á trong vấn đề sau này tranh chấp biển đảo với Trung Quốc”, lời của ông Nguyễn Khắc Mai.
Cũng theo ông Mai, một điều đáng buồn và đáng trách là Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ III lại không nói gì, không có ý kiến gì, không bày tỏ gì cho nhân dân Việt Nam biết là Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam giải thích thế nào, quan tâm đến đâu, lo sợ thế nào và phải ứng xử ra sao khi Tòa PCA ra phán quyết ,khiến ông đang rất lo ngại vì đây là một vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước. Ông Nguyễn Khắc Mai nói tiếp:
“Chúng ta phải đề phòng những ứng xử không khôn ngoan, không thông minh của bọn đại Hán Trung Quốc khi ủy thế làm càn, làm nhiễu loạn nhân dân…thì mình có đề phòng gì? Ở đây sự đề phòng của Việt Nam diễn ra chậm, đáng lẽ việc này phải giải quyết mấy chục năm về trước để tạo ra một cái thế, cái lực mới của dân tộc nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình trên biển đảo nhưng mà điều này thì không được bởi lãnh đạo Việt Nam vẫn như bám lấy Trung Quốc vì thế dân rất thua thiệt.”
Và như vậy, trong tình thế hiện tại nhân dân Việt Nam sẽ tự tìm cách nào đó để trong nước và ngoài nước cùng nhau tìm những giải pháp hợp lý và vận động cả quốc tế ủng hộ Việt Nam trong việc tìm ra chủ quyền của mình trên biển đảo.
Ngay sau khi Phippines đệ đơn kiện “Đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế (PCA) thì Trung Quốc luôn bác vụ kiện này. Và như vậy, dư luận khắp nơi đặt câu hỏi; Trung Quốc có chấp nhận phán quyết của Tòa PCA hay không? Ông Nguyễn Khắc Mai đưa nhận định:
“Thật ra Trung Quốc tuyên bố không chấp hành nhưng mà mặc khác nó cũng rất lo, nó cũng sợ nên nó đi vận động người này người kia, nó tung tin giả là có nhiều nước ủng hộ nó…thì chứng tỏ nó rất sợ chứ không phải nó sẵn sàng trà đạp lên phán quyết của quốc tế được, cũng không thể chà đạp lên dư luận quốc tế điều này ta đã thấy. Nhưng Trung Quốc vẫn là nước đại Hán bá quyền, một đế quốc chủ nghĩa hậu thuộc địa tức là một thứ đế quốc man rợ, họ chỉ có khả năng ví như hành xử chó dại cắn càn thì mình phải đề phòng, nhân loại cảnh giác. Các quốc gia hùng mạnh như Hoa Kỳ, Nhật , Úc …phải cảnh giác, Đông Nam Á cũng phải cảnh giác nếu Đông Nam Á mà bị nó mua chuộc, xỏ mũi thì rất nguy hiểm cho nên Việt Nam đang đứng trước tình thế rất phức tạp, không hề đơn giản”
Tình thế Việt Nam trước bàn cờ quốc tế, nước cờ Tòa PCA hẳn đã quá rõ ràng, người dân Việt Nam đứng trước tình thế “nóng bỏng” lo trước các cấp lãnh đạo Việt Nam về vận mệnh đất nước. Người dân Việt Nam nhận ra rằng, để đối phó lại tình hình thì chẳng có con đường nào khác là nhân dân phải tự mình, phải tìm cách đoàn kết, hỗ trợ với nhau trong công việc lớn này.
Còn về phía chính quyền Việt Nam, đâu đó cũng có nhận định rằng, sự im lặng của Việt Nam trong thời gian qua là một hành động khôn ngoan khi ngồi xem “lưỡng hổ giao tranh”, một mình hưởng lợi rồi tung bài toán quyết định chủ quyền lãnh hải trên biển Đông. Ông Nguyễn Khắc Mai đặt trường hợp nếu các lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan như vậy thì:
“Thật ra những người khôn ngoan là những người biết tận dụng tình thế mà mình vận dụng cho lợi ích của mình, trong cái tiêu cực thì phải làm sao tìm ra cái tích cực để làm những việc có lợi cho dân cho nước đấy là cái cần thiết. Khi có phán quyết có lợi cho Philippines thì nó vạch ra cái sai trái của Trung Quốc thì lãnh đạo Việt Nam phải tìm tòi, nghiên cứu để đưa Trung Quốc ra tòa án.”
Ông Nguyễn Khắc Mai đưa ý kiến là ông không tin lãnh đạo Việt Nam đủ khôn ngoan đi nước cờ ngồi xem “lưỡng hổ giao tranh”. Tình hình biển Đông đang trong những ngày vô cùng “nóng bỏng”, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc quân sự trên thế giới ra sức phô bày quân sự.
Việt Nam cần phải làm gì? Đây là câu hỏi được VNTB hỏi giáo sư Nguyễn Khắc Mai.
“Đúng ra, về đạo lý về lợi ích dân tộc thì mình hoan nghênh cách hành xử của Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh hiện tại, nói thật nếu Hoa Kỳ không đưa những chiến hạm đến tuần tra chung quanh những hòn đảo mà Trung Quốc ăn cướp, lấn chiếm rồi biến thành căn cứ quân sự thì Trung Quốc sẽ ngang ngược không khác gì Hitler ngày xưa muốn vạch lại bản đồ Châu Âu thì bọn Trung Quốc họ cũng muốn vạch lại bản đồ địa chính trị châu Á đặc biệt là trên biển Đông, thử hỏi không có Hoa Kỳ, Nhật , Úc, Ấn Độ…cùng tham gia hành xử thì bọn Trung Quốc ngang ngược đến đâu. Cho nên, ta hoan nghênh cách hành xử của Hoa Kỳ và các nước, bản thân chúng ta cũng phải khôn ngoan tìm mọi cách để cùng với các nước này để kìm chế bàn tay tội ác của Trung Quốc, đây là một vấn đề lớn, nghiêm trọng còn hơn cả chủ nghĩa khủng bố. Bọn khủng bố chỉ giết vài ba trăm người chứ ở đây giết cả dân tộc, cả đất nước cho nên đây là vấn đề lớn mà mình phải hoan nghênh Hoa Kỳ và khôn ngoan cùng với Hoa Kỳ hành động.”, ông Mai kết luận.