Việt Nam Thời Báo

VNTB- Lấy rùa làm biểu tượng cho thủ đô: Nên hay không?

Đào Đức Thông

(VNTB) – Hà Nội không thể lấy Rùa làm biểu tượng của nước Việt Nam được. Chúng ta có  xác rùa trưng bày ở đền Ngọc Sơn cũng đã đủ làm triển lãm cho nhân dân chiêm ngưỡng, vậy có cần xây thêm tượng rùa ngoài trời vừa tốn kém mà cũng chẳng mang thêm giá trị gì cho đất nước? 



TỔNG QUAN

Vừa qua ông Tạ Hồng Quân vừa trình lên chính quyền Hà Nội đề án đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng, với mục tiêu tạo một điểm nhấn đặc biệt về văn hóa và du lịch Việt Nam. Ông Quân cũng đề xuất hai phương án đặt tượng rùa vàng là tại chỗ đang đặt đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay (ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng) hoặc đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và UBND TP Hà Nội.

Cùng đứng tên với ông Tạ Hồng Quân trong đề xuất trình lên chính quyền Hà Nội còn có nhà sử học Dương Trung Quốc.

LỢI BẤT CẬP HẠI

Nhìn lại tổng quan kiến trúc sẽ thấy không đơn thuần là có thêm một tác phẩm điêu khắc thì Hồ Gươm mặc nhiên sẽ đẹp hơn. Bởi kèm theo bức tượng ấy, chúng ta lại phải tính đến những không gian phụ trợ, hoặc các công trình bổ sung. Hồ Gươm có không gian nhỏ và hiện đã có quá nhiều điểm nhấn rồi.

Sự xuất hiện thêm một tác phẩm mới như tượng Rùa Vàng là không phù hợp với nét cổ kính sẵn có của Hồ Gươm, không gian cổ kính và hài hòa bên Hồ Gươm là một thách thức với ý tưởng đặt thêm tượng Rùa Vàng. Vì Hồ Gươm vốn đã có tháp Rùa và tiêu bản cụ rùa tại đền Ngọc Sơn, nên việc dựng thêm một bức tượng Rùa Vàng sẽ gây cảm giác thừa và rối mắt cho du khách.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Từ thời điểm năm 2011 tới nay, cảnh quan Hồ Gươm đã thay đổi nhiều. Cụ thể, không gian này ngày càng bị thu hẹp lại và trở nên nhạy cảm. Do vậy, khi Hà Nội đang triển khai xây dựng quy hoạch quanh Hồ Gươm, tôi nghĩ việc dựng tượng Rùa Vàng phải được bàn thảo rất kĩ”.
“Tôi vẫn cho rằng ý tưởng của Quân là tốt và có tính cầu thị cao khi đề nghị cộng đồng cùng tham gia đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, việc đặt những công trình ít nhiều có tính tâm linh tại một khu vực nhạy cảm như vậy cần thận trọng” – ông Quốc nói thêm – “Nếu tìm được giải pháp tốt, chúng ta có thể tạo thêm ra một biểu tượng, làm tăng nội hàm văn hóa sẵn có của Hồ Gươm. Nhưng làm không chuẩn, đó sẽ là những sai sót rất khó khắc phục, mà trường hợp tượng đài Cảm tử quân cạnh đền Bà Kiệu là điển hình”.
NHÌN LẠI LỊCH SỬ VỀ LOÀI RÙA
Trước sự việc mạng Xã hội Việt Nam đang bàn tán có nên đúc tượng rùa bằng đồng và vàng để ở Hồ Hoàn Kiếm hay không, chúng ta cần xem xét lại lịch sử:

Truyện cổ tích của Tàu kể rằng bà Nữ Oa cắt 4 chân con Rùa để thiết lập 4 cực của thế giới. Ấn Độ giáo coi Rùa là hóa thân Kurma (đấng sáng thế) của thần Vishnu, lại còn làm giá đỡ cho núi Mandara được vững chãi. Với người Việt, ai chẳng biết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành, giữ nước; rồi rùa vàng giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh.
Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. 
Các nền văn hóa Á Đông không chỉ khen Rùa mà còn coi Rùa và Rắn là loài thủy quái dâng nước làm lũ lụt. Thời Hùng Vương thứ 18, Rùa (còn gọi là con giải) dâng nước sông Hồng gây lụt lớn, Lý Ông Trọng khoắng tay xuống tóm được nó lên, từ đó hết lụt lội. Chuyện Sự tích cây phướn của Ấn Độ kể rằng, xưa Rắn được người nuôi trong nhà. Có lần người đi vắng, Rắn đói quá bèn xơi thịt Gà Vịt trong chuồng. Bị người đánh, Rắn chạy. Khi gặp Hạc, Rắn phân trần thì bị Hạc chửi mắng, khuyên quay về xin lỗi người; đến hỏi Rùa thì Rùa xúi Rắn về cắn chết người để tha hồ chén Gà Vịt. Phật Tổ biết chuyện, thưởng cho hạc đứng trên lưng Rùa, Rùa chịu phạt suốt đời cõng hạc. Sau này người ta còn bắt Rùa đội bia đá nặng trình trịch.

Ý tưởng dựng tượng Rùa vàng hồ Hoàn Kiếm của ông Quân bắt nguồn từ những truyền thuyết lịch sử như Rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy

Nhưng nhìn chung các truyền thuyết  lịch sử này chỉ là những truyền thuyết hư cấu văn học để tăng uy lực cho Vua và khích lệ tinh thần chiến đấu của binh sĩ và nhân dân Việt Nam trong thời chiến và công cuộc phát triển đất nước lúc hòa bình .

KẾT
Trong đề án đúc và dựng tượng Rùa Vàng ở Hồ Gươm hiện đang tồn tại 2 quan điểm trái chiều giữa các chuyên gia lịch sử và chuyên gia kiến trúc. Một bên bảo tồn và một bên muốn mở rộng, phát triển, có thêm cái mới là điều đương nhiên. Bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, Vấn đề là bảo tồn và giữ gìn như thế nào, phát triển ra sao?
Xét kỉ vấn đề chúng ta sẽ thấy thời điểm nhạy cảm như hiện nay việc đúc con rùa nặng cả chục tấn mặc dù là bằng nguồn vốn xã hội hóa cũng vẫn sẽ tạo ra những điều tiếng không tốt. Đặc biệt lại được đặt tại khu vực Hồ Gươm với Tháp Rùa đã trở thành một biểu tượng của Thủ Đô Hà Nội nên cũng sẽ đương nhiên là biểu tượng của cả nước Việt Nam.
Hà Nội không thể lấy Rùa làm biểu tượng của nước Việt Nam được. Chúng ta có  xác rùa trưng bày ở đền Ngọc Sơn cũng đã đủ làm triển lãm cho nhân dân chiêm ngưỡng, vậy có cần xây thêm tượng rùa ngoài trời vừa tốn kém mà cũng chẳng mang thêm giá trị gì cho đất nước? Chẳng có gì để tự hào về  Rùa vì đây chỉ là con vật chuyên oằn lưng đội đá hàng ngàn năm chậm chạp và khổ cực!
Nước Việt Nam được ví như Rồng, như Phượng, thì Rùa chỉ là đồ trang sức tham khảo cho thêm phần sinh động về nét đẹp văn hoá truyền thống. Đất nước Việt Nam chúng ta không thể phát triển với tốc độ chậm như Rùa bò được.
“Thương thay thân phận con rùa

Lên đình cõng hạc xuống chùa đội bia!”

Chuyện rùa tình lý phân chia
Hà Nội cãi cọ dựng bia thờ rùa!…

——————
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB- Lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc đã đưa đất nước đến bờ vực thẳm

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao cấp visa thuốc quá nhanh?

Phan Thanh Hung

VNTB- Tiểu phẩm: Chuyện về Vua và Chúa ở xứ Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo