VNTB – Lễ tưởng niệm ngày chiến tranh Biên giới và báo chí trong nước lên tiếng

Lê Kiên (VNTB) Hôm nay (17.02), người dân, các nhà hoạt động XHDS và báo chí trong nước đều tưởng niệm trang trọng 37 năm – ngày Chiến tranh Biên giới Việt – Trung (17.02.1979) theo nhiều cách khác nhau.

Tưởng niệm và treo băng rôn

Như trước đó Việt Nam Thời Báo đã đăng tin, hôm nay (17.02), lễ tưởng niệm ngày Chiến tranh Biên giới (17.02.1979 – 17.02.2016) đã diễn ra trong nước. Tại Hà Nội, NO-U Fc đã tổ chức tưởng niệm tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi mà trước đó, chính quyền Hà Nội đã tổ chức nhảy múa, thậm chí sử dụng lực lượng công vụ giả danh người lao động để phá rối buổi lễ tưởng niệm.

Trước đó, trong thông báo kêu gọi tưởng niệm của mình, NO-U Hà Nội đã đề nghị “chính quyền Hà Nội bảo đảm an ninh trật tự và ngăn cản bọn DLV đến quấy rối, phá hoại buổi lễ này. Những kẻ tiếp tay, phá rối lễ tưởng niệm là đi ngược lại truyền thống yêu nước nhớ nguồn, là xúc phạm vong linh tiên tổ, là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ phụng của người dân Việt Nam – nhất định sẽ bị quả báo!”


Trong khi đó, tại Vũng Tàu, những biểu tượng về Chiến tranh Biên giới với dòng chữ nhắc nhở “Nhân dân không quên 17-02-1979” được treo tại cổng các cơ quan, chính quyền tại đây.


Biểu tượng kỹ niệm Chiến tranh Biên giới được treo trước trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu.


Tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ – Hà Nội, NO-U Fc đã tập hợp được người dân và các nhà hoạt động xã hội đến tưởng niệm


Biểu tượng lễ kỹ niệm được treo ngày từ trong đêm, tại chính cơ quan chính quyền thành phố Vũng Tàu.


Lễ tưởng niệm diễn ra trong sự thành kính, nhưng đề phòng sự phá rối từ phía chính quyền và những kẻ nhận là DLV với các hành vi đầy phản cảm vào các năm trước.

Báo chí nhà nước đưa tin bài nhắc nhở

Báo chí nhà nước cũng đưa tin bài nhắc nhở về sự kiện này, trang tin Infonet thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông thậm chí còn dẫn lại thông tin trong cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Nxb Sự Thật vào tháng 10 năm 1979. Theo đó, khẳng định “Chiến tranh biên giới 1979: Tư tưởng bành trướng bá quyền không thay đổi” ngay trong tiêu đề.

Trong khi đó, báo Thanh Niên đăng bài viết về Đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) nơi trấn giữ cửa khẩu phụ Lồ Cố Chin (Việt Nam) và Lao Kha (Trung Quốc). Theo trang báo này, “trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới, các chiến sĩ biên phòng đã cầm chân lính Trung Quốc suốt 4 ngày liền, không cho chúng chớp nhoáng kéo về TT.Mường Khương, theo QL4D ra Bảo Thắng, ngược lên TP.Lào Cai hoặc xuôi theo QL70 về tỉnh Yên Bái…”

Với tiêu đề “37 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc: Quên là có tội!”, bài phỏng vấn với Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương, và dẫn lời rằng, “cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc vẫn còn nhiều ‘khoảng lặng’ làm day dứt những người đang sống cũng như những người đã trải qua cuộc chiến.”

Còn báo Lao Động “lên tiếng” mạnh hơn với “Tin khó tin: 1 cuộc chiến, 11 dòng, 140 chữ”, với góc nhìn từ cột bia Khánh Khê đã bị đục bỏ mấy chữ: quân Trung Quốc xâm lược mà tác giả Đào Tuấn cho rằng, “đây là một tội ác với lịch sử dân tộc.”; từ SGK mà tác giả  cho biết, chỉ có “Đúng 11 dòng và 140 chữ! Cho một trang sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc!”.

Bia trấn ải (ảnh, dựng tháng 5.2013) bên cổng Đồn BP Pha Long ghi: “Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ” (Tạm dịch nghĩa: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây). Ảnh và lời tựa: báo Thanh Niên

Chiến tranh biên giới 1979, hay thường được gọi là cuộc chiến ngắn ngày giữa Việt Nam – Trung Quốc, nổ ra vào ngày 17.02.1979, khi Trung Quốc đưa 600.000 quân, với nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu). Cuộc chiến gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía, và đóng băng quan hệ hai nước trong 13 năm tiếp theo. Báo chí và sử sách nước ngoài thường nhắc đến sự kiện này dưới tên gọi “Cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ”.

Trong một thông tin có liên quan đến quan hệ Việt – Trung, sáng nay, báo chí trong nước dẫn nguồn tin ngày 16.02 của Fox News qua đó cho biết, “Quân đội Trung Quốc đã trắng trợn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.”

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)