Lan Anh dịch
(VNTB) – “Nhà ống” truyền thống của Việt Nam kết hợp không gian ở và bán lẻ
Bài của John Boudreau và Nguyễn Diệu Tú Uyên
Nhà phố Hà Nội hẹp với cấu trúc giống nhau nằm dọc theo những con đường giống như ngõ hẻm nhộn nhịp người bán hàng rong và xe máy, đã tồn tại sau thời gian bị ngoại bang chiếm đóng, các cuộc chiến tranh và cách mạng. Bây giờ chúng đang chịu áp lực của một nền kinh tế hiện đại hóa.
Những căn nhà này phản ánh nền văn hóa cộng đồng, cần cù của Việt Nam và gợi nhớ những ảnh hưởng thuộc địa trong nhiều thập kỷ sau khi những kẻ chiếm đóng bị trục xuất khỏi thủ đô. Những tòa nhà nhỏ, biểu tượng của gia đình và kinh doanh trên khắp đất nước Đông Nam Á, tiếp tục giữ vị trí kiến trúc nổi bật ở Việt Nam ngay cả khi các tòa nhà dân cư hiện đại và các khu biệt thự được quy hoạch thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam. Thật vậy, ngày càng có nhiều nhà quy hoạch đô thị yêu cầu phát triển nhà tách biệt các khu sinh hoạt với kinh doanh.
Những công trình kiến trúc nhiều tầng – được người dân địa phương gọi là nhà ống – xác định cảnh quan đường phố của Việt Nam và đặc biệt là Khu phố cổ Hà Nội, một tổ hợp 36 phố phường ở trung tâm thành phố có từ thời Lý và Trần. Các con phố được đặt tên theo các ngành nghề từng thống trị các khu phố, chẳng hạn như Hàng Tre (tre), Hàng Đồng (đồng) và Hàng Bạc (bạc hoặc kim loại quý), nơi vẫn có thể tìm thấy các cửa hàng vàng và trang sức. Những tòa nhà này là nơi sinh sống của các gia đình nhiều thế hệ. Các gia đình không liên quan cũng thường trú ngụ dưới một mái nhà phố.
Tống Mạnh Hải, một kiến trúc sư đã thiết kế lại một phần cửa hàng của gia đình thành một quán trà được sơn màu rực rỡ với những bức tranh đương đại và những chiếc ghế gỗ 100 năm tuổi cho biết: “Đó là một nét văn hóa cộng đồng bắt nguồn từ cuộc sống làng quê”.
Đây là căn nhà mặt tiền nằm ở con phố với những người phụ nữ lớn tuổi đội nón lá đẩy xe bán vải và đồ gia dụng. Căn nhà này có sơ đồ mặt bằng rất điển hình của những ngôi nhà ống khác. Quán trà nằm trên hai tầng của tòa nhà cùng với một cửa hàng phụ kiện điện thoại, một cửa hàng bán vali túi xách, và một quán cà phê khác. Sau đó đến các tầng để ở. Ngay phía trên quán trà là nhà bếp, phòng tắm và phòng khách cho chủ nhà. Một tầng lửng có giường ngủ, chỗ để đồ dưới mái hiên để kê bàn ghế của quán trà sữa – và bàn thờ gia tiên. Các phòng không lớn nhưng mỗi tầng đều có ban công râm mát nhìn ra đường để có thêm không gian bên ngoài.
Khu Phố Cổ phát triển từ văn hóa làng nghề; những người thợ thủ công và thương nhân ban đầu xây dựng các quầy hàng trong chợ trước khi xây dựng các khu sinh hoạt phía sau. Trước khi người Pháp đô hộ miền Bắc Việt Nam vào cuối những năm 1800, các căn phố thường có hai tầng với một cửa hàng bán lẻ thấp ở phía trước. Ông Michael DiGregorio, đại diện Quỹ Châu Á là chuyên gia về quy hoạch đô thị, cho biết khi các đường phố chật kín xe cơ giới và xe ba bánh, chính quyền Pháp đã dỡ bỏ các cửa hàng bán lẻ, buộc các chủ sở hữu phải thiết kế lại các tòa nhà với tầng đầu tiên làm không gian thương mại.
Các sân trong ngăn cách giữa khu vực bán lẻ và khu vực sinh hoạt cuối cùng đã trở thành một phần của các khu nhà phố khi chúng được mở rộng sâu vào các dãy nhà, ông nói. Một số tòa nhà đã bị chính quyền Cộng sản tiếp quản ở Hà Nội năm 1954 sau khi người Pháp rời đi. DiGregorio, người cũng là thành viên của Hiệp hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết một trận đánh lớn giữa Việt Minh và người Pháp trước đó đã phá hủy phần lớn trung tâm của thành phố, gây ra tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng. Những người chủ cũ đã thuê lại các căn nhà phố của chính phủ và nhiều người cuối cùng được phép mua lại toàn bộ hoặc một phần nhà.
Các hạn chế đã được đặt ra cho thương mại tư nhân, mặc dù một số thương nhân ở Phố Cổ được phép tiếp tục kinh doanh. Các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, không giống như Trung Quốc, đã không cấm tất cả các doanh nghiệp tư nhân và buộc người Việt Nam vào các hợp tác xã khi họ chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại miền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn: “Anh không thể ép mọi người vào kinh tế tập thể khi anh đang cố gắng chiến đấu và điều con trai của họ ra trận,” DiGregorio nói. Các nhà chức trách cũng biết các doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp cho xã hội những mặt hàng chủ chốt tốt hơn, ông nói thêm. Tinh thần kinh doanh của đất nước hồi sinh vào cuối những năm 1980 sau khi bộ chính trị thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước hướng tới nền kinh tế định hướng thị trường. Khu phố cổ lại một lần nữa nhộn nhịp với hoạt động kinh doanh. Ngày nay, một số chủ cửa hàng kinh doanh cửa hàng tận dụng bề dày lịch sử hàng nghìn năm của khu vực này để phục vụ khách du lịch với các quán bar, cửa hàng lưu niệm và khách sạn – các doanh nghiệp hiện đang phải chịu đựng thời kỳ suy thoái do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngừng lại vì đợt bùng phát virus corona chủng mới.
Kiến trúc sư Hải cho biết, giá trị của một căn nhà phố phụ thuộc vào vị trí của nó – con phố càng sầm uất thì giá trị càng lớn. Ông cho biết, tòa nhà rộng 100 mét vuông mà quán trà của ông tọa lạc, nằm dọc theo con đường chính, phố Hàng Gai, và có thể có giá lên tới 120 tỷ đồng (5,2 triệu đô la). Con phố bán lẻ sôi động có một cửa hàng Domino’s Pizza, nhìn ra quảng trường ở rìa khu khu phố cổ. Các căn nhà mang phong cách kiến trúc nhà phố tại Việt Nam đang bắt đầu thưa dần trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trên toàn quốc mong muốn có được những sự thoải mái và tiện nghi tiêu chuẩn quốc tế.
Họ cũng phải cạnh tranh với các trung tâm mua sắm mới ở khắp nơi cung cấp dịch vụ mua sắm và giải trí có máy lạnh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại lớn của cả nước còn được gọi là Sài Gòn, các nhà phát triển và quan chức đã san bằng các tòa nhà cổ để làm khách sạn cao cấp, khu phức hợp văn phòng và các dự án khu dân cư mới. DiGregorio cho biết: “Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều thứ bị san lấp. “Họ có tầm nhìn Việt Nam giống như một Bangkok hay Singapore. Họ xây những tòa nhà cao tầng, mỗi một toà nhà ráng trở thành một cột mốc (landmark) nhưng thực chất họ lại phá hủy tất cả những cột mốc khác này để làm điều đó”.
Tuy nhiên, Việt Nam không hoàn toàn từ bỏ nhà phố. Ngay cả khi một số chủ sở hữu nhà phố ở Khu Phố Cổ chuyển đến các khu dân cư hiện đại để có thêm không gian và các tiện nghi sinh sống như hồ bơi và siêu thị, các thành viên gia đình hoặc người thuê vẫn ở lại những ngôi nhà cổ để giám sát hoạt động kinh doanh. Và những người tìm kiếm các tiện ích mới hơn có xu hướng giữ lại tinh thần cộng đồng của nhà phố, chia sẻ mọi thứ từ người trông trẻ đến nhiệm vụ mua sắm với hàng xóm. “Đó là sự nông thôn hóa của Hà Nội,” DiGregorio nói.