VNTB – Liêm chính công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng

VNTB – Liêm chính công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng

Thới Bình

 

(VNTB) – Mỉa mai vô cùng khi yêu cầu về liêm chính trong bối cảnh các nhà lãnh đạo chưa lần nào ‘hóa trang’ để vi hành.

 

Ở đây nếu đặt vấn đề qua góc nhìn quản trị nhân sự đảng viên nói chung, nhân sự đảng viên cấp ủy viên Trung ương nói riêng, thì rõ ràng là cần nghiêm túc đặt vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu Đảng.

Giả dụ như Quốc hội Việt Nam có nhiều ghế dành cho các đảng phái chính trị, thì có lẽ ở Nghị trường hôm 7-6 với áp lực cạnh tranh, người ta sẽ chứng kiến tuyên bố việc từ chức của người đương nhiệm đứng đầu Đảng, và nội bộ của Đảng này sẽ cử một người nào đó lên thay thế, vì nhân tài của một đảng chính trị không thể là “lá mùa thu”.

Nhằm tránh bị chụp mũ chính trị là trang Việt Nam Thời Báo đang cổ súy cho “lật đổ chế độ” qua cổ súy đa nguyên chính trị, xin được luận bàn theo văn phong tuyên giáo Đảng về trách nhiệm của vị thuyền trưởng trong vai trò Tổng bí thư.

Trong các tiết bồi dưỡng chính trị định kỳ mang tính bắt buộc đối với tất cả đảng viên đang trong bộ máy cầm quyền, người ta luôn nghe thuyết giảng với những lời hay ý đẹp trong môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” (trích):

Sinh thời, ý thức rõ về nguy cơ tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục đạo đức công vụ cho họ với phẩm chất hàng đầu là sự liêm chính. Người yêu cầu cán bộ, công chức phải thực sự trong sạch, ngay thẳng, “công bình, chính trực”, hết lòng phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Những chỉ dẫn của Người về liêm chính công vụ ngày càng tỏ rõ giá trị khi xây dựng chính phủ liêm chính với tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nước ta hiện nay…

Trong một bài giảng có tên “Liêm chính trong suy nghĩ và hành động!” của TS. Văn Thị Thanh Mai, Ban Tuyên giáo Trung ương, có đoạn viết:

“Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Liêm “là trong sạch, không tham lam”, là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”.

Trái ngược với liêm, thì người “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”, cho nên cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Người có đức Liêm là người liêm sỉ, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi làm điều xấu; đồng thời, biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong và sáng. Sự thanh liêm của họ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh.

Vì, đức Liêm của người cán bộ sẽ tạo lòng tin của nhân dân, cho nên, nếu không có hoặc thiếu Liêm “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”, cho nên, cán bộ phải nhất thiết phải Liêm, phải thực hành chữ Liêm, “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân;… mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường”, nhất là “mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân”…

Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa”. Đồng thời, với nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, để “dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm” là việc pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì”.

Những đoạn dẫn trực tiếp trong dấu ngoặc kép được giảng viên Văn Thị Thanh Mai cho biết là các huấn thị kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vậy thì cấp ủy viên Trung ương Đảng đã không thể dưỡng liêm, thì rõ ràng đó là lỗi trong quản trị nhân sự của nội bộ Đảng.

Nếu được phép chỉ trích, xin được nói rằng người đứng đầu Đảng hiện tại đang thiếu đức Chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng “chính” đòi hỏi con người phải có sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải; chi phối mọi công việc, mọi con người trong xã hội, do đó, “chính” là đức khó thực hiện nhất trong “tứ đức” cần – kiệm – liêm – chính, tức là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người.

Lẽ ra các cái sai của đảng viên cấp ủy viên Trung ương trong dưỡng liêm, phải được người đứng đầu Đảng dũng cảm đấu tranh ngay từ lúc gọi là “manh nha trứng nước”, chứ không phải đến lúc “bung toang” như vụ Việt Á kéo dài suốt mấy năm trời dịch giã Covid (?!).


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)