Việt Nam Thời Báo

VNTB – Liệu có cơ cấu ông Nguyễn Thiện Nhân ở Đại hội Đảng lần thứ XIII?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Dường như không có bất kỳ cơ quan truyền thông quốc tế nào đặt vấn đề ‘tái cử’ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân.

 

Không vì tiền lệ thất bại Nguyễn Tấn Dũng…

Bài viết này ghi nhận ý kiến cho lập luận về đề xuất ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục tham gia chính trường.

Tiền lệ: ông Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949, đến Đại hội XII là 67 tuổi, đã nằm trong diện đặc biệt. Tuy Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương không giới thiệu, nhưng ra Đại hội, có đại biểu giới thiệu và Đại hội XII đã xem xét rất kỹ, và cuối cùng là bỏ phiếu có đồng ý cho ông Nguyễn Tấn Dũng rút hay không.

Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu.

Thế cho nên vì sao không đề cử ‘trường hợp diện đặc biệt’ là ông Nguyễn Thiện Nhân?

Ông Nguyễn Thiện Nhân sinh ngày 12 tháng 6 năm 1953 tại Cà Mau, nghĩa là hiện nay ông 68 tuổi. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12. Ông là một trong số ít chính khách Việt Nam từng được đào tạo chính quy tại Việt Nam, cũng như tại Đức và Hoa Kỳ.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, là nam ở tuổi 62, nữ tuổi 60. Nhưng độ tuổi để bầu, tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thì chưa thay đổi độ tuổi.

Về mặt truyền thông, ông Nguyễn Thiện Nhân vướng phải vạ miệng trong vụ giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng được cho là đã ‘bật đèn xanh’ chuyện dời đỉnh hương trước tượng Đức Thánh Trần ở Công viên Bến Bạch Đằng, quận 1, Sài Gòn. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng được cho là ‘dung túng’ cho thuộc cấp tiến hành việc giải tỏa trắng khu dân cư “Vườn rau Lộc Hưng” không theo trình tự của pháp luật…

Chính khách ‘con nhà nòi’ về khoa bảng học tập

Xét về lý lịch học vấn, ông Nguyễn Thiện Nhân thi đạt điểm cao vào Đại học Quân y. Sau 1 năm học đại cương, đạt loại giỏi của trường, năm 1972, ông được Quân đội cử đi du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, và phân công học tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg.

Năm 1977, ông được phong quân hàm Thiếu úy. Với kết quả học tập đạt loại ưu tại trường, ông đã được làm nghiên cứu sinh chuyển tiếp. Năm 1979, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ngành Điều khiển học. Cuối năm 1979 về nước, ông làm nghiên cứu viên tại Viện Vũ khí có điều khiển thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự – Bộ quốc phòng, nay là Viện Tên lửa thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự cho đến năm 1983.

Tháng 3 năm 1983, Nguyễn Thiện Nhân chuyển ngành, làm giảng viên tại Đại học Bách khoa TP.HCM. Tháng 4 năm 1985 đến tháng 7 năm 1988, Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng ban Khoa học – Kỹ thuật rồi Phó Bí thư Thành đoàn TP.HCM.

Năm 1997, Nguyễn Thiện Nhân được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM, và được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa X. Từ 1999 – 2006, ông là Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM Khóa VI, Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM (tháng 5 năm 2001).

Từ tháng 5 năm 2001 đến tháng 6 năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 11 năm 2002, ông được phong học hàm giáo sư ngành Kinh tế.

Năm 2012, Nguyễn Thiện Nhân đã được Tổng thống Đức tặng Huân chương Đại công trạng của Đức, do đóng góp to lớn vào phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam và Đức.

Năm 1988, ông được điều động trở lại Cộng hòa Dân chủ Đức làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam với vai trò tùy viên giáo dục; rồi theo học về kinh tế thị trường tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg. Nguyễn Thiện Nhân là người nước ngoài đầu tiên được mời giảng 1 chuyên đề về “cạnh tranh” cho sinh viên kinh tế năm thứ 2 tại Khoa kinh tế doanh nghiệp của Trường năm 1989.

Năm 1991, về nước, ông tiếp tục giảng dạy tại Đại học Bách khoa TP.HCM, giữ chức Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Công nghiệp.

Năm 1993, Nguyễn Thiện Nhân sang Hoa Kỳ du học chương trình Thạc sĩ Quản trị Công cộng (Master of Public Administration), chuyên ngành Tài chính công (Public Finance), tại Viện Đại học Oregon, theo chương trình học bổng Fulbright; khóa đào tạo Chuyên gia Thẩm định Dự án Đầu tư tại Viện Đại học Harvard.

Quá trình du học ở nước ngoài này cùng với quá trình học tập trước đó đã giúp cho ông thu được nhiều kinh nghiệm và được đánh giá cao về kinh nghiệm quản lý kinh tế. Ngoài ra từ năm 1995 đến năm 2012, ông Nguyễn Thiện Nhân đã học 4 khóa đào tạo khác nhau tại Đại học Harvard, Mỹ.

Năm 1995, ông đồng thời làm Trợ giảng môn Kinh tế Vĩ mô tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Ý thức hệ ‘Mỹ hóa’ đã ngáng đường công danh?

 

Trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã khởi xướng và lãnh đạo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội loạt giải pháp để tạo thế và lực phù hợp cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn.

Từ đề xuất này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; mô hình Chính quyền đô thị; định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM, làm cơ sở thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.

Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam, Giáo sư Carlyle Thayer (người Australia) từng đánh giá: “Kỹ năng căn bản của ông Nhân được thể hiện khi làm việc với phương Tây. Đây là người có mạng lưới liên hệ quốc tế tuyệt vời”.

Ở video “Chặng đường dài hơn hai thập kỷ” do Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện (https://youtu.be/hFhCISx849E), trong clip, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ như sau với sinh viên Việt Nam (trích):

“Tôi nhớ cách đây 20 năm, khi những người bạn Mỹ bắt đầu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Đại học Kinh tế, chúng tôi đã nghĩ đến một trường đại học xuất sắc của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Để đạt được điều đó là cả một chặng đường dài, nên họ bắt đầu với Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright mà không cấp giấy chứng nhận cho các chương trình thạc sĩ, sau đó họ chuyển sang giai đoạn thứ hai là công nhận giấy chứng nhận của chương trình thạc sĩ. Và bây giờ, giai đoạn thứ ba: Đại học Fulbright Việt Nam.

Các bạn là người Việt Nam. Các bạn đang học tiếng Anh. Và các bạn có cơ hội này. Các bạn là những sinh viên giỏi nhất. Vì vậy, tôi hy vọng Đại học này không dành cho người Việt Nam trung bình, mà là người Việt Nam xuất sắc nhất. Hưởng lợi nhiều nhất có thể từ trường Đại học này là quyền và nghĩa vụ của các bạn.

Các bạn có quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành những công dân Việt Nam tốt nhất trong tương lai không? Có? Các bạn có muốn cảm ơn các đối tác ở Hoa Kỳ của chúng ta không? Xin vui lòng làm vậy. Hay các bạn muốn cảm ơn cha mẹ của mình? Đúng. Vâng.

Đó là sự lựa chọn của các bạn. Đất nước trông chờ các bạn. Gia đình trông chờ các bạn. Những người tạo ra trường đại học này đang trông chờ các bạn. Làm hết sức mình với trường đại học này!

Đây là một ngôi trường mới và họ sẽ thực hiện một số đổi mới. Các bạn là một phần của sự đổi mới. Các bạn tham gia vào chương trình này và làm cho chương trình này trở nên tốt nhất. Tôi ước rằng năm năm sau, các bạn sẽ tự hào về quyết định của mình, các bạn biết ơn trường Đại học này và các bạn quyết tâm hỗ trợ cha, mẹ và đất nước của các bạn.

Tôi muốn cảm ơn các đối tác Hoa Kỳ của chúng ta. Nhiều người trong số họ không có mặt ở đây ngày hôm nay. Họ làm việc chăm chỉ để giúp thành lập Đại học này. Chúng tôi luôn luôn nghĩ về họ. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành là thượng nghị sĩ John McCain. Tôi ước ông ấy có thể có mặt ở đây…”.

Trong bài nói chuyện bằng Anh ngữ kể trên, có đoạn đáng chú ý thế này về ý thức hệ:

“Tôi nói với cha tôi rằng tôi sẽ đến Mỹ để lấy bằng thạc sĩ. Cha tôi hỏi: Con muốn làm gì ở đó khi họ là kẻ thù lâu đời của chúng ta.

Tôi giải thích với cha tôi rằng: Cha ơi, chúng ta là kẻ thù trong quá khứ nhưng con không nghĩ chúng ta sẽ là kẻ thù trong tương lai. Con muốn biết lý do tại sao họ rất thành công trong phát triển kinh tế và công nghệ khoa học và chúng ta có thể hợp tác với họ vào một ngày nào đó.

Cách tốt nhất để hợp tác là ở đó, như những người bạn và là đối tác của nhau. Con sẽ không quên nhiệm vụ quốc gia của mình. Một ngày sau, cha tôi nói: Được rồi, con hãy đến Mỹ và cho cha biết con học được những gì.

Các bạn thấy đấy, ở thế hệ của tôi, chúng ta nhìn Hoa Kỳ từ các khía cạnh khác nhau. Nhưng hôm nay, chúng ta đang thúc đẩy việc hợp tác giữa hai nước vì lợi ích của sự phát triển của hai bên.

Sau đó, tôi đến Mỹ để học và tôi không bao giờ hối hận về điều đó”.

Thế nhưng dường như những ứng dụng từ việc học hành tử tế ở Mỹ vào Việt Nam, đáng tiếc là ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn chưa thể có được môi trường thích hợp cho ‘dụng võ’.


Tin bài liên quan:

VNTB – Covid-19 đe dọa tái bùng phát lây nhiễm cộng đồng ở Việt Nam?!

Phan Thanh Hung

VNTB – Xin hãy dừng tụng ca…

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội Đảng 13: Chiến tuyến đã hiện rõ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo