Quang Nguyên
(Washington)
(VNTB) – Nhiều cuộc bầu cử Mỹ đã để lại dư âm cay đắng, nhưng sau đó họ vẫn có các Tổng thống, mà cả những người từng chống đối, gọi là anh hùng.
Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 đã kết thúc. Nhiều người bảo kết quả chiến thắng nghiêng về Trump đáng kinh ngạc. Vài tờ báo ở Việt Nam gán sự kinh ngạc của mình cho một số nhà lãnh đạo quốc gia nào đó. Có thật kinh ngạc về chiến thắng của ông này không? Một nửa dân Mỹ, những người trong cuộc, người ủng hộ ông Trump không hề kinh ngạc, họ thấy sự thắng trận của ông ta là lẽ đương nhiên. Tờ TIME hai số liền trước bầu cử đã vẽ hình Trump với mái tóc vàng óng, nước da rám nắng tan chảy như miếng chocola để ngoài nắng, cũng không tỏ ra ngạc nhiên khi Trump giành đến 279/228 phiếu cử tri đoàn so với bà Clinton.
Môt cô bạn trẻ của tôi, người Canada, dù không thể bỏ phiếu vì không có quốc tịch Mỹ, nhưng đau xót cho HRC, đã than vãn:” Tim em vẫn nhói đau, em đã khóc ròng cả ngày trời, đã uất ức, nổi giận…” Một cô bạn VN giao con cho chồng ở nhà, bỏ đi với vài bà bạn Mỹ của cô ta vì “..không thể chịu đựng đựơc, trốn đi vài ngày cho vơi bớt nỗi buồn…” Trước đó, có vài người nổi tiếng trong làng giải trí VN từng lên tiếng: “Nếu Trump đắc cử tôi sẽ bỏ nước Mỹ..”
Donald Trump có đáng sợ đến thế không?
Trump, một người chưa hề có quá khứ tham gia chính trị nổi bật, hay nói đúng ra là người phất phơ với hết đảng này đến đảng khác, đã vào cuộc với những lời đao to búa lớn, với những cử chỉ khác thừơng. Nhiều người bảo đó là nghệ thuật tự quảng cáo của một người có năng khiếu làm thương mại. Gần như nửa giai đoạn đầu cuộc tranh cử sơ bộ, ông không tốn một đồng cho quảng cáo. Lời nói, cử chỉ của ông được truyền thông ào ạt đưa lên, trở thành thứ quảng cáo không công và hấp dẫn. Ông được nhiều người mà ông gọi là có thân phận bị chính quyền, chế độ bỏ rơi, ủng hộ và mạnh mẽ đi sâu vào cuộc đua, khác với kỳ ứng cử trước, mới nhập cuộc đã tan tành ra mây khói.
Tình cảm đối chọi lên đến cao trào khi những lời tuyên bố quyết liệt của ông về những vấn đế rất nhạy cảm như xây tường ngăn cách biên giới Mỹ- Mễ, mà còn ngang ngược hơn là, bắt phía Mễ phải trả tiền, không nhận người Hồi Giáo tỵ nạn , tống cổ hết ngưòi di cư bất hợp pháp, xóa bỏ tất cả hiệp ước thương mại đã ký với các nước khác vì đã làm, hay sẽ làm mất công ăn việc làm của người Mỹ, v…v, khiến nhiều người bị sốc, nhiều người hứng khởi. Hai phe ủng hộ, chống đối càng ngày càng đào sâu sự chia rẽ. Báo chí vô tình (?) hay cố ý cũng đào sâu hố ngăn cách. Những chỉ trích, cáo buộc giữa hai đối thủ càng ngày càng quá đáng đã khoét sâu sự hiểu lầm, dẫn đến thù ghét, lo sợ.
Chẳng phải đến nay mới có những kiểu tố cáo qua lại giữa các ứng cử viên tổng thống như vậy. Từ thời lập quốc, nhiều cuộc tranh thắng thua đã bị mang tiếng nhơ nhuốc. Người ta nhìn thấy, nghe thấy các ứng viên, báo chí, người phe này, phe kia văng vào mặt nhau những câu nói chói tai, những cáo buộc có thể đúng, đúng một phần, mơ hồ hay bị dựng chuyện.
Lịch sử Hoa Kỳ không giấu diếm điều đó, họ ghi nhận và công khai những xấu xa của tiền bối.
Năm 1796, trong cuộc tranh đua chức vụ TT giữa John Adams vs. Thomas Jefferson, một tờ báo đã chế diễu Adams có cái bụng như cái trống cái. Ấy còn là nhẹ. Phía Adams còn tố cáo đối thủ Jefferson là ngoại tình, giết người, ngủ với đàn bà nghiện rượu.
Đến cuộc tranh đua năm 1828, một tờ rơi của phe những người ủng hộ John Adams gọi đối thủ của ông ta, Andrew Jackson, là một tay chuyên đá gà, say xỉn, ăn cắp; có còn chế giễu vợ ông bà là một mụ mập phì. Bà lên cơn đau tim, chết vài ngày trước khi ông tuyên thệ nhậm chức, Jackson kết tội phe chống ông gây nên cái chết này.
Năm 1844, một nhóm cách tả của đảng Dân Chủ mô tả Henry Clay là ngày thì cờ bạc rạc rài, tối chui vào nhà thổ.
Đó là chuyện xưa, chuyện nay cũng không thiếu.
Năm 1964 đám phụ tá của Lyndon Johnson đã vẽ đối thủ của ông, Bary Goldwater, mặc áo dài của đám KKK.
Năm 1972, ngoài những trò bẩn Nixon chơi đối thủ George McGovern, ông này còn giở trò nghe lén. Vụ Watergate bị phanh phui, đã kết thúc cuộc đời chính trị của ông ta.
Những lời công kích hạ uy tín nhau nhằm vào nhiều mặt. Trump đã có lần chế giễu đối thủ ngay trên diễn đàn tranh luận là nhỏ con, có cái đó nhỏ xíu. Đối thủ chê nhau về tài năng , kinh nghiệm. Bà Clinton gọi kinh nghiệm của Trump về đối ngoại giống như kinh nghiệm trong tổ chức thi hoa hậu. Năm 1992, George H.W Bush so sánh Bill Clinton và Al Gore: “My dog Millie knows more about foreign affairs than these two bozos”- Con chó Millie của tôi còn biết nhiều về công việc đối ngoại hơn hai con bú dù này-, như năm 1848, Whigs gọi đối thủ Lewis Cass là bụng bia, đầu lừa, đần độn như củ khoai. Họ chê nhau về tính nết, đạo đức, Clinton chê Trump kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, kỳ thị người Hồi Giáo, ngược lại Trump gọi bà Clinton là nói dối, đưa, nhận hối lộ. Họ chê nhau yếu đuối, bệnh hoạn, không đủ sức khỏe để gánh vác công việc.
Kỳ tranh cử năm 1876 giữa Rutherford vs Samuel Tilden, thư nặc danh được đưa lên báo tố cáo Mr. Hayes đã có lần bắn mẹ ông ta bị thương. Lần này, 2016, còn tệ hại hơn nữa, họ đem cả Giáo Hoàng ra để lừa bịp nhau. Sợ rằng nhiều người công giáo có thể sẽ không bỏ phiếu cho bà Clinton vì lập trường bênh vực phá thai, bênh vực hôn nhân đồng tính của bà, một tờ báo lá cải nào đó đã mạo danh Giáo Hoàng Francis viết một lá thư, có cả ấn tín của Ngài, kêu gọi người Công giáo bỏ phiếu cho bà Clinton, trong thư có câu như thế này: “Suy nghĩ đó đi đầu trong thần trí tôi nên tôi phải bày tỏ sự dè chừng tối đa của tôi về ông Donald Trump. Thái độ và tính khí của ông ta sẽ ngăn cản ông ta trở thành Tổng Thống. Tôi ngại rằng ông ta có thể trở thành thảm họa cho nền an ninh, sự ổn định và thịnh vượng của Hoa Kỳ và Thế giới. Tôi tin rằng Ngoại trưởng Clinton tốt hơn, là sự lựa chọn ổn định hơn….”. Lá thư này được cố ý gửi đến nhiều nơi và đăng tải trên vài trang mạng công giáo giả mạo và cả trên vài trang mạng của đặc tình cộng sản hải ngoại chuyên đánh phá công giáo và chia rẽ tôn giáo. Vài người công giáo ngây thơ cũng vội chuyền cho nhau. Ngược lại, có những e- mail cáo buộc bà Clinton đã từng họp hành với giáo chủ của các tôn giáo theo quỷ Satan.
Cho đến nay, trong khi ông chủ nhà Trắng Obama đang lo bàn giao quyền lực cho Trump, ngoài đường, dẫn đầu một số đoàn biểu tình có cờ Búa Liềm đi cùng với một số lá cờ và biểu tượng khác, vang tiếng đả đảo ông TT đắc cử :”No Trump, No Fascist, No KKK”, Dump Trump.
Nhiều cuộc bầu cử Mỹ đã để lại dư âm cay đắng, nhưng sau đó họ vẫn có các Tổng thống, mà cả những người từng chống đối, gọi là anh hùng.