VNTB – Lỗi của Chính phủ hay của Bộ Chính trị?

VNTB – Lỗi của Chính phủ hay của Bộ Chính trị?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản cho “người nước ngoài”.

 

Giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9-5-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay khó khăn bên trong là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm cán bộ các cấp.

Những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản là 5,6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lạm phát trong các tháng tiếp theo.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023 ở một số địa phương đạt tăng trưởng âm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất ngân hàng còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận ở mức giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Tình hình người lao động bị giảm việc, mất việc có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong năm 2022, nhưng đến đầu năm 2023 vẫn chưa giải quyết triệt để. Tình trạng tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp.

Về khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Dũng, có rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là dòng tiền. Hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên doanh nghiệp rất khó khăn.

“Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực”, ông Dũng thông tin và cho hay người mua ở đây “toàn nước ngoài”.

“Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần. Người mua nước ngoài rất nguy hiểm, nhất là đối với các doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đây là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”, ông nói thêm.

“Chúng tôi” ở đây cụ thể là những ai thì không thấy ông Nguyễn Chí Dũng nêu cụ thể cho chuyện “điều hành tín dụng có vấn đề”, và quản lý thế nào để “toàn nước ngoài” đã mua “gần hết tài sản” của nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Nói một cách khác, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ ở đây là gì, vì sao lại đưa đến những điều như “thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế” – “tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp”…

Liệu bức tranh toàn cảnh như các con số báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9-5-2023, là kết quả đến từ việc độc quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của nhóm chính khách đảng viên quyền lực ở Bộ Chính trị, khi họ nhân danh vào Điều 4 của Hiến pháp?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Lê thị Minh 11 months

    Thưa ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng,
    Như ông đã cho biết thì “Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực”, và cũng theo thông tin ông cho biết thì “người mua ở đây toàn nước ngoài”.
    Xin ông cho biết về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói chung và trách nhiệm của ông nói riêng trong việc nhiều doanh nghiệp lớn của VN đã phải bán tháo gần hết tài sản. Ngoài ra, ông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những biện pháp cụ thể gì để cứu nạn cho các doanh nghiệp lớn bị phá sản đó?
    Xin ông thông tin rõ ràng và cụ thể về yếu tố “người mua ở đây toàn nước ngoài”. “Nước ngoài” là nước nào?

  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 11 months

    “Liệu bức tranh toàn cảnh như các con số báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9-5-2023, là kết quả đến từ việc độc quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của nhóm chính khách đảng viên quyền lực ở Bộ Chính trị, khi họ nhân danh vào Điều 4 của Hiến pháp?”

    Not really. Nếu tác giả muốn (cố) chứng minh điều này, tg phải chỉ ra những lúc “tốt” hơn là do 1 hình mẫu chế độ khác với chế độ hiện hành . Nhưng cái chế độ đó cha ông các bác rõ ràng đánh giá là tồi dở, và vì vậy đã đánh đổ nó đi . Từ hổi tới giờ, chế độ mà tg muốn đổ tội nguyễn y vân . Trước giờ nó vẫn thế, thì nàm thao mà tg lại đổ hết lỗi hiện nay vô chế độ vẫn từ trước tới giờ được ? Bộ cứ muốn nói gì thì nói, bất kể nó vô lý tới đâu ?