Thanh Minh
(VNTB) –
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh Nghệ An, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương, nhận các câu hỏi liên quan đến việc giám sát, quản lý hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Là đại biểu của thành phố Vinh, bà Trần Thị Khánh Linh nói rằng quản lý bán hàng rong trước cổng trường học và bệnh viện không chỉ gây trở ngại cho lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ an toàn thực phẩm do nguồn gốc không rõ ràng. Bà Linh đưa ra 5 gói kẹo mình đã mua trước cổng một trường học với giá 16.000 đồng, và nói thêm “rất dễ mua”.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An Phạm Văn Hóa sau đó chỉ trả lời vế đầu trong câu hỏi của đại biểu Linh. Ông phân tích rằng việc bán hàng rong trước cổng trường “suy cho cùng là trách nhiệm của quản lý đô thị”. Theo ông, người bán rong nhiều, quản lý thị trường hay công an đứng canh cũng không phù hợp. Đây là trách nhiệm của các địa phương, Sở và quản lý thị trường không thể kiểm soát việc này.
“Đây là một câu trả lời mang tính đùn đẩy trách nhiệm. Khi sự việc xảy ra, không biết rằng ai sẽ người chịu trách nhiệm. Trong khi đó, trách nhiệm của Sở Công Thương, có phần xuất khẩu và nhập khẩu. Bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất hiện tràn lan, nếu Sở Công Thương không chịu trách nhiệm thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho công tác nhập khẩu?”, ông Ba, một độc giả thắc mắc.
Hết đổ lỗi cho lực lượng quản lý đô thị, ông Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa lại chuyển sang đổ lỗi cho người tiêu dùng: “Người bán hàng cần phải đăng ký, tuân thủ các quy định để cơ quan chức năng có cơ sở quản lý, theo dõi vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền các cấp phải thường xuyên vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh không tham gia vào thị trường này. Không có người mua thì chắc không có người bán”.
Cũng theo vị này thì lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhưng “nếu nói là kiểm soát hết thì chỉ ở mức độ nào đó”. Theo ông, vai trò rất quan trọng là từ phía người tiêu dùng chứ không phải hoàn toàn chỉ dựa vào lực lượng chức năng.
… Bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất hiện tràn lan, nếu Sở Công Thương không chịu trách nhiệm thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho công tác nhập khẩu?
“Đổ lỗi cho người tiêu dùng là hoàn toàn không chính xác. Làm sao người tiêu dùng có thể biết hết được danh mục hàng hóa nào an toàn, hàng hóa nào không an toàn, hàng hóa nào trôi nổi, hàng hóa nào nằm trong danh sách “kiểm soát chỉ ở mức độ nào đó”… để mà lựa chọn, để mà ăn? Nhìn bằng mắt thường, làm sao biết rõ được? Thà nó khó, nó ẩn khuất thì nói sơ suất, thiếu sót còn nghe được. Còn nó nhan nhản, đầy cả ra mà kêu kiểm soát ở một mức độ nào đó thì thôi rồi….”, ông Ba lắc đầu.
Bánh kẹo là loại thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh, thường đáp ứng mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay. Do có những tính chất đặc thù nên việc nhập khẩu bánh kẹo phải tuân theo quy định về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, đối với bánh kẹo nhập khẩu thì cần phải đăng ký kiểm tra bánh kẹo nhập khẩu (trừ trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và điểm đ Khoản 2 Điều 41 Nghị định 85/2019/NĐ-CP) và nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu.
“Cũng hy vọng trường hợp đổ thừa này là thuộc loại hiếm. Chứ đụng chuyện, có vấn đề xảy ra mà cứ đổ lỗi cho hết đơn vị này đến người dân kia, thì cái vai trò và nhiệm vụ của mấy anh để làm gì?”.
1 comment
Các bác cứ nhìn mặt cha Hoá đó là biết trình độ nhận thức đến đâu thôi?