Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lỗi thuộc về tổ hợp C00?

Camille Nguyễn

 

(VNTB) – Những ngày qua, xoay quanh câu chuyện giáo dục với độ “nóng hổi”, khó có thể không đề cập đến vấn đề một số trường ngoài Bắc dừng xét tuyển tổ hợp C00 (Văn-Sử-Địa) khi ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng không còn xa.

 

C00 là tổ hợp truyền thống, vốn được dùng từ những năm 1980 đến nay, để xét tuyển các ngành xã hội. Điểm chuẩn khối này cũng thường cao nhất. Như năm 2021, có trường lên đến 30,34 (tính cả điểm ưu tiên). Hơn 140 trường có ngành xét tuyển bằng khối C00.

Chính vì lẽ đó, bất ngờ không xét tuyển khối C00 đã khiến cho không ít thí sinh hoang mang, bối rối kèm theo cảm xúc lo lắng. Bởi, để có thể chuẩn bị đủ “hành trang” chờ ngày “lai kinh ứng thí”, đó là câu chuyện của những năm lớp 10. Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.

Theo một vị tiến sĩ, đánh giá cá nhân thì các môn thuộc khối này thiên về ghi nhớ, cảm thụ. Trong khi đó, kinh tế – xã hội phát triển theo hướng số hoá, liên ngành, các kỹ năng như tư duy phản biện, phân tích số liệu, công nghệ ngày càng trở nên quan trọng.

Thoạt nghe, “gật gù” nhận thấy rằng, điều này là không sai. Nhưng nếu đã từng là thí sinh dự thi khối C, ý kiến này chưa hẳn là đúng. Vì sao?

Thứ nhất, về kỹ năng tư duy phản biện. Không phải các môn xã hội không có, mà là các em không có quyền cũng như thể hiện kỹ năng tư duy phản biện, nếu các em muốn điểm số cao. Tình trạng “chấm bài theo ba-rem điểm” không phải là quá xa lạ đối với các kỳ thi ở Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu, nếu viết theo ý đó, có trong bảng điểm, thì sẽ có điểm. Ngược lại, không có thì điểm sẽ không được cao.

“Với thế hệ chúng tôi, và với riêng cá nhân tôi, điều đó không lạ. Như tôi, cái thời tôi đi học lớp 12, chuẩn bị bước vào hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Tôi chọn khối C thi vào đại học với môn chủ lực là môn Văn. Tôi nhớ, có một lần, cô giáo trong lớp cho đề nội dung về ‘nên hay không nên’ tình yêu học trò.

Biết rằng, nếu viết không nên, tức là đúng ý cô, đúng với ý của ba-rem điểm đưa ra, nhưng tôi không muốn rập khuôn. Tôi viết: khuyến khích nếu tình yêu đó làm cho con người tốt hơn, giúp nhau học tốt hơn và cùng dắt tay nhau vào đại học. Là đúng y như tôi nghĩ, điểm tôi chỉ có 5.

Đến lượt thi tốt nghiệp, tôi cũng làm điều đó tương tự, được 5.5 điểm. Nhưng thi vào đại học, tôi được 7.5. Dù không cao, nhưng rõ ràng một điều, giảng viên đại học chấm bài khác hẳn, tôn trọng tư duy phản biện”, anh Minh Nhật, cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Lẽ tất nhiên, điều này không hẳn hoàn toàn đúng hết với các trường có khối xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn có những trường tôn trọng tư duy phản biện, chấp nhận nghe “lật ngược vấn đề” nếu thí sinh có lập luận, lý lẽ kèm dẫn chứng chính xác, hợp lý. Song, tư duy học thuộc, viết theo lời dạy của thầy cô để được điểm cao, lâu dần, ít nhiều cũng thành quen.

Thứ hai, trong đề thi Địa của những năm tổ chức thi hai kỳ, đều có câu hỏi yêu cầu thí sinh phân tích số liệu, từ số liệu đó, đưa ra quyết định sẽ vẽ biểu đồ gì cho phù hợp (tròn, cột, cột chồng…). Sau đó, viết bài phân tích về số liệu được cho, vì sao lại có số liệu trên. Để làm được điều đó, không chỉ cần kiến thức lý thuyết mà còn cần đến kỹ năng phân tích và nhận định vấn đề.

Ủng hộ ý kiến cần bỏ tổ hợp C00, theo thông tin báo chí, một tiến sĩ Báo chí học, giảng viên ngành marketing cho rằng: một sinh viên ngành Truyền thông hay Xã hội học hiện cần biết cả Excel, SPSS (phần mềm phân tích thống kê và dữ liệu), viết báo cáo nghiên cứu, lập kế hoạch truyền thông… Đây là những yêu cầu mà nếu thí sinh chỉ học tốt ba môn Văn, Sử, Địa chưa đáp ứng tốt như nhóm được học Toán.

Phản biện ý kiến này, cũng đến từ khối đại học Quốc gia, chị Minh Ngọc chia sẻ: “Tôi không biết trường khác ra sao, ngành khác như thế nào? Nhưng, như cái thời tôi đi học, phần mềm SPSS tôi được học trong môn Thống kê xã hội. Còn tin học văn phòng thì có hẳn một tín chỉ về tin học, muốn tốt nghiệp, các em sinh viên phải đạt được tín chỉ đó. Tôi nghĩ, tốt hay không tốt không chỉ đơn thuần đánh giá qua điểm số hay hỏi trả lời hoặc làm bài tập. Vì mỗi mục đích học của các em khác nhau; có em thích môn này thì tập trung học nhiều hơn; có em không thích môn kia nên chỉ cần học để đủ điểm qua môn, là xong. Như tôi vô trường, thi vào bằng khối D (Văn, Toán, Anh) nè, tôi học SPSS cũng không giỏi cho lắm”.

Tóm lại vấn đề, các ý kiến bênh vực bỏ tổ hợp C00 là có thể đúng nhưng dường như không đầy đủ. Lỗi không phải đến từ môn học, đến từ tổ hợp thi hay do các em học thuộc lòng, mà lỗi đó, đến từ cách giáo dục, cách ra bài thi và cách chấm thi.

Cái cần thay đổi không phải là cái đã ổn định suốt mấy chục năm; cái đã tạo nên biết bao nhiêu con người thành công, góp sức cho xã hội, cho kinh tế nước nhà mà cần thay đổi là tư duy rập khuôn. Bởi, xã hội có nhiều góc nhìn, có nhiều vấn đề để phản biện.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bạn đọc viết: Từ đại học Harvard, nghĩ đôi điều về tự do học thuật

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thí sinh ‘nghi nhiễm’ tại điểm thi Lê Thánh Tôn tử vong không liên quan Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Có cần thi tốt nghiệp bất chấp dịch bệnh?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo