Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lòng người sao mà bất an quá…

Út Sài Gòn

(VNTB) – Tin tức bắt bớ đã là một bất an. Cướp giật đe dọa mạng sống, còn bất an gấp bội.

Sài Gòn buổi chiều, sau cơn mưa, muốn ra đường đổi gió, Út tui tìm đến địa chỉ quen thuộc.

Quán cà phê bữa nay đông vui, toàn những gương mặt của hội “nhiều chuyện”. Có vẻ như mọi người đang bàn tán về một vấn đề gì đó. Lẽ dĩ nhiên, Út tui đời nào bỏ qua mà không tham dự!

– Ghê quá mấy ông mấy bà ơi, dạo này cứ mở báo, mở mạng ra là thấy đủ thứ tội phạm. Nào là cướp giật, trộm đồ, thuốc chó rồi chém nhau, giả xe ôm công nghệ lừa đón học sinh…

– Ừa, đúng là ghê thật. Ngày xưa ăn cướp sợ chủ, còn bây giờ thì trái ngược, chủ còn phải sợ ăn cướp.

– Ủa, sao có chuyện ngược đời đó vậy bà Bảy?

– Thì nè anh Út, như ở xóm tui nè, thằng ăn cướp nó đi bắt chó, chủ nhà phát hiện, dí theo, nó rút dao ra chém chủ nhà luôn. Nhà vừa mất của vừa mất người.

– À, thì ra là vậy. Mà sao mấy người đó không trình báo với công an á. Công an được đào tạo nghiệp vụ chính quy, có võ nữa. Công an lại là bạn của dân. Không lẽ thấy bạn bè gặp khó khăn mà không giúp?

– Ai mà biết. Mà theo Bảy nghĩ, chắc do phản xạ, khi phát hiện ăn cướp, người dân thường dí theo rồi la lên, mọi người xung quanh được thì nhảy vào giúp đỡ. Lục Vân Tiên nghĩa khí chuyện giữa đàng mà anh Út.

– Còn mấy anh dân phòng, công an, đồng ý là họ có bắt đó nhưng có lẽ đợi trình báo rồi làm theo thủ tục thì lâu quá nên thôi. Chứ tui là tui biết khi mà người dân tới trình báo mất đồ, nói gì thì nói, cũng có mấy anh công an đàng hoàng, tích cực giải quyết giùm người dân.

Như trường hợp của cháu tui nè, nó bị mất cái điện thoại ở khu vực quận Bình Thạnh, lên công an phường trình báo, họ cũng tích cực giúp đỡ, cho coi camera này nọ. Thậm chí họ sẵn sàng cùng mình xuống ngay khu vực mất, nhà nào có camera, họ nói giùm với chủ nhà để mình coi luôn.

– Cái này Út tui đồng ý với anh Tám. Xã hội mà, có người này người kia. Làm gì làm chứ cũng còn phải biết giữ cái đức cho con cháu chứ. Ông bà ta nói: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” mà.

– Tại anh chưa thấy thôi, chứ cũng có không ít những anh sắc phục sẵn sàng hung dữ với người dân đấy. Như tui nhớ nè, có người kể lại với tui, trong cuộc biểu tình hồi mấy năm về trước, người dân bị bắt lên xe bus. Người ta lên nói chuyện vui vẻ, bình thường với mấy anh công an. Vậy mà mấy ảnh “nhỏ nhẹ” một câu: “Mày đưa thằng đó xuống đây, tao giải quyết nó cho”. Y như là ngôn ngữ của xã hội đen á, thấy ghê.

– Thì tui nói rồi, có tốt có xấu mà. Mà theo như tui nghĩ, mấy trường hợp đó nên xử nghiêm đi. Chứ không thể để một số con sâu làm rầu nồi canh được. Mất hình tượng người chiến sỹ công an trong lòng nhân dân quá.

– Ui, chuyện đó để mấy ảnh tính. Mà theo mấy ông mấy bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp?

– Tui nói thiệt, tội phạm thì ở đâu cũng có. Nhưng mà ở Việt Nam, tui nghĩ, nếu như được giáo dục đàng hoàng theo kiểu của ông bà xưa, có thể hạn chế được hành vi phạm tội.

– Ý anh là sao anh Út?

– Nghe qua thì chắc là sẽ có người kêu cổ lỗ sỉ. Nhưng mà nếu mấy cái ông bà dạy vẫn đúng thì cũng nên duy trì. Thí dụ như kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, gặp đám tang ngả nón nè…. Thậm chí, tui nghĩ, triết lý Khổng – Mạnh, nếu có điểm nào đúng, phù hợp, thì dạy cũng có sao đâu? Xã hội phát triển, phạm tội gia tăng, trong khi nhiều người cứ khăng khăng những điều xưa cũ là không phù hợp. Vậy thì phải làm sao?

– Anh Út nói nghe cũng có lý, nhưng theo ý của Bảy thì còn xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn nữa. Dĩ nhiên, với những người nghiện ngập hay cờ bạc thì tui không nói nhé. Nhất là trong mùa dịch Covid, nhiều người thất nghiệp; khoản tiền trợ giúp của chính phủ thì người có kẻ không. Dù mình có nhịn đi chăng nữa thì còn gia đình thì sao?

“Cho cháu được nói một lời. Giờ bà con mình có ngồi bàn tới tối cũng chẳng ra được hướng giải quyết. Tất cả phụ thuộc vào mấy anh ấy hết thôi. Hy vọng một điều mấy anh đừng ngồi một chỗ rung đùi, ra hết mấy cái dự định này tới dự định khác mà toàn thấy bất lợi cho đời sống, mưu sinh của người dân không à như thu tiền rác theo ký, rồi cấm xe máy, mà làm siêng xuống với người dân, lắng nghe ý kiến thật lòng từ người dân và không cảm thấy tự ái, mích lòng là bà con mình chắc mừng lắm rồi hen cô, bác” – một cậu trẻ chạy Grab đang cà phê sát bên, góp chuyện.

Cũng có lý đó chứ!

Tin bài liên quan:

VNTB – Tâm lý “học ngành nào làm nghề đó”

Phan Thanh Hung

VNTB – “Thường dân” tích cực bị kiểm tra, ai kiểm tra cán bộ?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Covid-19, cảnh sát giao thông thổi phạt và đời sống người dân: khó chồng khó

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.