VNTB – LS Trần Vũ Hải sẽ bảo vệ nhà đầu tư bị thiệt hại do Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phần FLC

VNTB  – LS Trần Vũ Hải sẽ bảo vệ nhà đầu tư bị thiệt hại do Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phần FLC

LS Trần Vũ Hải

 

Bài 1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ xử lý như thế nào với việc bán chui 74,8 triệu cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết?

Với tư cách của người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi sẵn sàng tiếp nhận những yêu cầu bảo vệ của các nhà đầu tư trong vụ việc này.

Hôm qua ngày 10/01/2022 đã có việc giao dịch 135 triệu cổ phần của FLC, công ty mà ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị, chiếm gần 20% tổng số cổ phần của công ty này, lập kỷ lục về số cổ phần được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam được giao dịch trong một ngày. Trong số đó có 74,8 triệu cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết được giao dịch nhưng không được công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trong phiên giao dịch 10/1/2022, có thời điểm cổ phiếu FLC đã tăng trần lên 24.100 đồng/1 cổ phần, cao nhất trong lịch sử cổ phiếu này và gấp 5 lần so với đầu năm 2021. Nhưng cuối phiên 10/1/2022 cổ phiếu này đã giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/1 cổ phần, so với mức tăng trần (24.100 đồng) giảm 12,5 %. Đến sáng 11/1/2022, FLC đã có thời điểm giảm sàn là 19.700 đồng/1 cổ phần.

Ngay trong ngày 10/01/2021, Ông Trịnh Văn Quyết đã có Đơn giải trình dưới đây gửi UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh. Ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, việc thực hiện giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin là do sai sót của Bộ phận Thư ký trong quá trình xử lý công việc nên đã quên không gửi công bố thông tin.

Trước đây, ông Trịnh Văn Quyết cũng từng bị xử phạt khi bán cổ phần doanh nghiệp mà không công bố thông tin. Tháng 11/2017, UBCKNN ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phần đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phần FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017.

Ông Trịnh Văn Quyết không chỉ là một doanh nhân có tiếng, đứng đầu nhiều công ty lớn tại Việt Nam, ông từng là một Luật sư chuyên về kinh doanh, nên các nhà đầu tư không thể chấp nhận cái gọi là “sai sót” trên của ông Quyết. Các nhà đầu tư đang đợi xử lý nghiêm túc của UBCKNN. Cá nhân tôi, một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ theo dõi sát sao quá trình xử lý của UBCKNN.

Ngoài ra, với tư cách người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi sẵn sàng tiếp nhận những yêu cầu bảo vệ của các nhà đầu tư trong vụ việc này. Theo nguyên tắc chung của pháp luật, những người bị thiệt hại vì một hành vi trái pháp luật có quyền đòi người có hành vi trái pháp luật bồi thường thiệt hại cho mình. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nào cho rằng (và chứng minh được) hành vi giao dịch “chui” của ông Trịnh Văn Quyết gây thiệt hại vật chất cho mình, có quyền yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết phải bồi thường thiệt hại.

Mặc dù đến nay chưa thấy có vụ án nào ở Việt Nam xét xử yêu cầu tương tự này, nhưng trên thế giới đã có nhiều vụ án đã được xét xử theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như góp phần để thị trường chứng khoán Việt Nam được minh bạch, theo đúng thông lệ quốc tế.

Bài 2. Cơ sở pháp lý nào cho việc hủy bỏ giao dịch 74,8 triệu cổ phần FLC và phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết?

Vụ ông Trịnh Văn Quyết giao dịch chui 74,8 triệu cổ phần FLC ngày 10/01/2021 và những phát sinh sau đó là một case thú vị cho thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan tại Việt Nam nhất là sau khi Nghị định 128/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Với tư cách người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ (cổ đông thiểu số), tôi sẽ theo dõi sát sao vụ việc này và có những ý kiến phân tích kịp thời để giúp các nhà đầu tư hiểu thêm về pháp luật liên quan đến những giao dịch chứng khoán của mình.

Theo thông tin trên báo chí, ngày 11/01/2021, UBCKNN đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Ngoài ra, Sở GDCK TP.HCM đã thông báo thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phần FLC ngày 10/01/2022 của Ông Trịnh Văn Quyết.”. Tuy nhiên, trong Thông báo của SGDCK Tp. HCM không nêu rõ căn cứ pháp lý nào của Luật chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan để hủy bỏ giao dịch này, chỉ nêu thực hiện theo chỉ đạo số của Công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/01/2022. Nhưng trên trang web của UBCKNN không công bố nội dung của Quyết định số 19/QD-UBCK và Công văn số 198/UBCK-TT. Do đó chưa rõ việc hủy giao dịch 74,8 triệu cổ phần FLC và phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết dựa trên quy định nào của pháp luật.

Thực tế trong các văn bản pháp luật cũng có những quy định về việc phong tỏa tài khoản chứng khoán, đình chỉ giao dịch chứng khoán, khắc phục hậu quả do vi phạm pháp luật nhưng không thấy UBCKNN và SGDCK Tp. HCM nêu chi tiết những quy định đó để căn cứ cho những hành xử trên của mình. Vì vậy, theo chúng tôi UBCKNN và SGDCK Tp. HCM cần công bố các căn cứ pháp lý để áp dụng những biện pháp trên, tránh việc các cơ quan chức năng bị coi là hành xử tùy tiện, không theo pháp luật, điều tối kị đối với thị trường chứng khoán, khi có hàng triệu nhà đầu tư tham gia, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Bài 3. Có căn cứ cho việc hủy bỏ giao dịch 74,8 triệu cổ phần FLC và phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết! UBCKNN sẽ có động thái gì để xử lý ông Quyết và bảo vệ các nhà đầu tư

Ngày 10/01/2022, UBCKNN đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và ngày 11/01/2022 SGDCK Tp.HCM đã thông báo thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phần FLC ngày 10/01/2022 của Ông Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, không thấy trên trang web của SGDCK Tp. HCM và UBCKNN thông tin căn cứ pháp lý nào của Luật chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan để áp dụng các biện pháp nêu trên. Vì vậy, trong bài số 2 của loạt bài này tôi đã đề nghị 2 cơ quan trên công bố về những căn cứ pháp lý, nhưng đến nay chưa thấy họ công bố.

Sau khi tự tìm hiểu, tôi được biết như sau:

1. Theo nội dung Quyết định số 19/QD-UBCK ngày 10/01/2022 (mà có một bạn đã gửi cho tôi nội dung này), có căn cứ Khoản 4, Điều 306 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định. Cụ thể Điều khoản này quy định như sau:

Điều 306. Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

4. Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.”

Và theo Điều 308 của Nghị định trên, thẩm quyền ban hành quyết định phong tỏa thuộc quyền của UBCKNN.

Như vậy, Quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết là có căn cứ pháp lý.

2. Theo Khoản 2, Điều 22 Quyết định 352/QĐ-SGDHCM năm 2021 về Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 30/06/2021 quy định:

Điều 22. Xác lập và hủy bỏ giao dịch

2. Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCK có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN.”

Ông Trịnh Văn Quyết là nhà đầu tư có giao dịch chứng khoán trên sàn chứng khoán Tp. HCM, nên phải chấp nhận tuân theo Quy chế giao dịch (luật chơi) của sàn này và do đó việc áp dụng Điều 22.2 của Quy chế giao dịch chứng khoán tại SGDCK Tp. HCM để hủy bỏ giao dịch đối với trường hợp ông bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC là có cơ sở pháp lý.

Hiện UBCKNN đang chờ đợi ông Quyết đến ký biên bản vi phạm. Chúng ta đợi xem UBCKNN:

(i) Sẽ xử lý ông Quyết theo thẩm quyền của UBCKNN như thế nào?

(ii) Có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự ông Quyết theo như ý kiến của một số chuyên gia và đông đảo các nhà đầu tư hay không vì ông Quyết đã tái phạm, lần này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán và thiệt hại không kể xiết cho các nhà đầu tư?

(iii) Có ý kiến, biện pháp như thế nào để bảo vệ đối với những người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của ông Trịnh Văn Quyết, ngoài những người được hoàn tiền do hủy giao dịch?

Bài 4. Những ai có thể coi là người bị thiệt hại trong vụ ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC ban hành ngày 16/11/2020, khi các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp muốn bán cổ phần phải đăng ký với UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc. Tức nếu ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC bán cổ phiếu FLC đúng luật vào ngày 10/01/2022 (thứ 2), ông Quyết phải công bố dự kiên giao dịch bán cổ phiếu FLC trước đó 3 ngày làm việc tức trước giờ giao dịch ngày 05/01 ( thứ 4), theo thông lệ phải công bố dự kiến giao dịch trong giờ hành chính ngày thứ 3 (tức ngày 04/01).

Ông Quyết không công bố giao dịch vào ngày thứ 3 thì những người đã giao dịch mua cổ phiếu FLC vào ngày thứ 4,5,6 (tức ngày 5,6,7/01) được coi là bị ảnh hưởng bất lợi vì hành vi không công bố này của ông Quyết, ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng khi ông Quyết dự kiến bán 175 triệu cổ phần chiếm đến 25% tổng số cổ phần của FLC. Tuy nhiên, những người mua cổ phiếu FLC vào ngày 05, 06/01 có bị thiệt hại hay không do lỗi của ông Quyết không công bố thông tin giao dịch là vấn đề cần chứng minh, vì cổ phiếu họ mua theo nguyên tắc T+3 sẽ về vào các ngày 10, 11/01. Trong 2 ngày đó, họ có quyền giao dịch bán, nhưng họ không bán là do ý chí của họ chứ không phải lỗi của ông Quyết, nếu họ bán thời điểm đó họ sẽ không bị lỗ (thiệt hại), mà có thể có lãi, đặc biệt vào ngày 11/01/2022 (sau khi có thông tin ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC), khi có giao dịch lên đến 155 triệu cổ phần, có nhiều mức giá mua trên mức giá đóng cửa các ngày 05, 06/01.

Như vậy chỉ còn những người mua cổ phiếu FLC vào ngày 07/01 và ngày 10/01/2022 mới bị coi là bị ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng do lỗi của ông Quyết vi phạm pháp luật vì không công bố thông tin giao dịch.

Ngày 07/01/2022 có khoảng 31,7 triệu cổ phần FLC và ngày 10/01/2022 khoảng 135 triệu cổ phần FLC được giao dịch. Do SGDCK Tp. HCM đã hủy việc bán 74,8 triệu cổ phần của ông Quyết nên chỉ còn các nhà đầu tư mua tổng cộng khoảng 90 triệu cổ phần FLC (không mua từ ông Quyết nên không được hoàn tiền) bị ảnh hưởng. Còn các nhà đầu tư mua tổng cộng 155 triệu cổ phần FLC vào ngày 11/01/2022 không bị coi là ảnh hưởng do lỗi vi phạm của ông Quyết vì họ đã quyết định theo ý chí của mình kể cả sau khi biết thông tin ông Quyết bán chui và vi phạm về công bố giao dịch.

Trong các ngày giao dịch 12,13 và 14/01, “trắng bên mua”, hầu hết các nhà đầu tư không thể bán được cổ phiếu FLC, giá cổ phiếu FLC đã giảm xuống 16.100 đồng, giảm từ 33% đến 28% so với giá mà các nhà đầu tư mua ngày 07 và 10/01/2022, cũng là thiệt hại của những nhà đầu tư này, có thể quy kết là do lỗi trực tiếp của ông Quyết vi phạm pháp luật. Theo nhận định của cá nhân tôi, các nhà đầu tư này có quyền yêu cầu và kiện buộc ông Quyết phải có trách nhiệm bù đắp những thiệt hại này.

Tất nhiên những nhà đầu tư khác của FLC (không mua cổ phiếu FLC vào các ngày 07 và 10/01/2022) cũng có quyền cho rằng mình bị thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật của ông Quyết (dẫn đến giá cổ phiếu FLC giảm sụt nghiêm trọng), và có quyền yêu cầu và kiện buộc ông Quyết phải có trách nhiệm trong việc này.

Như tôi đã nêu trong bài 1 của loạt bài về ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC, mặc dù đến nay chưa thấy có vụ kiện tương tự nào ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã có nhiều vụ kiện đã được xét xử theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như góp phần để thị trường chứng khoán Việt Nam được minh bạch, theo đúng thông lệ quốc tế.

Người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ : Trần Vũ Hải (Địa chỉ liên hệ để nhận các yêu cầu: Email: baovenhole@protonmail.com)


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (3)
  • comment-avatar
    Anh hoàn 2 years

    Thưa Ls thế những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang cầm cổ phiếu flc không giao dịch trong những ngày bán chui cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết, bị ảnh hưởng về giá sau khi flc giảm sàn liên tục mà không bán ra được, có được quyền đòi đền bù thiệt hại không?

  • comment-avatar

    Cô phiếu đó không phải của Trinh văn quyết đau mà là của Trinh hoài phong

  • comment-avatar

    Nói như ô luật sư thì kể cả những ng mua từ 10 năm trc cũng chứng minh thiệt hại vì giá cp giảm, mà như thế cứ cp giảm giá là đi kiện à. Nói …. chết đi đc.đã đầu tư thì phải chấp nhận lãi lỗ. Ô Q bán thì cũng là 1 thông tin trong hàng chục thông tin làm cp giảm thôi, lý gì đi kiện ông ấy?