Anh Khoa dịch
(VNTB) – Cảnh sát đã bắt giữ một số người ở Mumbai, New Delhi và Kolkata với cáo buộc lừa đảo chủng ngừa vắc-xin COVID-19
Tác giả: Vibhuti Agarwal
NEW DELHI — Một buổi sáng cuối tháng Năm, hàng trăm người từ một khu dân cư cao cấp ở vùng ngoại ô Mumbai xếp hàng để được tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Không ai biết là họ được tiêm một mũi dung dịch muối.
Nhà chức trách cho biết vụ lừa đảo này là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất đã khiến hàng nghìn người bị tiêm vắc xin giả ở Ấn Độ. Việc triển khai vắc-xin toàn cầu đã tạo cơ hội cho bọn tội phạm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với nguồn cung cấp đang thiếu hụt.
Vào tháng 4, Pfizer cho biết đã xác định được ở Mexico và Ba Lan một số vắc-xin giả mạo loại vắc xin do Pfizer và BioNTech SE sản xuất. Tại Nam Phi năm ngoái, nhà chức trách đã phát hiện 2.400 liều vắc xin lậu trong một nhà kho. Vào tháng 3, Interpol cho biết đã xác định được một mạng lưới liên quan đến một vụ bắt giữ và đột kích vào một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc được cho là đang sản xuất vắc-xin giả.
Cảnh sát Ấn Độ gần đây đã tiến hành một số vụ bắt giữ ở Mumbai, New Delhi và Kolkata, vì lợi dụng nhu cầu cao về vắc xin Covid-19 để kiếm lợi theo nhiều cách khác nhau.
Những trò gian lận này là những trường hợp trục lợi bất chính mới nhất trong đại dịch COVID ở Ấn Độ. Trong đợt tăng Covid-19 vào tháng 4 và tháng 5, nhiều người đã phải mua oxy và các loại thuốc kháng vi-rút với giá cao trên thị trường chợ đen khi không mua được qua các kênh phân phối chính thức. Nhà chức trách cho rằng sự khan hiếm một phần là do đầu cơ và bán lại trên thị trường chợ đen. Ví dụ, vào đầu tháng 5, khi các bệnh viện thiếu nguồn cung cấp oxy, cảnh sát New Delhi đã đột kích vào một tòa nhà và thu giữ hơn 400 máy tạo oxy.
“Họ đang trục lợi trên mạng sống của người khác. Tôi không biết họ bị làm sao nữa. Họ thậm chí lợi dụng cả đại dịch này để kiếm lời”, Hitesh Patel, 42 tuổi, nói. Hitesh là một trong những cư dân trong khu nhà ở đã được tiêm liều vắc-xin mà cảnh sát cho là giả.
Cảnh sát cho biết khu nhà của ông Patel là một trong 10 địa điểm ở Mumbai có tổ chức các đợt tiêm chủng giả với khoảng 2.500 nạn nhân.
Cảnh sát đã bắt giữ 14 người nghi có liên quan gồm cả hai bác sĩ tại một bệnh viện tư. Những người này bị buộc tội giết người và âm mưu phạm tội có tổ chức, ông Vishal Thakur, Phó ủy viên cảnh sát Mumbai, trưởng đội điều tra đặc biệt về tiêm chủng lừa đảo thành phố cho biết.
Theo ông Thakur và người dân ở đó, một người nào đó đóng giả là đại diện của một bệnh viện địa phương để liên hệ với hiệp hội phúc lợi khu phố và nghị tiến hành đợt tiêm chủng tại khu dân cư trên.
Hiệp hội đã đồng ý và vào sáng ngày 30 tháng 5, sáu người đến để chích các dung dịch giả vắc-xin, trong đó có ba người mặc đồng phục y tá. Họ dành khoảng ba giờ ở đó để chích vắc-xin giả và ghi lại thông tin cá nhân của gần 400 người là cư dân, người giúp việc gia đình và tài xế đã đăng ký. Mỗi người phải trả khoảng 17 đô la để được chủng ngừa. Người giúp việc gia đình ở Ấn Độ thường kiếm được chưa tới 70 đô la một tháng.
Người dân cho biết một số người dân đâm ra nghi ngờ khi những người tiêm vắc-xin giả nhập thông tin chi tiết vào một bảng tính, thay vì ứng dụng theo dõi tiêm chủng CoWin của chính phủ. “Sau đó, nhiều người trong chúng tôi đã kiểm tra ứng dụng CoWin, nhưng không có hồ sơ nào về đợt tiêm chủng của chúng tôi. Không ai trong chúng tôi có bất kỳ triệu chứng nào sau tiêm chủng. Đó chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên,” ông Patel nói.
Ở thành phố phía đông Kolkata vào tháng trước, hơn 500 người đã được tiêm một chất lỏng mà họ tưởng là vắc-xin Covid-19. Thay vào đó, các nhãn vắc xin giả được dán trên các lọ Amikacin Sulphate đã qua sử dụng. Nhà chức trách cho biết đây là một loại kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng. Cho đến nay, 9 người đã bị bắt, trong đó đó, có một ông bị cáo buộc đóng giả công chức để tổ chức tiêm chủng.
“Những vụ việc như vậy khiến người dân rúng động. Những người được tiêm cái gọi là vắc-xin hiện đang hoảng sợ về những tác dụng phụ có thể xảy ra,” Atin Ghosh, một quan chức y tế ở thành phố Kolkata, cho biết.
Tại New Delhi, cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông vào cuối tháng 5 vì bị cáo buộc tạo ít nhất 5 trang web tiêm chủng Covid-19 giả, thu hút hàng nghìn người trả phí đăng ký lên tới 26 đô la. Bố cục của các trang web này bắt chước trang CoWin của chính phủ, một cảnh sát New Delhi cho biết.
Các chuyên gia cho biết thị trường dược phẩm giả và bất hợp pháp ngoài chợ đen từ lâu đã là một vấn nạn ở các nước đang phát triển. Nhưng sự khan hiếm vắc xin khi các biến thể Covid-19 có khả năng lây lan cao đang tạo ra sơ hở cho những kẻ muốn trục lợi. Ramanan Laxminarayan, một nhà dịch tễ học tại Trung tâm Dịch tễ học, Kinh tế và Chính sách cho biết: “Phần lớn vắc-xin là thật và còn rất nhiều việc phải làm để dập tắt vấn nạn vắc-xin giả.”
Các vụ lừa đảo là trở ngại mới nhất đối với nỗ lực tiêm chủng cho hơn 1,3 tỷ dân ngừa Covid-19 tại Ấn Độ. Vào tháng 3, Ấnn Độ đã tạm dừng xuất khẩu vắc xin của các nhà sản xuất, gồm cả công ty lớn nhất thế giới, Serum Institute of India, vì không đủ nguồn cung. Khi Ấn Độ mở rộng phạm vi sử dụng vắc-xin cho tất cả người trưởng thành vào ngày 1 tháng 5, nhiều bang đã báo cáo tình trạng thiếu nguồn cung và nhiều người cho biết họ không thể đặt lịch hẹn.
Chiến dịch chủng ngừa đã tăng tốc trong những tuần gần đây, khi chính phủ liên bang kiểm soát tốt hơn việc mua và phân phối vắc xin. Theo Our World in Data, một dự án có trụ sở tại Đại học Oxford, với 6,3% dân số được được chủng ngừa đầy đủ, phải rất lâu nữa Ấn Độ mới đạt được mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành vào cuối năm nay.
Anita Shekhar Castellino, một luật sư ở Mumbai, đã đệ đơn kiện vì lợi ích của công chúng liên quan đến việc chủng ngừa Covid-19 giả lên Tòa án cấp cao Mumbai, cho biết những trò gian lận có thể làm lung lay niềm tin của mọi người vào sự an toàn của việc chủng ngừa vào đùng thời điểm quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng. “Rất nhiều người muốn được chích ngừa có thể trở nên miễn cưỡng hơn vì sợ bị tiêm một thứ gì đó không xác định. Điều đó khiến họ có thể do dự,” cô nói.
Nguồn: WSJ