VNTB – Luận bàn về pháp lý của tội danh lây truyền dịch bệnh

VNTB – Luận bàn về pháp lý của tội danh lây truyền dịch bệnh

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện từ ngày 26-5 hiện được ghi nhận là lớn nhất từ trước đến nay ở TP.HCM.

 

Khá nhiều ý kiến có vẻ trái chiều khi báo chí dùng cụm từ định danh mang tính địa lý của nơi được cho là ‘ổ dịch’, bởi khi nói đến bất kỳ chuyện gì liên quan tôn giáo, đều là nhạy cảm chính trị.

Bài viết này chỉ luận bàn về tính pháp lý của tội danh lây truyền dịch bệnh, và nếu có dẫn chứng trường hợp bà Võ Xuân Loan, thì đây là tư cách công dân Võ Xuân Loan, không phải nữ mục sư Võ Xuân Loan.

Pháp luật quy định gì?

Bộ luật Hình sự (tu chỉnh 2017), Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (tu chỉnh năm 2018), Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Dấu hiệu nào để xác định bị can?

“Những ngày này, trên giường bệnh, chúng tôi đau xót về thể chất lẫn tinh thần về những việc đang diễn ra. Tình hình lây lan dịch bệnh lại diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và đời sống không biết bao nhiêu người. Thật đau lòng, một trong những ổ dịch khởi phát từ Hội thánh chúng tôi”.

Trích thư xin lỗi của mục sư Phương Văn Tân cùng với vợ là mục sư là bà Võ Xuân Lan (còn gọi là Võ Xuân Loan), đại diện Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, gửi đến các cơ quan chức năng TP.HCM, cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, thành viên các Hội thánh Tin Lành và người dân.

Hiện tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra vụ án.

Điều đó có nghĩa, việc khởi tố vụ án liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là khởi tố một vụ án làm lây lan bệnh dịch chứ không khởi tố một tôn giáo. Nếu có bị can thì đây là việc xử lý một cá nhân với tư cách là công dân chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về tố tụng, công tác quản lý của các cấp cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể địa phương có thể được xem xét được vào vòng tố tụng.

Diễn biến của ghi nhận dịch tễ cho thấy bà Võ Xuân Loan từng đi bằng máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM ngày 29-4, đến ngày 13-5, bà Loan có triệu chứng đầu tiên liên quan nhiễm Covid, nhưng không đi điều trị. Quá trình khai thác thông tin dịch tễ ở khu vực gia đình bà Võ Xuân Loan rất khó khăn khi không nhận được sự hợp tác của một số người thân của bà Loan.

Vào đầu tháng 6, nhà chức trách cho biết về khai thác dịch tễ thì ban đầu nhóm này khai có 22 thành viên, sau đó ngành y tế phát hiện thực tế 55 người, hiện 40 trong số họ đã dương tính nCoV (tính thời điểm đầu tháng 6), sinh sống ở 20 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

“Thậm chí có tình huống khi lực lượng chức năng kiểm tra sổ hoạt động của Hội Thánh, một hội viên cố tình xóa danh sách hội viên chỉ để lại tên 20 người để đủ tiêu chuẩn hoạt động không tập trung đông người” – trích “Gia đình Mục sư Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng không hợp tác truy vết”, VOV, thứ Sáu, 22:06, 28/05/2021.

Từ lời khai của 40 bệnh nhân này, lực lượng chức năng biết được người đầu tiên trong nhóm có triệu chứng mắc Covid-19 vào ngày 13-5 là bà Võ Xuân Loan. Ngày 16-5, nhóm tổ chức sinh hoạt, có 28 người đã tiếp xúc với nhau. Các ngày 18, 19 và 20-5 nhiều người xuất hiện triệu chứng nhiễm Covid-19.

Cơ quan y tế nhận định, nếu tính từ ngày người đầu tiên xuất hiện triệu chứng, thì đến nay chuỗi lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4, tức F4 (tiếp xúc vòng thứ 4) thành F0 (nhiễm). Hiện, thành phố ghi nhận hàng trăm ca Covid-19 trong cộng đồng, xuất phát từ 40 F0 đầu tiên, với nhiều nhánh lây nhỏ khác nhau. Một số nhánh lây có F3 đã dương tính.

Như vậy, nếu bà Võ Xuân Loan thực hiện theo đúng yêu cầu của cơ quan y tế là khi bà đã đến nơi đang có dịch là Hà Nội, sau đó bà có triệu chứng về hô hấp như các dấu hiệu mô tả ban đầu của ngành y tế đã đưa ra khuyến cáo từ đầu dịch cho đến nay, bà phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan y tế và cả những người tiếp xúc với bà.

Lý do nào để bà Võ Xuân Loan không thực hiện theo các khuyến cáo y tế trong bối cảnh Việt Nam vẫn duy trì các lệnh liên quan về dịch Covid-19,… điều đó sẽ được cơ quan điều tra làm rõ khi củng cố việc sẽ khởi tố ai là những bị can.

Ngoài ra việc khai báo về các thành viên đã tụ tập tại gia đình bà Võ Xuân Loan, cũng sẽ được làm rõ trách nhiệm.

Tạm kết

Cá nhân người viết bài này cho rằng khi vụ án xác nhận những ai sẽ trong danh sách khởi tố bị can, và những người có nghĩa vụ – quyền lợi liên quan, thì vấn đề khác đáng quan tâm hơn nhiều, là công tác bầu cử hôm Chủ nhật 23-5 đã tầm soát dịch ra sao để đưa đến hệ lụy có thể sẽ là các ổ dịch rải rác khi những F1 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không chỉ là cử tri, mà còn là nhân viên trong tổ bầu cử.

Do đó, để tránh những hệ lụy của domino, rất có thể tùy vào ‘thời cuộc chính trị’ mà đây sẽ là vụ án bỏ ngỏ, vì khởi tố bị can không phải là giai đoạn tố tụng, mà chỉ là hành vi tố tụng tại giai đoạn điều tra. Dĩ nhiên, nếu ở đây có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị bị can. Quyết định khởi tố bị can phải được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra.

***

Chiều ngày 29-5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM kêu gọi “những người tham gia Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo kể cả khi không có bất cứ dấu hiệu mắc bệnh, không đợi đến khi có dấu hiệu bệnh mới đi khai báo.

Gia đình, người thân nếu biết con em mình sinh hoạt tại Hội thánh này hãy vận động họ khai báo y tế càng sớm càng tốt. Cuối cùng, nếu bạn có thông tin về những trường hợp liên quan đến Hội thánh này thì hãy cung cấp cho chính quyền địa phương”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)