VNTB – Luật Đất đai sẽ thay đổi kể từ sau Đại hội Đảng 13?

VNTB – Luật Đất đai sẽ thay đổi kể từ sau Đại hội Đảng 13?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai đã được Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sẽ dừng trình Quốc hội, mà mọi chuyện sẽ đợi kết quả ngã ngũ của Đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến tổ chức trong nửa đầu năm 2021.

 

Thay vào đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành luật Đất đai.

 

Một trong những nguyên nhân về ‘tạm hoãn trình’, theo Bộ trưởng Tư pháp – ông Lê Thành Long, thì: “Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị – xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và Đại hội Đảng các cấp”.

 

Cũng theo ông Long, sau Đại hội Đảng 13, “Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên – Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện luật Đất đai sau Đại hội Đảng 13”.

 

Tuy nhiên theo giới am tường luật pháp về đất đai, thì thông thường Nghị quyết chỉ xử lý những vấn đề có tính tình huống. Hơn nữa, nếu thông qua trong một kỳ họp của Quốc hội thì càng khó, vì những vấn đề cần tháo gỡ là cấp bách, nhưng rất phức tạp. Chỉ nói một vấn đề nóng như giá đất, nếu sửa trong một kỳ, thì làm sao yên tâm được, nên giải pháp ban hành Nghị quyết của Quốc hội để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, sẽ không có tính khả dụng.

 

Lâu nay ngay trong các văn bản pháp luật hiện hành đã thể hiện sự không đồng nhất trong việc xác định quyền sở hữu đất đai. Nếu như Hiến pháp quy định “đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ” thì Bộ Luật Dân sự lại quy định đất đai là một trong những loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”…

 

Trong lúc đó thì vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu do 3 yếu tố cấu thành. Thứ nhất là quyền chiếm hữu, thứ hai là quyền định đoạt và thứ ba là quyền hưởng lợi. Cả ba quyền này suy cho cùng đều là quyền tài sản, có quyền buôn bán được. Như vậy cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai, bên cạnh sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể vì đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tế, làm giảm tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai.

 

Nôm na lâu nay ở Việt Nam, về mặt pháp lý, hiện người dân chỉ có quyền sử dụng đất thôi. Trên giấy tờ thủ tục hành chánh, không nói mua bán đất đai, mà nói rằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng bản chất là việc mua bán đất đai. Đó là một cách nói tránh, làm cho vấn đề hóa ra phức tạp.

 

Hy vọng ở Đại hội Đảng 13 sẽ mạnh dạn thay đổi khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai, và chấp nhận sửa đổi Hiến pháp để tư hữu hóa các loại đất dùng vào mục đích dân sinh và kinh tế.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)