Việt Nam Thời Báo

VNTB- Luật phá sản 2014: Những điểm mới

Trần Thành (giới thiệu)
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, việc các doanh nghiệp lớn ngày càng phát triển, đồng thời các doanh nghiệp nhỏ làm ăn thua lỗ, bị loại khỏi thị trường kinh doanh là chuyện bình thường. Để tháo gỡ những vướng mắc đó, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ có điều kiện hội nhập trong quá trình phát triển như hiện nay, Luật phá sản 2014 được ban hành. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp các quy định mới mà trước đây chưa có.
Xem xét đơn đề nghị, kiến nghị theo thủ tục đặc biệt (Căn cứ Điều 113 Luật phá sản 2014)
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp ra quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị theo quy định trên mà có đơn đề nghị xem xét lại của người tham gia thủ tục phá sản, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc kiến nghị của Tòa án nhân dân thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó khi có một trong các căn cứ sau: (1) Có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phá sản. (2) Phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định tuyên bố phá sản mà Tòa án nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản không thể biết được khi Tòa án nhân dân ra quyết định.
Trường hợp có căn cứ quy định trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân đã ra quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị theo quy định chuyển hồ sơ vụ việc phá sản cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền ra một trong các quyết định sau: (1) Không chấp nhận đề nghị xem xét lại, kiến nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân cấp dưới. (2) Hủy quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Tòa án nhân dân cấp dưới, quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị của Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp và giao hồ sơ về phá sản cho Tòa án nhân dân cấp dưới giải quyết lại.
Quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Xử lý tranh chấp tài sản trước khi có quyết định tuyên bố phá sản (Căn cứ Điều 114 Luật phá sản 2014)
Trong quá trình giải quyết phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà phát sinh tranh chấp về tài sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ việc phá sản phải xem xét tách phần tài sản đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp tài sản theo quy định trên thì Tòa án nhân dân giải quyết phá sản xử lý tài sản như sau: (1) Trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được nhập vào tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. (2) Sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản trước đó. (3) Việc tách tài sản đang tranh chấp thành vụ án khác theo quy định trên được thông báo cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính. (4) Khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giải quyết tranh chấp về tài sản.
Xử lý trường hợp có tranh chấp tài sản (Căn cứ Điều 115 Luật phá sản 2014)
Quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà có tranh chấp hoặc không thể thi hành được thì Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản đề nghị Tòa án nhân dân đã giải quyết vụ việc phá sản xem xét.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân phải xem xét ra một trong các văn bản sau: (1) Văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản. (2) Chuyển đơn đề nghị đến người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản không đồng ý với văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản thì có quyền đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định pháp luật. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giải quyết tranh chấp về tài sản.
Xử lý tài sản sau khi quyết định tuyên bố phá sản (Căn cứ Điều 127 Luật phá sản 2014)
Sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà phát hiện giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Luật này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố giao dịch vô hiệu, xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu và phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Luật này.
Sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà phát hiện tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chia thì Tòa án nhân dân đã tuyên bố phá sản xem xét và quyết định phân chia tài sản theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Luật này. Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện quyết định phân chia tài sản theo quy định trên.
Thu hẹp phạm vi cấm đảm nhiệm chức vụ (Căn cứ Điều 130 Luật phá sản 2014)
Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định sau: (1) Thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản. (2) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
(3) Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; từ bỏ quyền đòi nợ; chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

Trước đây: Cứ bị tuyên bố phá sản, thì chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ 01 đến 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo