Thiên Điểu (VNTB) –Ra luật, hành luật chỉ vì lợi ích của Đảng, lợi ích của phe nhóm mà không xem xét đến lợi ích của dân thì hình ảnh luật pháp không khác gì con ruồi trong câu nói cửa miệng của dân gian: Ruồi vẫn hoàn ruồi !
Hệ thống luật thiếu chi tiết, rõ ràng
Trong rất nhiều vụ án ở Việt Nam, vấn đề thực hiện các biện pháp chuyên chế của chính quyền đối với người dân luôn đặt ra những bất cập và sai phạm. Các sai phạm không chỉ dừng lại ở việc áp dụng luật không đúng mà nó đã thể hiện cấp độ ‘’bất chấp luật pháp’’ khi mà các cơ quan hành pháp từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Viện kiểm sát (VKS) tới Tòa án các cấp đều như vậy. Tình trạng mà người ta gọi là ‘’ngồi xổm trên luật’’.
Ngoài các vụ bức cung, ép cung dẫn đến oan sai mà tỉnh thành nào cũng có thì mấu chốt vấn đề nằm ở đâu trước vấn nạn này?
Chuyện Việt Nam chưa có một bộ luật đầy đủ, chuẩn xác thì chính các quan chức hàng đầu nhà nước cũng đã từng phải thừa nhận. Tuy nhiên, chưa thấy ai đặt ra câu hỏi vì sao nó chưa hoàn thiện cả.
Trình độ của bộ máy tham mưu, tư vấn luật, giới luật sư ở VN chưa có đủ trình độ? Không hẳn như vậy! Nếu có thì phải nói lại cho đúng là: Các công chức ăn lương trong hệ thống tư vấn, xây dựng luật cho chế độ chưa có mặt bằng trình độ và cái tâm cần thiết khi làm luật thì đúng hơn. Người có trình độ thì thiếu cái tâm, người có tâm thì lại bị ràng buộc bởi cơ chế, áp đặt bởi đa số, bị chỉ đạo theo một hệ thống bởi các lãnh đạo không có trình độ. Đó là lý do tại sao có nhiều văn bản luật khi đưa ra về nội dung thì hay nhưng mục tiêu và các diễn giải để áp dụng thì lại tréo ngoe, méo mó.
Việt Nam từng có những luật sư tài năng, đủ sức ‘’ đem chuông đi đấm nước người’’ thành công thì không thể nói là không có luật sư giỏi. Bộ luật hình sự và nhiều luật khác đã được sửa đổi nhiều lần, không thể nói là không có kinh nghiệm.
Mỗi năm, riêng mảng hành chính trong hệ thống văn bản luật có tới hàng mấy chục ngàn văn bản trái luật, vi hiến… thì bảo sao việc thực thi luật của các cơ quan hành pháp không sai phạm? Chưa nói là với một thể chế tham nhũng và các phe nhóm lợi ích cấu kết chặt chẽ với nhau như ở Việt Nam thì việc cố ý làm trái không có gì lạ.
Đơn cử một vài ví dụ: vừa rồi, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang nhảy nhổm và phản ứng với thông tư 38 quy định về việc quản lý hoạt động của luật sư trong quá trình điều tra. Ở văn bản này, không thể nói là sự thiếu sót trình độ hay là một lý do nào đó làm điều kiện cần phải có. Nó được sinh ra với mục đích rõ ràng là hạn chế – thậm chí là ngầm đe doa – các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo ngay từ đầu. Nói cách khác: Thông tư 38 là cách mà chính quyền muốn ngăn chặn không cho bất cứ ai xen vào qui trình xử lý của lực lượng chuyên chế là Công an. Dành riêng cho Công an (mà thực chất là chính quyền) cái đặc quyền muốn làm gì thì làm trong việc định tội cho ai đó. Đây cũng là một vì dụ điển hình cho lý giải tại sao có bức cung, tra tấn, nhục hình để dẫn tới oan sai, bất công.
Hành pháp ‘’trả thù’’
Với mảng chính trị xã hội, có một mối liên hệ kiểu thông đồng, thống nhất trước – mà người ta hay gọi là án bỏ túi – qua một số phiên tòa và các bản cáo trạng liên quan các bị can, bị cáo hoạt động xã hội.
Vụ luật sư Lê Công Định: Cái tâm và cái ‘’ đạo đức chính trị’’ mà chế độ luôn quảng cáo ra rả như gánh hàng rong đã tự bị vứt bỏ khi các diễn biến của vụ án cho thấy: Chỉ cần anh suy nghĩ tới những điều có thể bất lợi cho chế độ thì anh phải ở tù! Và đó chính là cái án tù cho một luật sư trẻ, đầy tài năng. Mà sự thể hiện rõ ràng là Lê Công Định từng chứng minh giá trị cống hiến khi đóng vai trò quan trọng trong vụ cá Basa vào Mỹ, Âu châu. Thế nhưng chỉ một bản thảo Tân Hiến pháp còn nằm trong máy tính đã biến Lê Công Định thành một tội nhân.
Vụ liên quan Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng vậy. Việc khiếu nại, khiếu kiện là quyền cơ bản của công dân. Thế nhưng việc ông Hà Vũ kiện đương kim Thủ tướng đã không được tiếp nhận và không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm mà các công văn trả lời của Tòa Hà Nội đã thể hiện rất rõ ràng. Việc phải dàn dựng ‘’hai bao cao su đã dùng’’ để bắt giữ ông Hà Vũ thành vết nhơ kinh điển trong hệ thống pháp luật và cho cả chế độ. Nó thể hiện một cách trả thù cho bõ tức hơn là một cách hành xử chính trị.
Tương tự như vụ ông Nguyễn Thiện Nhân đe bỏ tù một học sinh cấp 3 ở Vĩnh Long cách đây 8 năm chỉ vì thay hình ông bằng hình của mình trong 5 phút trên website của Bộ GD&ĐT sau khi nhiều lần cảnh báo lỗi bảo mật của trang web nhưng không khắc phục. .
Các cách hành xử triệt buộc, không cho bị cáo con đường đối thoại lẫn cơ hội là cách mà chính quyền đã đẩy những tài năng vào con đường cùng, không còn đường lui khi mọi tư tưởng, cơ hội của họ bị tước sạch. Ngay cả với những người chưa có chút tiếng tăm hay tầm ảnh hưởng nào như trường hợp Phương Uyên, Đinh Kha và sắp tới đây là Lê Thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ, Đỗ Nam Trung ở Đồng Nai,.. các bản cáo trạng của những vụ án này đều rất mù mờ, vòng vo với toàn những cáo buộc không nằm trong điều luật hay logic thông thường nào cả.
Một vài ví dụ điển hình trong mảng án hình sự:
Bỏ qua các vụ án oan đã được công nhận vì ‘’việc đã rồi’’. Vụ Nguyễn Văn Chưởng kêu oan trong đó bị cáo có hàng chục nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án thì bị cáo có mặt ở một nơi khác. Vụ án Hồ Duy Hải thì tang vật được mua ở chợ, các cơ sở giám định vân tay, máu… tại hiện trường đều không có. Thế nhưng cái án tử vẫn được tới cả 3 cấp tòa tuyên mà không thể hiểu dựa vào chuẩn mực nào!
Một vụ án khác đang bắt đầu lộ ra “tính điển hình” của loại án bị tham nhũng, lợi ích chi phối, đó là trường hợp vụ án ‘’con ruồi trong chai Number One’’ mà bị cáo Võ Văn Minh ở Tiền Giang đang phải đối mặt. Đây là lần thứ hai, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát tống khách hàng vào vòng lao lý liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách đây 3 năm, chính doanh nghiệp này cũng đã tống một khách hàng phát hiện con gián trong chai nước vào tù. Chưa cần nói đến cơ sở pháp lý, ngay khi Công an Tiền Giang bắt Võ Văn Minh trước khi đưa chai nước đi giám định đã là một động thái cho thấy vụ án có vấn đề. Không ít người đã nhanh chóng ‘’ đọc cáo trạng’’ với những suy đoán là CA sẽ có kết luận đại loại như: Chai nước đã bị khui, con ruồi trong chai là cố ý bỏ vào.v.v. Và quả nhiêu suy luận đó đã đúng khi chiều ngày 7/2 vừa qua, đại diện CA Tiền Giang đã thông báo với báo chí: ‘’Nắp chai đã bị tác động bởi con người”(!)
Sự gian dối, cố ý sai phạm bất chấp luật pháp đã trở thành quá quen, quá dễ hiểu với người dân đến mức biết trước cả những thứ chưa xảy ra đối với ngành CA, Tòa Án, VKS thì có lẽ không còn bất cứ bình luận nào khả dĩ chỉ đúng tình trạng ‘’vô pháp, vô thiên’’ của các lực lượng này hiện nay!
Ông bà xưa có câu: ‘’Làm chuyện ruồi bu’’. Đảng và nhà nước cố công tìm con đường cứu vãn hình ảnh nhưng trong luật pháp lại thiếu hẳn cái tâm, cái tầm thì các chính sách hay uy tín làm sao tồn tại được? Các khẩu hiệu đạo đức, lý luận trở thành vô ích nếu vẫn cứ cách hành xử như vậy.
Lại còn câu: ‘’máu mỡ đâu, ruồi bâu đấy’’. Ra luật, hành luật chỉ vì lợi ích của Đảng, lợi ích của phe nhóm mà không xem xét đến lợi ích của dân thì hình ảnh luật pháp không khác gì con ruồi trong câu nói cửa miệng của dân gian:
Ruồi vẫn hoàn ruồi !