Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật phòng, chống tham nhũng dùng để làm gì?

Hiền Lương

(VNTB) – Chiều ngày 26-4, rất nhiều bài báo trên trang điện tử có chung tít tựa “Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc”. Đây là câu dạng ‘kim khẩu’ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nội dung về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Đoạn ‘mào đầu – chapeux’ ở các báo cũng chung ý rằng, “Không để lọt vào trung ương cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc” – đó là nhấn mạnh của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Bài viết có ‘kim khẩu’ như trên của ông Nguyễn Phú Trọng khá dông dài, lên tới gần 6.100 từ, với lối diễn đạt giống như bài báo xã luận duy ý chí của người viết. Đáng chú ý là trong đó ông Nguyễn Phú Trọng không lập luận trên căn cứ của hệ thống pháp luật hiện hành cho các vấn đề mà như báo chí đã nhấn mạnh ở phần tít tựa: “Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc”.

Có thể tạm diễn nôm ý tứ của ông Nguyễn Phú Trọng, là cần hết sức cẩn thận khi chọn cơ cấu nhân sự là những đảng viên giàu nhanh với việc sở hữu nhiều bất động sản, tài sản toàn đứng tên của thân quyến, nhưng thực ra toàn bằng tiền bạc lại đích thị của chính cá nhân đảng viên đó.

Thật ra ở đây ông Nguyễn Phú Trọng chỉ cần ngắn gọn câu từ, khi yêu cầu phải công khai trước bàn dân thiên hạ tất cả các bản kê khai tài sản của đảng viên nằm trong sách dự tính ‘cơ cấu’. Người dân chỉ cần giở Luật phòng, chống tham nhũng ra để ‘soi’ các bản kê khai tài sản này, là không phải ngại chi tới đe dọa hăm he bắt bớ của Luật An ninh mạng.

Nếu quả tình ông Nguyễn Phú Trọng thật sự muốn có được bản danh sách đảng viên trong sạch về tài sản, và bảo đảm luôn những đảng viên sau khi ‘ngã ngũ’ ghế trong các ban bệ hậu Đại hội 13 vẫn giữ được liêm khiết, thì cách tiện nhất là bãi bỏ việc buộc các tờ báo phải hành nghề theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được thêm những kênh truyền thông giúp đảng chính trị của ông luôn giữ được sự trong sạch, nếu như ông tự tin để bãi bỏ luôn sự độc quyền báo chí; nghĩa là mở cửa thị trường báo chí cho tư nhân cạnh tranh sòng phẳng. Và khi vận dụng những điều luật để chế tài quyền ngôn luận của báo chí tư nhân lẫn báo chí quốc doanh, thì phán quyết phải đến từ tòa án, chứ không phải là những quyết định mang tính mệnh lệnh hành chánh của cơ quan công an ở hiện nay, ví dụ như trong chuyện Luật An ninh mạng, chẳng hạn.

“Tôi nghĩ rằng phát biểu của cụ tổng mới chỉ là vế đầu, của yêu cầu ‘không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc’. Trên thực tế, khi lọt vô được nhóm danh sách lên tới 200 cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thì người ta mới thực sự có thể giàu nhanh với nhiều tài sản ‘tránh né nguồn gốc’.

Vụ cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Bắc Son nhận va-ly chứa ‘tiền tươi’ là 3 triệu Mỹ kim cho mỗi chuyện ‘chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG’, cho thấy làm giàu thời hậu Đại hội Đảng mới là điều đáng để bàn dân thiên hạ săm soi”. Một nhà báo từng ‘theo’ mảng An ninh nội chính của Thành ủy TP.HCM, nhận xét như vậy.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng đang xây dựng một ‘thần tượng lãnh đạo’ mới

Do Van Tien

VNTB – Bác cả lại tiếp tục là ông Tổng

Phan Thanh Hung

2020 là một năm cám cảnh của báo chí Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.