Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật sư Trần Đình Triển chọn im lặng trong vụ “án bỏ túi”

Dân Trần

 

(VNTB) – “Châu chấu đá xe”: làm sao luật sư Triển thắng nổi Nguyễn Hoà Bình, hiện là Phó Thủ tướng thường trực, Uỷ viên Bộ Chính trị

 

Ngày 30/5, Toà án Nhân dân Cấp cao mở phiên toà xử phúc thẩm vụ Trần Đình Triển (nguyên phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội) liên quan tới tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự”.

Phiên toà này rất đặc biệt khi không có mặt bị hại, giám định viên, điều tra viên. Cả 5 giám định viên đều có đơn xin xét xử vắng mặt do đang bận công tác. Tất cả điều tra viên, kiểm sát viên trong phiên tòa sơ thẩm đều vắng mặt trong phiên phúc thẩm này. Còn bị hại thì cũng không tới dự nhưng không thấy báo chí CSVN ghi lý do. Lưu ý, bị hại trong vụ này là nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nay là Phó Thủ tướng thường trực, Uỷ viên Bộ Chính trị.

Việc xác định bị hại là dựa vào cáo trạng của nhà chức trách công bố rằng trong thời gian từ ngày 23/4/2024 đến 9/5/2024, ông Triển đã viết và đăng 3 bài viết trên trang Facebook mang tên “Trần Đình Triển”. Trong đó có bài chỉ trích ông Nguyễn Hòa Bình. Cơ quan chức năng cáo buộc những bài này gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống tòa án và cá nhân lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao.

Với việc vắng mặt phi lý của những người có liên quan, ông Triển và 15 luật sư tham gia bào chữa cho ông Triển đã yêu cầu tạm hoãn phiên toà này. Nhưng hội đồng xét xử không đồng ý.

Vì vậy ông Triển đã đề nghị tất cả luật sư của mình không trình bày quan điểm bào chữa tại phiên tòa. Bản thân ông Triển thì cho hay muốn giữ quyền im lặng. Ông Triển nói với hội đồng xét xử là muốn giữ nguyên kháng cáo, đề nghị tòa tuyên mình vô tội, xin được thực hiện “quyền im lặng”. “Cám ơn tất cả các luật sư đã đồng hành với tôi. Tôi xin các luật sư không bào chữa cho tôi hôm nay”, báo Vietnamnet dẫn lời ông Trần Đình Triển.

Tới đây thì chắc chắn ông Triển đã hiểu rằng vụ của ông là “án bỏ túi”. Không phải 15 luật sư, mà dù là 100, hay 1000 luật sư thì có cãi cỡ nào cũng không thay đổi được bản án của mình.

“Án bỏ túi” đã trở thành khái niệm quen thuộc với những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Nhưng bất kỳ ai ở Việt Nam cũng có thể dính phải, từ những người dân thấp cổ bé họng chẳng may bị “tay bay vạ gió”, tới các tham quan, doanh nhân đại gia ngàn tỷ. Bởi vậy ông Trần Đình Triển, với nhiều năm kinh nghiệm làm luật sư, là phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, thì chắc chắn hiểu rất rõ khi nhìn vào những người vắng mặt trong phiên toà của ông.

Khái niệm “án bỏ túi” này thậm chí còn được báo chí CSVN viết rõ ràng từ hơn 10 năm trước để nói về bản chất của hệ thống tư pháp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ngày 18/11/2013, báo Dân Trí có đăng bài viết Lạm bàn về “án bỏ túi” của ông Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo CAND, phụ trách tờ An ninh Thế giới, nguyên Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới (PetroTimes). Trong đó ông Phong định nghĩa án bỏ túi “nôm na, có thể hiểu thế này, đó là đưa ra xét xử một vụ án nhưng mức án dành cho các bị cáo lại được thống nhất từ trước giữa công an, viện kiểm sát, tòa án và lãnh đạo địa phương”.

“Khi đã thống nhất được mức án của “bộ tứ” này rồi thì phiên tòa diễn ra như… diễn kịch. Bị cáo muốn gì cứ việc trình bày. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng chỉ là hỏi để cho có. Luật sư cãi thì cũng gọi là để cho có vẻ dân chủ… Người ngồi giữ quyền công tố thì cũng chẳng thừa hơi đâu mà tranh luận với luật sư. Còn thư ký phiên tòa thì lặng lẽ ngồi viết án văn trước…

Tại sao lại có cái chuyện “án bỏ túi” thế này? Và tại sao một số cấp ủy đảng chính quyền địa phương lại tham gia vào việc xét xử của tòa án, đặc biệt là những vụ án được đánh giá là có ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự và dư luận tại địa phương; hoặc là những vụ án phải xử để làm gương để có tính “răn đe, giáo dục” kẻ khác; để “yên lòng dân”.

Vì thế, đã có cấp ủy đảng chính quyền địa phương chỉ đạo công tác xét xử một cách thô bạo. Yêu cầu phải xử nặng hoặc phải xử nhẹ. Còn tòa, viện kiểm sát, công an thì ai đủ gan để mà cãi lại lãnh đạo đây?” (2)

Nguyễn Như Phong chỉ dám viết về “chính quyền địa phương”, nhưng có thể hiểu rộng ra về cả hệ thống chính trị CSVN, từ địa phương tới trung ương. Đặc biệt, bị hại trong vụ ông Trần Đình Triển là Nguyễn Hoà Bình, hiện đang là Phó Thủ tướng thường trực, Uỷ viên Bộ Chính trị (tức là một trong những người nắm quyền lực cao nhất Việt Nam). Chưa hết, Nguyễn Hoà Bình có gần 5 năm là Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; hơn 8 năm là Chánh án Toà án Nhân dân tối cao; 28 năm làm việc trong ngành công an, trong đó hơn 6 năm là Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, có quân hàm thiếu tướng công an. Và là Đại biểu Quốc hội từ năm 2011 tới nay.

Nói vậy để thấy bị cáo trong vụ Trần Đình Triển là người đứng đầu trong cả ba nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp. Đụng tới “ông trùm” như vậy, nếu sống ở một xứ dân chủ thì có thể ông Triển sẽ thắng, nhưng không may, ông Triển hầu toà ở Việt Nam, dưới chế độ cộng sản. Và không có gì bất ngờ khi hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm: 3 năm tù cho ông Triển.

 

__________________

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/ong-tran-dinh-trien-giu-quyen-im-lang-toa-phuc-tham-tuyen-y-an-2406475.html

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/lam-ban-ve-an-bo-tui-1385235317.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Công ty bia đóng cửa là tin vui cho người dân, tin buồn cho nhà nước

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giá đất TPHCM sẽ ngang Hongkong, còn thu nhập người dân chỉ bằng 13%

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhà nước phong sát, giành tiền từ thiện với nghệ sĩ

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo