(VNTB) – Nhiều người trên facebook lại chia sẻ bài thơ của Lưu Quang Vũ, cố tình cho rằng đây là “thơ ngăn kéo”, ông viết trước khi mất, phản ảnh chế độ cộng sản. Thực ra không hề như vậy.
Lưu Quang Vũ, cũng như tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ sống ở miền Bắc, đều phải viết theo chỉ đạo, phải lên án, bôi xấu chế độ Việt Nam Cộng Hòa là “gái điếm nhiều nhất thế giới” nền văn minh chạy theo dục vọng, dân đói rách lầm than, bla bla….
Nói chung sống trong sự ngột ngạt của đàn áp tư tưởng, mù mờ về thông tin, ông Vũ cũng phải tin việc “Mỹ Ngụy ăn… gan người”, miền Nam luôn đói nghèo, không cơm ăn, áo mặc, nhà ở…
Bài thơ dở tệ, nhưng nếu cắt 4 câu đầu như các vị… ăn gian khi cố tình đặt vị trí thời gian sai lệch, thì bài thơ không mấy hay này của Vũ, đúng là mô tả chế độ đương thời. Đề nghị các vị trung thực. Nguyên văn bài thơ đây:
NHỮNG ĐIỀU SỈ NHỤC VÀ CĂM GIẬN
Những điều sỉ nhục và căm giận
Một dân tộc đã sinh ra
Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống
Hoàng Cao Khải, Nguyễn Văn Thiệu…
Những điều sỉ nhục và căm giận
Một đất nước luôn có kẻ dẫn đường
Cho người ngoài kéo đến xâm lăng
Cho những cuộc chiến tranh
Đẩy con em ra trận
Những điều sỉ nhục và căm giận
Một xứ sở
Nhà tù lớn hơn trường học
Một dân tộc có nhiều gái điếm nhất thế giới
Có những cái đinh để đóng vào ngón tay
Có những người Việt Nam
Biết mổ bụng ăn gan người Việt
Một đất nước
Đến bây giờ vẫn đói
Không có nhà để ở
Không đủ áo để mặc
Ốm không có thuốc
Vẫn còn những người run rẩy xin ăn
Nỗi sỉ nhục buốt lòng
Khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng
Phải làm việc mệt nhoài dưới nắng
Khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng
Khi người mình yêu
Nói vào mặt mình những lời ti tiện
Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch
Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn
Khinh mọi người và tự khinh mình
Như chính tay ta đã gây ra mọi việc
Và tất cả không cách nào cứu vãn
Nỗi sỉ nhục ngập tràn trái đất
Khi lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh
Những nền văn minh chạy theo dục vọng
Những guồng máy xấu xa chà đạp con người
Đi suốt một ngày
Giữa rác rưởi và chết chóc
Luôn thấy bị ném bùn lên mặt
Nói làm sao được nữa những lời yêu
Nghĩ về cha, con sẽ chẳng tự hào
Nỗi tủi nhục làm cha nghẹn thở
Nỗi tức giận làm mặt cha méo mó
Trong hận thù không thể có niềm vui
Nhưng không thể sống yên, không thể được nữa rồi
Nỗi tủi nhục đen sì mỗi cành cây
Nỗi tủi nhục của đứa trẻ chạy trốn
Nỗi tủi nhục trên mỗi bậc thang lười biếng
Trong cốc nước đưa lên môi lạnh ngắt
Trên mỗi dòng tin mỗi ống quần là phẳng
Mỗi chiếc hôn ướt át thì thầm
Mỗi nấm mồ bị vùi dập lãng quên
Trên bàn tay đưa ra trên mỗi bức tường
Nỗi tủi nhục tội lỗi nỗi tủi nhục kinh hoàng
Trên vệt máu bầm đen trên nụ cười thỏa mãn
Cha chẳng có gì để lại cho con
Ngoài một cửa sổ trống trơn
Ngoài một tấm lòng tủi nhục và căm giận
Ngoài kỷ niệm về những năm tàn khốc
Cho một ngày con được sống thương yêu
Di cảo 1972-1975
***
Lời bình của biên tập viên: Cho dù cắt đi 4 câu đầu, cũng còn các câu “Có những cái đinh đóng vào ngón tay”, “có những người Việt Nam biết mổ bụng ăn gan người Việt”’ là biết ngay Lưu Quang Vũ viết theo định hướng tuyên truyền của miền Bắc xã hội chủ nghĩa rồi.
Có thể kiểm chứng khi dịp nào đó bước chân vào Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM. Tên cúng cơm của bảo tàng này là “Nhà Trưng bày tội ác Mỹ – Ngụy”. Đến năm 1990, đổi tên lần đầu thành “Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược”. Một năm sau đó, Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam.
Để phù hợp thời thế, 5 năm sau đó, đổi tên lần thứ ba là “Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh”, gia nhập làm thành viên của hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới và Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM).
Ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.