Việt Nam Thời Báo

VNTB – Máy móc để học trực tuyến và sách giáo khoa để biết bài vở?

Thới Bình

 

(VNTB) – Theo thông báo, từ ngày 1-9, học sinh bậc trung học tại TP.HCM sẽ bắt đầu học trực tuyến với hoạt động tổ chức lớp và củng cố kiến thức. Chương trình học kỳ 1 sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 6-9.

 

Ứng dụng Microsoft Teams được nhiều trường học lựa chọn cho các lớp học trực tuyến.

Hàng loạt vấn đề khó khăn đang đặt ra chưa thấy có cơ quan hữu trách nào lên tiếng.

Thứ nhất, học trực tuyến lệ thuộc vào thiết bị phần cứng là máy tính có cấu hình đủ đáp ứng cài đặt các phần mềm ứng dụng. Giá cả bán lẻ một bộ máy tính loại để bàn tại TP.HCM, ghi nhận tại “Thành Nhân Computer”, giá thấp nhất chưa có màn hình, là 6,490,000 đồng, chưa cài hệ điều hành Microsoft Windows. Màn hình giá rẻ nhất là 2,850,000 đồng.

Phần mềm hệ điều hành Windows 10 Pro, giá cho một máy cài đặt là 2,950,000 đồng. Phần mềm cho các công việc văn phòng, học tập Office Home & Student 2019, giá cài cho một tài khoản là 2,390,000 đồng.

Tổng cộng các khoản trên là 12,115,000 đồng.

Nếu gia đình có 2 người con đang độ tuổi trung học, và trường hợp cả hai phải học trực tuyến cùng một buổi, thì để đáp ứng buộc phải có 2 bộ máy tính, vị chi số tiền sẽ là 24,230,000 đồng.

Gói cước cáp quang internet có giá thấp nhất là 220,000 đồng/ tháng.

Thứ hai, sách giáo khoa để học sinh theo dõi các bài giảng trực tuyến.

Đơn cử về giá cả: bộ sách giáo khoa lớp 5 cho năm học 2021 – 2022 là 491,200 đồng. Tương tự, lớp 9 là 592,300 đồng; lớp 10 là 466,600 đồng; lớp 11 là 472,400 đồng; lớp 12 là 576,900 đồng.

Và cả phần thiết bị máy tính, lẫn sách giáo khoa, phụ huynh đều không thể trực tiếp đi mua vì lệnh giãn cách – của chuyện ngay cả đi chợ mua thực phẩm cũng phải lệ thuộc vào dịch vụ ‘đi chợ hộ’ đang ách tắc suốt kể từ khi triển khai ở hôm 23-8 đến nay.

Thứ ba, quan trọng nhất là phụ huynh sẽ còn khoản dành dụm nào đủ để trích ra cho mua sắm thiết bị cho con em mình học trực tuyến? Để dễ hình dung về túi tiền người dân lúc này, xin cùng lược qua một số tin tức liên quan.

UBND TP.HCM yêu cầu đẩy nhanh hỗ trợ lao động khó khăn do dịch, hoàn tất trước 6-9” – Theo bài báo này trên Tuổi Trẻ số phát hành ngày 31-8, ngày 22-8, UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn số 2799, chấp thuận bổ sung số hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP để hỗ trợ. Dự kiến bổ sung hơn 1 triệu hộ với hơn 1,572 tỉ đồng.

Mỗi hộ khó khăn do dịch sẽ được nhận 1.5 triệu đồng.

Thứ tư, học trò lớp 1 sẽ ‘trực tuyến’ như thế nào? Dưới đây là một vài ghi nhận ý kiến từ ‘người trong cuộc’.

“Trường chúng tôi đang là nơi cách ly, giáo viên phải làm việc ở nhà. Công tác tuyển sinh vẫn chưa hoàn thành do nhiều em còn đang bị cách ly hoặc về quê chưa trở lại thành phố được. Sách giáo khoa bản giấy thì đã về các trường, nhưng không thể đưa đến phụ huynh được do quy định về giãn cách xã hội.

Các clip về bài giảng không phải do trường tự làm mà sẽ do Phòng Giáo dục tuyển chọn các giáo viên giàu kinh nghiệm theo từng bộ môn để thực hiện, dùng làm nguồn tài nguyên chung cho các trường. Ở khối lớp 1 thì cũng chỉ dừng lại ở các bài giảng để các em hình dung về trường, lớp, thầy cô mới”.

“Lớp 1 là lớp khó nhất ở cấp tiểu học. Năm nay, học sinh còn không có giai đoạn làm quen với trường lớp như các năm trước đây. Vì vậy, hình thức học tập trực tiếp dự báo còn khó khăn, nếu học trên internet còn khó hơn nhiều. Công tác tập huấn giáo viên theo chương trình mới cũng khó khăn do dịch bệnh.

Hơn nữa, phụ huynh cũng hiếm người có chuyên môn để có thể kèm trẻ các thao tác cơ bản ban đầu như cầm bút viết, viết nét chữ sao đúng, rồi cả vấn đề thời gian trẻ xem tương tác với màn hình bao nhiêu thì hợp lý, an toàn…, nếu hướng dẫn sai thì càng nguy hiểm hơn nữa cho trẻ sau này”…

Tạm kết, đến trường vẫn là con đường hữu hiệu và thiết thực nhất để học sinh tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và bồi dưỡng nhân cách!

Nhưng trong bối cảnh nhiều địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, dạy học trực tuyến là một giải pháp tình thế, đặc biệt là các lớp cuối cấp.

Tuy nhiên, đối với các khối lớp tiểu học, mong rằng ngành giáo dục các địa phương nhìn thẳng vào chất lượng, và mạnh dạn quyết định tạm dừng triển khai giáo dục trực tuyến và có thể tính toán đến việc tinh giản chương trình…


Tin bài liên quan:

VNTB – Quan chức cầm quyền cần hiểu ‘logistics’ là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu vì đi bầu cử mà bị lây Covid, ai chịu trách nhiệm?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo