VNTB – Miền thương…

VNTB – Miền thương…

Nguyệt Biều

(VNTB) – Đằng sau nỗi đau thương, mất mát trong cơn lũ dữ mà người dân gánh chịu là những hoàn cảnh, phận đời khó khăn, nghèo khổ. Họ đã phải chịu đựng 2 đợt dịch Covid-19, cơn bão số 5 và giờ đây là những trận lũ lịch sử.

Với người dân miền Trung, lũ lụt là chuyện thường của hàng trăm năm nay, nhưng việc hứng 4 cơn lũ lớn dồn dập, lũ chồng lũ như năm nay thì thật sự kiệt quệ. Đã vậy thủy điện lại thi nhau cùng lúc xả đập xuống vùng hạ lưu để tránh bị vỡ đập do lũ chồng lũ.

Dù một năm thiệt hại nặng nề, không có doanh thu do dịch Covid-19, nhiều khách sạn ở Huế vẫn quyết định sẻ chia khó khăn, hỗ trợ miễn phí cho các đoàn cứu trợ từ mọi miền đất nước về Huế tặng quà cho bà con vùng lũ.

Hoạt động nhỏ của người dân xứ Huế nhằm tri ân, sẻ chia phần nào kinh phí đi lại, ăn ở của các đoàn cứu trợ khi từ xa đến tặng quà cho người dân vùng lũ Thừa Thiên Huế. Từ một khách sạn, sau hai ngày chương trình đã lan rộng hơn 10 khách sạn với hơn 200 phòng đi kèm với các dịch vụ xe tải vận chuyển hàng hóa, xe khách, nhà hàng hỗ trợ ăn uống cho các đoàn cứu trợ.

Ngoài các khách sạn, nhiều nhà hàng, quán ăn, công ty vận tải, tài xế cũng quyết định gác công việc, bỏ kinh phí hỗ trợ các đoàn cứu trợ.

Một nhà báo nữ ở tờ Tuổi Trẻ chia sẻ cảm xúc qua ghi nhận: “Người dân Sài Gòn mấy ngày này không còn kêu ca mưa ngập nước tắc đường, mà chăm chú dõi theo mực nước đang dâng ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nơi ấy, những xóm làng chỉ còn mấy nóc nhà lô nhô, những ngôi trường chỉ còn cái bảng hiệu lấp ló trên mặt nước.

Bà con không còn quay quắt với những thiệt hại sau mùa dịch, mà thắt ruột với những tin tức cập nhật mỗi giờ ở Rào Trăng, những dòng nước mắt không còn chỗ để chảy từ những người cha, người mẹ, người vợ, người con. Họ cũng không còn so đo vì thành phố phải điều tiết ngân sách về trung ương nhiều quá, không đủ để làm đường sá, hạ tầng cho ngon lành, khi nhìn cảnh chuồng trại ruộng vườn miền Trung bồng bềnh thành quả lao động trôi theo dòng nước.

Mỗi năm mùa lụt, người Sài Gòn lại hiểu thêm miền Trung mặn mòi hạt muối, yêu thêm miền Trung nắng thiêu mưa lụt, trút lòng mình vào những bài thơ, bản nhạc, bức tranh chuyển cho nhau”.

“Lũ lụt miền Trung, một chữ thương làm sao nói hết” là một chia sẻ nỗi lòng hoài hương của bà Lê Nga Nguyên. Bà kể trong bồi hồi kỷ niệm – “36 năm xa quê là ngần ấy thời gian tôi không còn thấy lụt nữa. Nội và ba cũng đã đi xa mãi”.

“Mấy hôm nay, trời Nam Bộ buồn ủ dột. Là miền Trung lại đang mưa lũ! Những ngày này, ba hay ở ngoài đồng đánh bắt cá. Ba đan những cái lồng bằng tre để bắt những con cá gáy, cá trảnh… thật to, chúng đang theo con nước nguồn về đồng. Gió chướng cứ thổi lạnh buốt. Cái lạnh như cắt da thịt, từ trong xương lạnh ra. Tôi nghe ba chép miệng nói với mẹ: “Nước ngoài đồng có rồi, nước nguồn đang về, chắc là lụt đây. Lo dọn đồ thôi em!”.

Mấy chị em tôi đem hết sách vở áo quần lên gác. Ba mẹ và các anh chị dắt trâu bò lên chỗ nền cao, ba lấy dây thừng cột neo tất cả các chum đựng lúa, khoai lang… để khỏi bị trôi mất khi nước lớn.

Có lần tôi và thằng em kế suýt chết vì lén ba mở dây buộc ghe. Hai chị em định chèo ghe loanh quanh nhà, ngờ đâu nước chảy xiết, sức chèo non nớt làm ghe cứ trôi xa nhà. Thật may là có ai đó trông thấy đã gọi ba tôi bơi ra cứu kịp thời… Những ngày lụt, ba hay chở tôi xuống nhà nội. Tô cơm nóng ăn với mắm cái và đậu phộng rang trong ngày mưa lũ của nội sao mà ngon lạ lùng.

36 năm xa quê là ngần ấy thời gian tôi không còn thấy lụt nữa. Nội và ba cũng đã đi xa mãi. Xa quê, trưởng thành, tôi mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn vất vả của ông bà, ba mẹ ngày xưa, của bà con miền Trung mỗi mùa lũ lụt. Một chữ thương làm sao nói hết!”.

Giờ thì Việt Nam mình đang trong cao điểm “bão lũ miền Trung” vẫn phòng khi “Covid-19 trở lại – lợi hại hơn xưa”. “Mai sau dù có bao giờ”, bên chung trà tỏa khói, chúng ta lại nói với nhau về những ngày nước mình chống dịch, chống bão lũ…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)