VNTB – Minh bạch thể chế

VNTB – Minh bạch thể chế

Hà Nguyên – Cát Tường

 

(VNTB) – Hiến pháp 2013 có một điều đang là bất khả thi: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

 

Hiến pháp 2013, “Điều 4.

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
  3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến định trên cho thấy chí ít có 2 nội dung cần làm rõ để có thể thực thi, đó là cụ thể ai sẽ là đại diện Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của tập thể Đảng? Thứ hai, pháp luật điều chỉnh về quyền lực Đảng Cộng sản Việt Nam ra sao để biết khuôn khổ mà hoạt động?

Nói một cách khác, rất cần minh bạch thể chế. Công cuộc minh bạch thể chế ấy phải do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và tiến hành trên nguyên tắc tôn trọng Điều 4 Hiến pháp hiện hành. Đơn cử, bầu cử, ứng cử theo cơ chế “Đảng cử dân bầu” phải được công khai và pháp luật hóa về quyền lực thật sự của lá phiếu cử tri đảng viên và lá phiếu cử tri quần chúng đều ngang giá trị nhau.

Hiến pháp cần tu chỉnh theo hướng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chứ không phải là Quốc hội. Pháp luật hóa sự lãnh đạo của cấp ủy đối với bộ máy nhà nước. Có như vậy mới sớm hoàn thành công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng.

Các yêu cầu trên không hề “phản động” hay “diễn biến hòa bình”, hoặc “tự chuyển hóa” gì hết, bởi đây từng là những “tuyên ngôn” lúc còn là “lãnh đạo cấp vừa vừa” của một vài vị lãnh đạo “cấp cao nhất nhì” ở hiện tại.

“Nền kinh tế sẽ đạt được những lợi ích lớn nếu chúng ta có một hệ thống thể chế minh bạch, vững chắc, khả thi và có khả năng tiên liệu. Hệ thống thể chế tốt cũng sẽ giải phóng các nguồn lực, phát huy tính sáng tạo của toàn xã hội” – Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy trong một trao đổi được báo Tuổi Trẻ đăng trên số báo phát hành ngày 8-2-2011. Khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc là tân Ủy viên Bộ chính trị, bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ.

Giờ là tháng 11-2022, nhiệm vụ tự đặt ra của ông Nguyễn Xuân Phúc về “có một hệ thống thể chế minh bạch, vững chắc, khả thi và có khả năng tiên liệu” xem chừng vẫn còn tiếp tục hứa hẹn ở thì tương lai; bởi nếu ngay từ lúc đó lời nói đi đôi với hành động thì chắc hẳn sẽ khó thể đưa đến những con số thống kê mới vừa được công bố:

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 2 nguyên chủ tịch tỉnh và 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cụ thể, 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy gồm: Ông Nguyễn Thanh Long (sinh năm 1966), cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Chu Ngọc Anh (sinh năm 1965), cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông Phạm Xuân Thăng (sinh năm 1966), cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Ba ông kể trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ Việt Á.

Ông Trần Đình Thành (sinh năm 1955), nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ông Thành bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Ông Thành hiện chưa bị kỷ luật về Đảng.

Có 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương bị khởi tố điều tra: Ông Phạm Công Tạc (sinh năm 1962), cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ Việt Á. Ông Tô Anh Dũng (sinh năm 1964), cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ liên quan vụ chuyến bay giải cứu. Ông Cao Minh Quang (sinh năm 1956), cựu thứ trưởng Bộ Y tế, bị khởi tố, bắt giam do liên quan vụ án xảy ra tại Bộ Y tế và Tổng công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, gây thiệt hại 3,8 triệu USD tài sản nhà nước. Ông Nguyễn Quang Linh (sinh năm 1974), cựu trợ lý của phó thủ tướng thường trực Chính phủ, bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu.

Có 2 nguyên chủ tịch tỉnh bị khởi tố, điều tra: Ông Nguyễn Ngọc Hai (sinh năm 1962), cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ án xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (Bình Thuận). Ông Đinh Quốc Thái (sinh năm 1959), nguyên chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Ông Thái cũng chưa bị kỷ luật về Đảng.

Có 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn – cựu tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Trung tướng Hoàng Văn Đồng – cựu chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Kim Hậu – cựu phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam. Thiếu tướng Bùi Trung Dũng – cựu phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết – cựu phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển Việt Nam.

Cả 5 sĩ quan cấp tướng kể trên cùng bị khởi tố điều tra về tội tham ô tài sản.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)