Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mình và Mọi Người

Đỗ Văn Phúc

 

(VNTB) – “Mình” và “mọi người” là những chữ bị lạm dụng nhiều nhất, dùng sai một cách lố bịch thường thấy hàng ngày trên truyền thông xã hội 

 

Không phải “Mình Vì Mọi Người; Mọi Người Vì Mình” như câu thành ngữ Tây Phương biểu hiện tình liên đới mà chúng ta từng nghe mấy anh Ngự Lâm Quân trong tác phẩm Les Trois Mousquetaires ( Ba chàng ngự lâm pháo thủ) thề thốt với nhau.

Đây là những chữ mà hiện nay bị lạm dụng nhiều nhất, dùng sai một cách lố bịch thường thấy hàng ngày trên truyền thông xã hội mà đa số người bên Việt Nam sính dùng. Thật là lố bịch, bất nhã như trong các trường hợp sau:

 

A. Mình

Xin kể vài thí dụ:

– Trong một cái post tìm việc “Mình là Lê Văn Xoài. Mình năm nay 25 tuổi; mình tốt nghiệp Đại Học X. Mình cần tìm một việc vừa khả năng… Xin liên lạc với mình qua số….”

– Lại thấy một cái post khác (không liên hệ gì tới Lê Văn Xoài nói trên): “Công ty mình đang tuyển hai nhân viên bảo vệ. Ai có khả năng xin liên lạc với mình qua số….

– Ở hải ngoại cũng không chịu thua! Một Đông Y Sĩ ở Houston trò chuyện với bệnh nhân trên Facebook: “Mình cho biết đã thuyên giảm chưa! Mình nên kiêng các thức ăn nhiều mỡ; mình nên chịu khó đi bộ mỗi ngày một vài cây số. Cần gì cho mình hay…’

Tại sao chúng tôi nhận xét các trường hợp trên là lố bịch?

Chúng tôi đã hơn một lần đề cập đến việc lạm dụng chữ Mình này trong bài “Mình Ơi!’ (Chuyện Dài Chữ Nghĩa, ấn bản June 2024, trang 208 – 213).

1. Chữ “MÌNH” có nhiều cách dùng, mà phổ biến nhất là dùng cho ngôi thứ nhất khi trò chuyện cùng bạn bè thật thân thiết cùng trang lứa (đặc biệt cho các bạn trẻ).

Ví dụ: “Ngày mai nay mình đã đi xa rồi.” “Nhớ gửi thư cho mình thường xuyên nhé!

2. Chữ Mình cũng dùng trong đối thoại của những đôi vợ chồng mang tính cách âu yếm.

Ví dụ: “Mình rửa tay rồi ra ăn cơm.”

3. Chữ MÌNH cũng có thể dùng ở ngôi thứ nhất số nhiều để đại diện cho một nhóm. Nó thay thế hai chữ “chúng ta” chứ không phải thay cho “chúng tôi.”

 Ví dụ: “Mình đã cho họ biết trước, nhưng họ chưa trả lời cho mình biết có đồng ý hay không.”

4. Cụ Trần Trọng Kim còn thêm trường hợp chữ Mình cũng có thể dùng cho ngôi thứ ba để thay phiếm chỉ đại danh từ (Việt Nam Văn Phạm, trang 65-66).

Ví dụ: “Người ta thường chỉ biết mình mà quên việc nghĩa.”

Nhưng tuyệt đối, không dùng chữ “mình” khi nói với một hay nhiều người khác không thân thiết, không cùng trang lứa, không nói với người lạ, khách hàng, thân chủ….

 

B. Mọi Người

Hai chữ “MỌI NGƯỜI” cũng bị lạm dụng quá nhiều trên truyền thông xã hội. Nói không quá phóng đại, thì hiện nay, đến 70% những Youtube, Reels and Short Videos trên Facebook để quảng cáo, hướng dẫn, văn nghệ… do người Việt (cả trong nước và ngoài nước, Nam kỳ cũng như Bắc Kỳ, BK 54 cũng như BK 75) nói hàng loạt hai chữ “mọi người” trong chỉ một đoạn văn ngắn. Các cô cậu làm video này dùng chữ “mọi người” cho ngôi thứ ba, cả cho nhiều người (dĩ nhiên không sai) và ngay cả chỉ với một người (sai quá đi chứ!). Một số khác không nhỏ thì dùng hai chữ “các bạn,’ không cần biết người nghe, xem video lớn nhỏ già trẻ ra sao.

– “Để mình chỉ cho mọi người làm nhé! Mọi người đổ vào nồi một lít nước. xong mọi người cho vào ít đường. Mọi người khuấy đều, rồi mọi người bắc lên lửa riu riu; mọi người chờ vài phút xong mọi người lấy xuống….”

Trên xe du lịch của hãng XXX, mọi người có thể nằm thoải mái nghe mọi người. Người ta sẽ cho mọi người nước ngọt; mọi người ơi, tiện lắm. …”

“Mọi người” (hay mọi vật, mọi điều) là một đại danh từ tuy là số ít nhưng nó dành khi nói về nhiều người, nhiều vật trong một nhóm. “Mọi người” có thể ở ngôi thứ hai hay ngôi thứ ba.

Ví dụ “mọi người” ở ngôi thứ ba: Mọi người đã ngồi vào bàn.

Ví dụ “mọi người” ở ngôi thứ hai: Xin mọi người chú ý, lễ chào quốc kỳ sẽ bắt đầu trong vài phút nữa.

Xin phép kể một chuyện bên lề có liên quan. Hồi 1985, chúng tôi vừa ra khỏi trại tù cải tạo là lúc môn Anh Ngữ bắt đầu được dạy lại ở các trường trung học. Trong hàng chục năm chống Mỹ, nhà cầm quyền Cộng Sản hủy bỏ môn Anh Văn mà chỉ dạy Nga Văn. Thầy giáo dạy Anh Văn ở miền nam thì bị đi cải tạo hay cho nghỉ việc. Do đó, không có chó thì bắt mèo ăn c,t, họ cho các thầy cô dạy Nga Văn bắt đầu vừa tập tễnh vừa học Anh Văn để đi dạy. Khi chúng tôi thấy trong bài của con trai câu viết “Everybody are ready,” chúng tôi bèn sửa lại “is” thay vì “are,” Cậu con không chịu mà nói: “Cô giáo dạy như thế. Cô nói everybody là mọi người, nên phải là số nhiều!” 

Dĩ nhiên, không có gì sai khi dùng chữ “mọi người” ở ngôi thứ hai và ba số nhiều. Nhưng không nên quá lạm dụng. Thêm một điều nữa là chúng ta cần khiêm tốn và lịch sự khi nói chuyện với người khác. Vì thế, nên thay “mọi người” và “các bạn” bằng hai chữ “quý vị” (quí vị là cách gọi tỏ sự tôn trọng người khác, có thể dùng cho một hay nhiều người). Cũng không nên sỗ sàng mà gọi “Quý vị ơi” hay “mọi người ơi” như kiểu nói trong không khí thân mật với bạn bè hay người nhỏ hơn mình

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mình ơi! Nói Sao Cho Vừa Lòng Mình?

Do Van Tien

VNTB – Hội Thảo về Chiến Tranh Việt Nam tại Irving, Texas

Do Van Tien

VNTB – Tai Vách Mạch Dừng

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.