Thiền Lâm
(VNTB) – Phương thức phản kháng đầy sáng tạo của người dân Nghi Xuân chắc chắn sẽ được áp dụng và lan rộng sang nhiều lãnh vực khác.
Hậu quả hoàn toàn có thể thấy trước là khi cường quyền chế độ chỉ còn biết bồ đầu dân để tăng thu ngân sách, xã hội Việt Nam sẽ “cùng tất biến”. Những hình ảnh người dân chặn xe ở Phú Thọ và Hà Tĩnh để phản đối nạn thu phí BOT bừa bãi là minh chứng rất điển hình.
Hà Tĩnh – “thủ phủ” của Formosa. Trong lúc vùng đất này còn chưa hề nguôi ngoai nỗi đau ghê gớm gây ra bởi Tập đoàn Formosa cùng thói tắc trách vô cùng tận của chính quyền địa phương, một kiểu Trạm thu phí BOT Bến Thủy lại được dựng lên để “tận khoan sức dân”.
Mức phí qua trạm đã liên tục tăng từ 15.000 đồng lên tới 45.000 đồng/lượt. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo giảm 50% giá vé qua cầu nhưng người dân vẫn cương quyết giữ vững lập trường: cầu là do tiền thuế của người dân xây dựng nên và không ai được quyền bắt người dân nộp tiền mãi lộ.
Đến lúc này, người dân đã hành động. Phương cách phản ứng một cách sáng tạo và hợp pháp của người dân huyện Nghi Xuân là dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng hay 1.000 đồng để mua vé. Không những tự mình phản kháng mà nhiều người đã thu góp một số lượng lớn tiền lẻ để phát cho những người khác và sau đó tập trung đi qua cầu để phản đối việc thu phí. Họ đi chậm cách nhau khoảng 15 m. Kết quả của việc phản kháng này là tạo nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.
Lực lượng công an đã phải bó tay vì không thể đàn áp người dân trả phí đàng hoàng. Lực lượng này chỉ còn làm được chuyện duy nhất là giải quyết tình trạng ứ đọng giao thông kéo dài nhiều cây số.
Phương thức phản kháng đầy sáng tạo này của người dân Nghi Xuân chắc chắn sẽ được áp dụng và lan rộng sang nhiều lãnh vực khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã lao vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp, thu ngân sách hàng năm vẫn tăng đều, nhưng chưa bao giờ đủ chi. Xu hướng thu nội địa ngày một tăng lên, đang gây lo ngại về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và doanh nghiệp. Trong khi, thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, thì thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Từ mức 59% giai đoạn 2006-2010, tăng lên 68% trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt năm 2015 thu nội địa đã chiếm 74,4% tổng thu ngân sách.
Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015.
Các số liệu thống kê gần đây về tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức bình quân khoảng 20%; cao hơn hẳn so Thái Lan 16,1%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaisia 14,3%…
Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, Ngân hàng Thế giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Tức là làm được 10 đồng, nộp thuế gần 4 đồng.