VNTB – Môn Lịch sử có đáng sợ?

VNTB – Môn Lịch sử có đáng sợ?

Quang Nhựt

 

(VNTB) – Giáo viên dạy Sử đang lo rằng thời gian tới rất có thể họ phải thất nghiệp vì học trò chẳng mấy mặn mà học Sử nữa rồi.

 

Báo chí đưa tin, chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022 – 2023. Học sinh học 12 môn, 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.

Năm môn tự chọn được chọn từ 3 nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Cũng chính vì điều này, một số giáo viên dạy Lịch sử đang lo ngại môn Sử sẽ không được các em ưu tiên lựa chọn; một số khác lo lắng có thể chính vì điều này, sẽ có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Việc môn Sử không được nhiều học sinh lựa chọn có thể nói đó không phải là một hiện tượng xa lạ, nó gần như quen thuộc và dễ dàng bắt gặp ở các năm. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề như việc học các môn tự nhiên sẽ dễ lựa chọn trường hơn trong kỳ thi đại học; học các môn tự nhiên sẽ dễ kiếm việc làm hơn, tiền cao hơn; những bài học Sử quá dài dòng, nhàm chán với hàng loạt những con số…

“Hồi mình còn đi học cấp 3, mình học ban A nhưng lại chọn ban C để thi đại học, mấy đứa học ban A còn cho rằng thi mấy môn xã hội, cho dù có đậu đi chăng nữa cũng là chuyện rất bình thường, cái kiểu như là ôi chỉ việc học bài thôi, nhưng nào nghĩ đến môn Văn cũng cần đến sự tư duy vậy. Toán, Lý, Hóa nhớ công thức để làm bài thì Sử, Địa cũng cần phải nhớ sự kiện, nhớ lý thuyết biểu đồ… này nọ chứ” – Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn nhớ lại.

Tuy nhiên nói về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng đừng quá lo lắng, cái gì hay, hấp dẫn sẽ vẫn mãi trường tồn; giáo viên cần sáng tạo trong cách dạy làm thu hút người học, có thể cách dạy đã quá cũ rồi chăng?

Có thể nói, điều này là không sai. Song để thật sự thay đổi trong cách giảng dạy, đó không chỉ phụ thuộc ở giáo viên mà còn là những kiến thức trong sách giáo khoa. Mở một quyển sách lịch sử ra, những kiến thức khô cứng về mặt con số, những lý thuyết rập khuôn… liếc qua đã chán, huống gì phải học thuộc để đi thi!

Một giảng viên của một trường đại học đã từng nói với sinh viên rằng: “Lịch sử là ở bên thắng cuộc”. Có đúng hay chăng? Nếu không thì tại sao có nhiều học sinh – sinh viên đã không tiếc buông lời nặng nề, xúc phạm những “đồng bào”, những con người ở chế độ cũ?

“Trước năm 1975, lịch sử là môn học rất thú vị. Những học sinh đi học cảm thấy rất thoải mái với những tiết lịch sử. Tại sao lại như vậy? Tại vì quan điểm khi đó, tất cả những vấn đề về chính trị phải bỏ ngoài cánh cổng trường học. Lịch sử chỉ đơn thuần là lịch sử, không có cái nhìn thiên lệch về phía nào”, một cựu giáo sư dạy Sử trước năm 1975 chia sẻ.

Tựu trung lại, với nhiều lý do, thì việc các em học sinh không thích học môn Sử, thiết nghĩ, cũng là một điều bình thường. Thay vì đầu tư vào việc suy nghĩ cách nào để mấy em học sinh có thể thích học môn Sử hơn, thì với việc đưa môn Sử vào danh sách tự chọn sẽ càng tạo điều kiện đẩy môn Sử thêm xa rời các em học sinh.

Liệu rằng, điều này có đang thực hiện đúng lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh hay không “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)