Diệp Chi
(VNTB) – Sắp bước sang năm Covid thứ ba, liệu có tái diễn những lệnh nối tiếp nhau của giãn cách và lại giãn cách như đã từng ròng rã suốt 5, 6 tháng trời như vừa qua?
Tin tức từ báo chí cũng như phương tiện truyền thông đại chúng cho hay, thời gian qua, số lượng ca nhiễm Covid-19 ở các địa phương đều có xu hướng tăng. Bộ Y tế cũng điều động một số nhân sự ở các bệnh viện từ phía Bắc và miền Trung vào chi viện cho một số tỉnh ở miền Nam; tỉnh Bình Dương họp bàn chuẩn bị mở lại một số bệnh viện dã chiến bởi theo nhà chức trách của tỉnh này, các ca nhiễm nặng có giảm nhưng một số bệnh nhân ở các tầng cũng có xu thế tăng…
Cũng chính vì điều đó đã ít nhiều dấy lên lo ngại trong một số người dân, không biết rằng, liệu có cần phải chuẩn bị lương thực, tiền bạc; chuẩn bị sẵn công việc thay thế nếu như quay trở lại ‘lockdown’ như thời gian trước hay không?
“Thật sự là lo ngại. Dù có tin là không giãn cách theo chỉ thị 16 đi chăng nữa, song cũng rất lo đến vấn đề ‘tô màu’ bản đồ. Đi đâu cũng lo lắng. Đơn cử, lấy một ví dụ dễ hiểu, giờ tôi có việc đi Bình Dương, nếu như thời điểm tôi vẫn còn đang ở Bình Dương mà đột ngột chuyển sang vùng đỏ thì như thế nào? Nhất là ở Bình Dương có khu vực đã là vùng cam. Tôi về không kịp thì sao? Có chắc chắn là thông báo rộng rãi trước 48 tiếng hay không? Nếu không về được, tôi sẽ ở đâu và công việc của tôi sẽ ra sao?
Câu hỏi đặt ra, như vậy có đúng là sống chung với dịch hay không? Sống chung mà lại sống trong nơm nớp, lo sợ. Bệnh dịch Covid-19 nếu đã chích vắc-xin hữu hiệu, mình tự đề phòng bằng nhiều biện pháp thì cho dù có tiếp xúc nhiều người, cũng chưa chắc nhiễm. Nhưng, nếu có xảy ra việc đột ngột đổi màu bản đồ, làm sao người dân có thể lường trước mà sắp xếp công việc, sắp xếp gia đình được?”, ông Minh, một người dân lo lắng.
“Nếu biến thể mới Omicron vào thành phố mình, nhà nước có phải làm về chỉ thị 16 nữa không? Bây giờ biết chết cũng phải ra nữa. Cái đó là thực tế bởi vì cái cuộc mưu sinh mà. Nếu mà chú ra đường nếu mà có biến thể mới, chú chấp nhận chết, chứ còn không là ở nhà mà chết đói, chưa chết dịch mà chết đói”, ông Trường, một cư dân ở Thành phố Hồ Chí Minh ý kiến.
Khi được hỏi về vấn đề, nếu như dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, dẫn đến việc tạm dừng một số hoạt động mưu sinh, trong đó có bán vé số, đời sống khi đó sẽ như thế nào, bà Lành, một người khuyết tật bán vé số chia sẻ: “Thì giờ nó tăng lên, nếu vé số ngưng không có việc gì làm thì cũng đành chịu chứ đâu biết làm gì ăn đây. Tại mình đi đứng bình thường đâu có đi được đâu. Những người bình thường còn kiếm việc này, việc kia làm chứ còn mình chỉ có vé số thôi chứ”.
“Nếu như ca nhiễm có tăng đi chăng nữa, cũng mong rằng đừng quay lại như thời gian trước, bởi người dân đã khó khăn lắm rồi. Chưa kịp hồi phục sau thời gian dài giãn cách, giờ mà giãn cách nữa, không biết sẽ ra sao, nhất là cũng sắp năm hết tết về rồi”, ông Tư, nhìn xa xăm, bùi ngùi.
Có thể nói, việc mở cửa lại kinh tế dẫn đến số lượng F0 tăng là một điều bình thường, lẽ tất yếu, tương tự như một số quốc gia khác chọn phương án “sống chung với dịch”. Đã chích ngừa vắc-xin hữu hiệu, còn hạn sử dụng so với “date” được in từ nhà sản xuất; không như ông Bộ trưởng Bộ Y tế, người dân nhớ và tuân thủ 5K, thì dầu có tăng đi chăng nữa, vẫn an toàn nếu ai cũng nhớ tự bảo vệ bản thân.
Chứ nếu quay trở lại như thời gian trước, không biết rằng, cuộc sống người dân sẽ còn “thê thảm” ra sao? Chưa chết dịch, đã chết đói…