Đào Đức Thông
(VNTB) – Nhắc đến những năm tháng xưa, chúng ta chắc chẳng ai muốn làm nó xấu đi, nhưng hôm nay nhìn lại chắc chắn mỗi người chúng ta thấy xã hội ngày nay nhiều cay đắng và trăn trở đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc…
Ngày đầu xuân Đinh Dậu, những người một thời từng là bộ đội cầm súng chiến đấu chống giặc xâm lược đất nước được hội ngộ ôn chuyện xưa với các đồng đội cũ bên ấm trà xanh nghi ngút khói thơm lừng mới thấy thời thanh niên của những người lính năm xưa đẹp lắm, rực rỡ lắm, ngày ấy thanh niên Việt Nam sống có lý tưởng và sẵn sàng chết cũng vì lý tưởng…
Trên ngực áo gắn đầy huân chương, những người cựu chiến binh ngồi bên nhau cùng nhớ về quá khứ -Một thời oanh liệt cùng đồng đội băng rừng lội suối, ăn cơm vắt, măng rừng, uống nước trâu đầm, nhớ mưa rừng rét run, mắt mờ vì đói, nhớ những cơn sốt rét tím ngắt môi khô. Cuộc đời người bộ đội ngày ấy chỉ đơn giản một điều là hướng nòng súng về những kẻ thù xâm lược để bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đất nước mà quên cả mạng sống nhỏ nhoi của chính bản thân…
Hòa bình lập lại, trở về đời thường, những người lính năm xưa chẳng hề nghĩ đến công lao cá nhân mà lầm lũi mưu sinh để nuôi sống bản thân và gia đình. Họ chỉ đơn giản mong sao đất nước Việt Nam mãi hòa bình, dứt tiếng súng, tiếng bom để nhân dân Việt Nam sống trong yên lành, tự do, hạnh phúc.
Xưa nay ông cha ta quan niệm tình yêu chân chính đối với Tổ quốc là sự hiến dâng, không được phép mưu cầu đáp trả, là ý chí và cách ứng xử trước kẻ thù xâm lược, biết đặt Tổ quốc lên trên hết và trước cả mạng sống bản thân.
Ông cha ta chưa bao giờ nại lý do ” giặc mạnh, ta yếu ” mà buông bỏ chủ quyền bao giờ mà còn đánh cho nó biết Nước Nam anh hùng có chủ. Người chính nghĩa hay kẻ gian tà, người trung kiên hay tên phản bội đều phải lấy từ đó mà soi xét.
Ngày nay nhiều kẻ hậu sinh chưa từng biết mùi thuốc súng, ăn mày được cái dĩ vãng năm xưa của cha ông mà nhảy xổm lên làm quan lãnh đạo đất nước Việt Nam, cầm quyền sinh sát, chèn ép nhân dân.
– Những kẻ ấy không hề biết nóng mặt khi giặc phương Bắc đang đe dọa, nhục mạ đất nước Việt Nam.
– Những kẻ ấy đã cố tình quên một điều rằng: lịch sử tổ tiên, cha ông ta không từng nại lý do ” Địch mạnh ta yếu ” mà bạc nhược để ngoại bang lộng hành ngang ngược bao giờ.
– Những kẻ ấy đã cố tình quên đi lịch sử: Việt Nam đã từng chiến thắng tất cả các triều đại lừng lẫy bậc nhất của Trung Hoa.
– Những kẻ ấy đã cố tình quên đi ngọn lửa sùng sục trong tim của nhân dân Việt Nam xem việc bảo vệ Tổ quốc là danh dự, phẩm giá làm người.
Chúng chỉ biết khư khư ôm chặt lấy vũ khí chuyên chính vô sản để bảo vệ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, để nắm trọn quyền bính, tiền, để có tình, dục vọng, v.v… bằng tất cả mưu mô, tị hiềm, quyền lực và bạo lực, sự ngông cuồng của bản năng, sự hiếu thắng,ngạo mạn với nhân dân cần lao.
Đừng ai lấy cái gọi là ” lời nguyền địa lý ” nằm sát bên cạnh gã khổng lồ, tham lam là Trung Quốc để mà cúc cung lệ thuộc hắn.
Hãy nhớ rằng đất nước Nga vĩ đại vậy mà còn phải khòm lưng làm nô lệ dưới móng sắt quân Mông mất hai thế kỷ, nhưng cũng những vó ngựa sắt đó đã bị ông cha chúng ta đánh tan tác không chỉ một lần mà đến ba lần buộc giặc Mông phải tâm phục khẩu phục.
Địa lý Việt Nam chúng ta ví như một căn nhà mặt tiền ở giữa ngã ba, ngã tư, chúng ta chỉ cần biết hợp tác với người tử tế là đủ giàu có vì nhân dân chúng ta nổi tiếng cần cù, chịu cực, chịu khó. Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam không tư duy ngược lại là cả thế giới nằm mơ cũng không có vị trí đắc địa như Việt Nam hiện nay mà lại phải sợ hãi thuần phục Trung Quốc?
Năm xưa cụ Hồ đã nói: “dân chủ là để cho dân được mở miệng chứ không phải anh dùng quyền lực để người ta không dám mở miệng, cái đáng sợ nhất là người dân không thiết mở miệng”…
Nhà cầm quyền Việt Nam nếu thật lòng muốn đổi mới đất nước thì phải biết lắng nghe những tiếng nói trung trực của những lão thành cách mạng, những người bất đồng chính kiến để tìm gặp chân lý, bởi con người khi gần đất xa trời, không mưu cầu động cơ vật chất cho mình và con cháu mình thì tiếng nói của họ đáng tin nhất.
Ngày nay có những người cả đời quần quật cống hiến cho Đảng, nhà nước Việt Nam, vẫn có thể bị kỷ luật, tước mất bổng lộc cuối đời, gia thế con cháu của họ trong nhiều đời bị nhà cầm quyền liệt vào thành phần có lý lịch chính trị xấu, …chỉ bởi những tiếng nói trung trực về những hiểu biết của họ khi họ đã nghỉ hưu không còn cái vòng kim cô kiểm soát của tổ chức trên đầu họ như giống như cách nhà cầm quyền Việt Nam đối xử với cụ tướng Trần Độ, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh…
Ở nước ta, từ lâu đã có phong trào khi sắp đến tuổi nghỉ hưu thì cán bộ nhà nước thi nhau ăn cắp giờ công để đi học đại học để đạt chuẩn nâng cấp, để mưu cầu kiếm chác đồng lương hưu cao hơn thực tế. Việc làm ấy bất chánh, bất hợp pháp nhưng lại được xem là” đúng quy trình “…Tại sao những cán bộ nhà nước lúc tuổi đời còn trẻ thì không học để có kiến thức công tác tốt phục vụ nhân dân mà họ lại im lặng ngu trung với lãnh đạo để chờ cuối đời học với động cơ gì?
Là người dân Việt Nam cũng muốn tận tâm, tận hiến vì xã hội, cho Tổ quốc, vì tương lai sự nghiệp của mình và của con cháu cũng như của dân tộc mình.
Nhưng để có thái độ sống và làm việc đó thì tất cả mọi người từ nhân dân đến chính quyền, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến doanh nhân “chân giày mắt kính ” để ai ai cũng hữu ích đóng góp cao nhất có thể ở vị trí của mình thì phải có một thể chế chính trị tự do dân chủ và tiến bộ để nhân dân biết họ thật sự là chủ nhân của đất nước này chứ không phải sống tạm, là ở nhờ.
Nhân dân phải được biết chắc chắn rằng mồ hôi nước mắt, sức lực, trí tuệ cống hiến của họ sẽ được nhà cầm quyền chăm sóc lại khi họ cần, con cháu họ cần như giáo dục có miễn phí không? chất lượng ra làm sao? Lúc bệnh tật, tai nạn, hưu trí nhà nước đối đãi thế nào? Họ đóng thuế thì phải biết rõ đồng thuế đó sử dụng việc gì, có chính đáng không? Có ai được phép sử dụng tiền thuế xây dựng tượng đài, lễ hội tràn lan không? Nếu có bất công áp bức thì pháp luật bảo vệ đến đâu?
Người dân nhất thiết phải có thực quyền trong bầu chọn đảng cầm quyền, bầu chọn chính phủ và cũng có quyền phê phán thậm chí phế truất lãnh đạo đảng, chính phủ thông qua lá phiếu hay trưng cầu dân ý.
Chỉ khi nào xã hội Việt Nam được như vậy thì mỗi người công dân Việt Nam ai cũng an tâm làm việc và thỏa lòng phụng sự cống hiến hết mình để cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam cần lên tiếng đòi hỏi bổn phận, nghĩa vụ của nhà cầm quyền vì họ có trách nhiệm này. Cán bộ nhà nước phải có trọng trách gánh vác bổn phận với giang sơn, chứ không phải làm cán bộ để ” cưỡi ngựa xem hoa ” ngắm cảnh, ăn trên ngồi trốc, chèn ép, áp bức dân lành… càng không phải thực hiện quyền lực công cộng với những phát biểu chung chung mang tính chất có như không, quanh co lòng vòng, mà cần hối thúc giải trình trách nhiệm của tổ chức do cá nhân đứng đầu đã nhận được sự uỷ nhiệm từ nhân dân mà thực thi bổn phận trọng trách khi nắm quyền lực. Các chính sách ban hành phải được người có trách nhiệm giải thích với nhân dân rõ ràng vì sao, vì ai và sẽ thực thi bởi ai, nơi chịu trách nhiệm, chi phí và tổn thất mà nhân dân sẽ chịu như thế nào khi chọn cái này không lựa cái kia..?
Để chế ngự lòng tham của cán bộ thực thi quyền lực nhà nước không nhận hối lộ, không tham nhũng chỉ có thể khi đi kèm theo nó là những biện pháp thúc ước hữu hiệu. Chúng ta có thể thấy khi xã hội có nền luật pháp nghiêm minh mới có được điều kiện tích cực đó còn mọi lời bằng cam kết sẽ ít có hiệu quả thậm chí không thể có hiệu quả gì, các hình thức tốn kém nặng hình thức, nhiều giả dối…thói thường ở đời không ai tự lấy đá ghè chân mình.
Xã hội Việt Nam chỉ khi nào hình thành được tam quyền phân lập, báo chí có quyền tự do thật sự nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra xã hội một cách thiết thực, hiệu quả thì cán bộ, công chức nhà nước dù có muốn tham nhũng cũng không được, ai lỡ tham cũng không “hạ cánh an toàn”, sẽ không có cơ hội cho những kẻ hậu sinh ăn mày dĩ vãng, tiến thân nhờ máu và nước mắt của lớp cha ông năm xưa đã ngã xuống nơi chiến trường. Và khi ấy mùa xuân ở Việt Nam sẽ đẹp hơn bao giờ hết, nhân dân sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết, trong nước không còn cảnh cán bộ địa phương ăn chặn tiền từ thiện, quà vui xuân của dân nghèo.