Việt Nam Thời Báo

VNTB – Một mai giã từ Covid

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Mai này hòa bình, ta sẽ làm gì? Mai này hết dịch giã, ta còn lại gì?

 

Để người được trở về quê hương tìm lại những kỷ niệm, những ký ức đã bỏ mất bao năm.

Ta lại đi tìm những gì thân thương nhất, bình dị nhất nhưng vui vẻ, ấm áp nhất. Quê hương hiện ra với xiết bao hình ảnh quen thuộc, với “ruộng nương” – “đàn trâu” – “cây đa, khóm trúc, hàng cau”, với “con đê” cùng chiếc “cầu tre” khập khiễng của một làng quê thanh bình nào đó thời quá vãng, và mang lại cảm giác bình yên không nơi nào khác có được.

Tàn cuộc chiến, ta về dựng một căn nhà nhỏ, đón cha mẹ về phụng dưỡng và sẽ sang nhà cô em gái năm nào để hỏi cưới với “miếng cau”, “miếng trầu”…

Đó là giấc mơ đầy ngọt ngào ở “Một mai giã từ vũ khí” của hai tác giả Trần Nhật Ngân và Trần Trịnh, ký chung bút danh Trịnh Lâm Ngân.

Giấc mơ đó, tiếc rằng vĩnh viễn không thể thực hiện được, vì tàn cuộc chiến, những người lính bên đây bờ Bến Hải cởi chinh y để rồi buộc phải khoác vào chiếc áo tù của học tập cải tạo…

Giờ với người Việt là năm Covid thứ hai, và vì ‘chống dịch như đánh giặc’ nên mai này khi tàn cuộc trường chinh, liệu người Việt còn lại gì trên đống hoang tàn của niềm tin?

Có lẽ từ cảm hứng như trên, trước giờ Sài Gòn ‘phong thành’ để gọi là ‘chống dịch Covid’, bác sĩ Phan Xuân Trung của Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic Hòa Hảo đã ‘viết lời 2’ trên nền nhạc phẩm bất hủ “Một mai giã từ vũ khí”, về giấc mơ rồi sẽ có một ngày…

Rồi có một ngày, sẽ một ngày

Cô vít tàn

Anh chẳng còn chi

Chẳng còn chi ngoài hai tay trắng, em ơi.

 

Xin trả lại đây, bỏ lại đây

Ống oxy, với máy ECMO

Áo bao xanh với những khẩu trang

Đã bao phen, dính cô vy

Cho còn lại đống rác bây giờ…

 

Tờ xét nghiệm này, ôi sạch nợ, âm tính rồi!

Anh trở về quê, trở về quê

Tìm về khoai sắn năm nao.

Đem cầm ruộng nương

Cùng đàn trâu

Với cây đa, khóm trúc, hàng cau

Bán con xe, bán chiếc cầu tre

Đã bao năm, bắt cách ly

Nên trở thành hoang phế rong rêu.

 

Rồi anh sẽ về căn nhà xưa

Rồi anh sẽ đưa cha mẹ về

(Sợ Cô Vít sang “thăm bà, ông”)

Với tay không, với chân không

Ta làm lại từ đầu…

 

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm

Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn

Vì Cô vít nên nay ngủ yên

Xin xót thương, xin xót thương

Người nằm xuống!

 

Để có một ngày, có một ngày

Cho chúng mình

Ta lại gặp ta

Nhiều ngày qua sợ con Covid Delta…

 

Bia nhà hàng ta, chiều lại vang,

Bếp ai lên khói ấm tình quê,

Cứ kêu thêm những món mình mê,

Có khô trâu, có thêm rau…

Thiên đường này mơ ước bao lâu!

Một mai này khi ‘Cô vít tàn’, không còn những giãn cách địa lý lẫn lòng người, ta sẽ lại gặp nhau, mở rộng niềm thương mến bao la. Để rồi chiều chiều lại được nghe tiếng “phôn hò hẹn”, chứ không phải là tiếng còi hú xoay tít hồng thập tự cứ vang lên khắp hè phố lúc này của ‘cuộc chiến Cô vít’.

Một mai khi ‘Cô vít tàn’, những đứa trẻ hè phố lại được thấy ấm lòng mỗi khi khói bếp nhà hàng tỏa lên thơm phức rủ rê chào đón ‘khách nhậu’, và rồi những đứa trẻ lại đến từng bàn mời tấm vé số, hay trò xiếc lửa mua vui mong kiếm “bát cơm rau” có thêm chút thịt cá nơi phố thị hào hoa.

Tất cả đều giản đơn nhưng xem chừng lại là “thiên đường” mơ ước của bao nhiêu phận người khốn khó ở mùa Cô vít, năm thứ hai.

Bia nhà hàng ta, chiều lại vang,

Bếp ai lên khói ấm tình quê,

Cứ kêu thêm những món mình mê,

Có khô trâu, có thêm rau…

Thiên đường này mơ ước bao lâu!


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần thay đổi Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Câu chuyện vỉa hè: Có đúng là như vậy?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bất bình đẳng giết dân nghèo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo