VNTB – Một mai qua cơn mê

VNTB – Một mai qua cơn mê

Hiền Vương

(VNTB) – “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi” – Nguyễn Bắc Sơn.

Trên trang Việt Nam Thời Báo có một ông ký giả nào đó bút danh Trần Thế Kỷ, mới vừa rồi có đăng bài báo với cái tựa: “Truyện Ngắn: Một cuộc chiến tranh”. Nhắc lại, đó là cái tựa bài báo dạng như hồi ký, chứ không phải thể loại văn chương kiểu truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết… (*).

“Truyện Ngắn: Một cuộc chiến tranh” hồi ức về lát cắt thời loạn lạc Bắc – Nam, với cái kết của ngày 30 tháng tư mà như đúc kết của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, là “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Nếu như cái ông ký giả Trần Thế Kỷ có người bạn là con trai của giáo sư Nguyễn Ngọc Thuần, giờ sau 45 năm, ông ký giả ôn lại hồi nào với gia đình giáo sư Thuần, giống như thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn (1944 – 2015) từng hào sảng trong thi phẩm Mật khu Lê Hồng Phong: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi”, thì tôi lại nhớ đến nhà báo Nguyễn Vĩnh, người đã ‘chấp bút soạn’ về những phát biểu của ông Võ Văn Kiệt, với câu để đời sau đó cho mỗi khi nhắc về ngày 30 tháng tư, ngày mà “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Nhà báo Nguyễn Vĩnh kể: Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại.

Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005: 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng, với kế hoạch thời gian sẽ đăng báo Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.

“Khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác. Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng…” – nhà báo Nguyễn Vĩnh nói.

Thế rồi cuối cùng thì bài báo cũng đã được in vào ngày 30-3-2005.

“Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu” – nhà báo Nguyễn Vĩnh chia sẻ.

Giờ đã là tháng tư của năm 2020, đã 15 năm sau cái ngày mà ông Võ Văn Kiệt xác nhận khi nhắc lại theo các lối cũ, vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Liệu sẽ bao giờ mới thật sự là câu chuyện giấc mơ cho một mai qua cơn mê của Nhật Ngân – Trần Trịnh: Tình người sau cơn mê vẫn xanh dù bao tháng năm đau thương dập vùi…

Khi mà vẫn còn đó những người tù đàng sau song sắt lương tâm, thì vẫn mãi là giấc mơ cho một mai qua cơn mê.

Tháng tư, cơn mê đã bốn mươi lăm năm rồi.

___________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/truyvntb-en-ngan-mot-cuoc-chien-tranh/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)