Lê Tự Do
(VNTB) – Cái điệp khúc một năm kinh tế buồn, dường như quá quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về.
Tổng kết, nhìn lại một năm, thấy sao năm qua cuộc sống khốn khó quá, chi phí sinh hoạt, điện, xăng, học phí đều tăng; còn lương thì…
Theo ghi nhận, nhiều người không còn than thở lương ít giữa một rừng chi phí cái nào cũng lớn dần theo năm tháng. Với họ, bây giờ, dù ít cũng còn hơn không, chí ít xài 10, thu vào 5, chỉ lỗ 5. Còn đằng này, xài 10, thu 0, lỗ 10. Bởi bây giờ, họ đã thất nghiệp và đang loay hoay tìm cho mình một công việc mới để còn… nuôi gia đình
Điểm qua một vài số liệu
Ngày 29/9/2023, Tổng Cục Thống kê công bố thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2023.
So với quý trước, thất nghiệp quý III tăng về số lượng và không thay đổi về tỷ lệ.
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo thấp hơn so với năm trước, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ khó khăn của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, do đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam có tỷ lệ phi chính thức cao nên mặc dù có một số doanh nghiệp cắt giảm hoặc giãn, hoãn lao động nhưng thất nghiệp chung biến động không nhiều so với quý trước.
Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 là 2,3%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới 3% (quý III năm 2022 là 2,79%, quý I năm 2023 là 2,66% và quý II năm 2023 là 2,75% và quý III năm 2023 là 2,78%).
Thực tế từ một vài trường hợp đã thất nghiệp
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Quay ngược thời gian, trở lại với thời điểm của tháng 4.2023, hình ảnh những người lao động nằm vạ vật qua đêm chờ làm thủ tục bảo hiểm xã hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, với mật độ có lẽ không hẳn là ít. Do nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao trong khi các cơ sở chỉ nhận lượng hồ sơ hạn chế, nhiều người đã phải xếp hàng chờ từ bảy, tám giờ tối đến rạng sáng hôm sau. Họ sẵn sàng mắc võng, trải bạc vạ vật nằm chờ xuyên đêm.
Bà Huỳnh Thị Tư, khi đó là một người chờ rút bảo hiểm xã hội, nhớ lại: “Nghỉ được một năm mấy rồi, vô lấy, vô lấy bảo hiểm, lấy tiền để bán vé số, tại cũng khổ lắm, chồng mới mất mà, 100 ngày. Tại vì ở đây nó lẹ hơn. Ở đây nó lẹ hơn, chứ dạng như chỗ khác thì nó lâu lắm, mấy tháng,… một tháng mấy mình mới có tiền, còn ở đây mình làm vòng 2 tuần mình có tiền rồi. sáng sớm mà lấy số lớn quá mình cũng đi về à. Tại đi là mấy đêm rồi đó. Đi mấy đêm là đi một, hai giờ khuya, có khi ba giờ mà lấy số lớn quá, nó không có duyệt cái số đó”
Cũng cùng số phận, ông Khỏe chia sẻ: “Nếu mà anh có rút là anh về chỗ địa phương, chỗ mà hiện tại anh ở trên Long An là anh rút rồi, mà rút không được, nó kêu chuyển về đây. Giờ đang còn mắc nợ, muốn rút ra để trả nợ, chứ giờ cuộc sống giờ kiếm tiền khó quá, mấy công ty giờ phá sản nhiều quá, mà đi kiếm công việc lại khó nữa, cho nên muốn rút bảo hiểm một lần để cái thứ nhất là trả nợ cho nó hết số nợ đó. Rồi còn bao nhiêu vốn thì để làm ăn, dự trữ lại để bệnh hoạn ốm đau gì con cái đi học hành đồ nữa”.
Trên đây, chỉ tạm thời là một lát cắt nhỏ về bức tranh kinh tế của năm 2023. Những thiệt hại của việc phòng, chống dịch Covid-19 tưởng chừng như dễ dàng khắc phục, nhưng không… hậu quả sau đó thật dai dẳng…
Cuộc sống vốn dĩ đã khó, giờ lại càng khó hơn…