Việt Nam Thời Báo

VNTB- Một trăm năm cách mạng tháng Mười Nga: Buổi lễ làm chính quyền mất vui

Korine Amacher
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Kỉ niệm một trăm năm cách mạng năm 1917 đưa chính quyền Nga – một chính quyền tỏ ra vui mừng trước địa vị quốc tế của mình, nhưng về cơ bản, không bao giờ chấp nhận ý tưởng về việc lật đổ chính phủ – vào địa vị khó xử.


Các hoạt động kỷ niệm hiếm hoi phải nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết quốc gia, liều thuốc giải độc cho cuộc đấu tranh giai cấp. Dù sao mặc lòng, các cuộc hội họp không chính thức có thể đứng tách ra một chút so với đường lối chung này.
Ngày 7 Tháng 11 năm 2016, nhân kỉ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười, một nhà báo của đài tiếng nói “Tự do” đã hỏi người dân Moskva đang đi trên đường phố câu hỏi sau đây: “Nếu quay lại năm 1917, bạn sẽ ủng hộ Hồng quân hay Bạch vệ?”. Câu trả lời cho thấy Hồng quân có nhiều người ủng hộ hơn một chút và nó cũng cho thấy rằng, ở Nga, không chấp nhận cách mạng không nhất thiết liên quan tới những người Bolshevik, tức là những người thực hiện dự án xây dựng xã hội mới. Những cuộc thăm dò sau đó vẫn khẳng định xu hướng này.

Ngày hôm đó, khoảng hai ngàn người nhớ tiếc chủ nghĩa cộng sản, cả trẻ lẫn không còn quá trẻ, mang theo chân dung của Lenin và Stalin, đã tuần hành trên đường phố thủ đô. Đi đầu đoàn diễu hành là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, Gennady Zyuganov. Hai giờ trước đó, nhà lãnh đạo Đảng Tự do mang tên “Yabloko”, Sergei Mitrokhin, đặt trước Bộ Quốc phòng vòng hoa với dòng chữ tưởng niệm những “người bảo vệ dân chủ và Hội đồng Lập hiến”. Theo ông, đây là những người anh hùng. Họ đã cầm súng chống lại “lũ lưu manh chính trị” (Bolshevik), tức là những người mà tháng 1 năm 1918 đã giải tán Quốc hội lập hiến, được bầu ngày 25 tháng 11 năm 1917, bởi vì họ không nắm được đa số ghế trong cơ quan này. Dù sao mặc lòng, chính quyền thành phố Moskva không chấp nhận quan điểm của những người theo phái tự do Nga: họ thường xuyên cấm các sự kiện do “Yabloko” tổ chức, nhưng lại cho Cộng sản diễu hành với chân dung Lenin và Stalin. Nói về Lenin, ông vẫn nằm (trái với ý muốn của mình) trong Lăng trên Quảng trường Đỏ và có thể còn ở lại đó trong một thời gian dài nữa. Người ta sợ rằng việc chôn ông ta sẽ gây ra nhiều tranh cãi hơn là cứ để như hiện nay.
Hai ví dụ nêu trên cho thấy cuộc cách mạng năm 1917 đã tạo ra trong xã hội Nga biết bao nhiêu là mâu thuẫn, và kí ức về nó là vấn đề nhạy cảm đến mức nào đối với chính quyền. Mặc dù, cùng với sự xuất hiện của Vladimir Putin, quan điểm bài Stalin mãnh liệt thời Yeltsin đã nhường chỗ cho quan điểm tích cực hơn về vị lãnh tụ Liên Xô này, cả hai giai đoạn có một điểm chung: hoàn toàn không chấp nhận những biến động mang tính cách mạng. Năm 1996, người ta đã biến ngày 7 Tháng 11 thành ngày Hòa hợp và Hòa giải. Năm 2004, ngày kỉ niệm cuộc nổi dậy ở Petrograd đã không còn là ngày lễ chính thức nữa. Cuối cùng, năm 2005, ngày này đã bị lu mờ bởi sự ra đời của ngày đoàn kết dân tộc, 4 tháng 11 hằng năm. Ngày lễ này liên quan tới việc chấm dứt cuộc xâm lược của quân đội nước ngoài (trước hết là quân Ba Lan-Litva) vào Nga, năm 1612. Sự kiện được kỉ niệm cho đến năm 1917 là sự kiện đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn Hỗn loạn và chẳng bao lâu sau sẽ xuất hiện vương triều Romanov. Việc hủy bỏ lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng mười và thay nó bằng lễ kỉ niệm khác, góp phần củng cố tinh thần hòa giải xã hội, chứng tỏ rằng người ta đang muốn xóa bỏ sự kiện này ra khỏi kí ức của nhân dân. 

Nhắc nhở “những người lí tưởng”

Dù sao mặc lòng, ngày kỉ niệm vụ chiếm Cung điện Mùa Đông cũng không hoàn toàn biến mất. Đã mấy năm nay, ngày 7 tháng 11 hằng năm, chính quyền Nga đều tổ chức diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Nhưng đây không phải là kỉ niệm cách mạng mà là kỉ niệm cuộc diễu binh ngày 7 tháng 11 năm 1941 (kỉ niệm 24 năm Cách mạng Tháng 10), khi các lực lượng của Đức Quốc xã đã tiến tới ngoại ô Moskva. Phần lớn trong số 28.000 binh sĩ tham gia cuộc diễu binh đã đi thẳng ra tiền tuyến. Vì vậy, chính quyền hiện nay vừa không muốn xóa bỏ hoàn toàn sự kiện này, lại vừa không muốn tổ chức kỉ niệm nó theo kiểu kỉ niệm cuộc cách mạng. Họ tìm cách hợp nhất mấy ngày kỉ niệm lịch sử thành một, để từ đó hình thành sự ủng hộ tập thể vững mạnh hơn.

Đã từ lâu, các nhà quan sát nước ngoài thường tự hỏi liệu chính quyền có tổ chức lễ kỉ niệm một trăm năm Cách mạng hay không, và nếu kỉ niệm thì kỉ niệm như thế nào. Ngày 4 tháng 11 năm 2016, trong bối cảnh của cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine, Tổng thống Putin và Tổng giám mục Kirill đã khánh thành tại Quảng trường Đỏ bức tượng Đại Công tước Vladimir, người sáng lập nhà nước Kievskaia Rus, sau này trở thành Quốc gia của người Nga, người Ukraine và Bạch Nga. Năm 2013, người ta đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 400 năm triều đại Romanov. Lễ kỉ niệm 200 năm cuộc Chiến tranh vệ quốc năm 1812, chống lại quân đội của Napoleon, cũng được tổ chức trọng thể vào năm 2012. Cuối cùng, ngày 9 tháng 5, ngày Phát xít Đức đầu hàng, năm nào cũng được tổ chức rất hoành tráng. Bốn năm gần đây, những buổi lễ kỉ niệm này đều diễn ra cùng với đám rước “binh đoàn bất tử” – hàng triệu thân nhân mang theo ảnh những người đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại cũng diễu hành qua Quảng Đỏ. Tất cả những hoạt động này đều diễn ra trong khuôn khổ hợp logic: Thống nhất và tập quyền hóa nhà nước Nga. Còn cuộc cách mạng lại làm người ta nhớ tới sự tàn phá quốc gia, bắt nước Nga quỳ gối và cảnh đầu rơi máu chảy trong cuộc nội chiến kinh hoàng, được các cường quốc bên ngoài ủng hộ.
Từ bỏ sự ổn định, từ bỏ các truyền thống và uy quyền của nhà nước – Cách mạng Tháng Mười là hiện thân của tất cả những cái mà chính quyền căm ghét. Ngôn ngữ chính trị hiện nay mang trong lòng nó dấu ấn phản cách mạng. Năm 2007, cố vấn của Putin, Vladislav Surkov, nhắc nhở “những người lí tưởng”, mơ ước làm cách mạng rằng “sau hành động của những người lãng mạn, giành được chính quyền thường là lũ điên rồ và những tên khủng bố”.      
        
Tất nhiên, dưới mắt chính quyền, những “cuộc cách mạng màu”, cụ thể là những sự kiện năm 2003 ở Georgia và và năm 2004 ở Ukraine: được coi là kết quả của sự can thiệp của phương Tây vào không gian hậu Xô Viết. Những phong trào biểu tình ở Nga trong giai đoạn 2011-2012 nhằm phản đối kết quả bầu cử cũng khuấy lên những nghi ngờ về sự can thiệp của nước ngào. Nhằm làm mất uy tín những người biểu tình, chính quyền không chỉ nói việc phá hoại chủ quyền quốc gia, mà còn nhấn mạnh tính cách mạng (và do đó, mối nguy hiểm) của các cuộc biểu tình.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 28 tháng 9 năm 2015, Tổng thống Putin chỉ trích việc “xuất khẩu cái gọi là ‘những cuộc cách mạng dân chủ’. (…) Tất cả chúng ta đều không được quên những kinh nghiệm của quá khứ. Ví dụ, chúng ta nhớ những tấm gương từ lịch sử Liên Xô. Việc xuất khẩu các cuộc thí nghiệm xã hội, những nỗ lực nhằm thúc đẩy những thay đổi ở những nước khác nhau, dựa trên ý thức hệ của mình, thường dẫn đến những hậu quả bi thảm; không dẫn tới tiến bộ, mà dẫn tới suy thoái”.

Dù sao mặc lòng, đơn giản là không thể im lặng trước sự kiện mang tính toàn cầu này. Cụm từ “cách mạng” đã nằm sẵn trên môi mọi người rồi. Ngay cả Ukraine cũng đang chuẩn bị cho sự kiện cách đây một thế kỉ “của mình”, một sự kiện, mà không nghi ngờ gì rằng, sẽ được trình bày như là giai đoạn của cuộc đấu tranh vì nền độc lập dân tộc của Ukraine nhằm chống lại những người Bolshevik ở Moskva đang áp bức họ. Mùa thu năm 2017, trên khắp thế giới sẽ xuất hiện vô số các cuộc hội thảo, những bộ phim tài liệu và ấn phẩm kỉ niệm sự kiện này. Nga cũng không thề đứng ngoài. Cụ thể là, điều này được minh chứng bằng việc tổ chức hội nghị quốc tế với sự tham gia của hơn 200 nhà sử học (30 người đến từ Châu Mỹ Latin) vào tháng 9 dưới sự bảo trợ củaTrường đại học về quan hệ quốc tế (МГИМО, Viện Lịch sử thế giới và Hội Lịch sử Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền tìm cách đưa ra lời giải thích riêng của mình về cách mạng. Khởi đầu cho việc này thể hiện rõ vào năm 2007, trong những cuốn sách giáo khoa lịch sử, vốn là một phần của dự án bộ sách giáo khoa mới của liên bang Nga. Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười và cuộc nội chiến diễn ra sau đó được kết hợp thành một khối duy nhất với tên “Cuộc Cách mạng Nga Vĩ đại”, rõ ràng là người ta muốn đặt nó ngang hàng với “Cách mạng Pháp”. Người ta đặc biệt nhấn mạnh tính chất bi thảm của chiến tranh và những hậu quả của nó. Nga càng hùng mạnh hơn sau khi ra khỏi những thử thách khắc nghiệt đó và trở thành Liên bang Xô viết. Trong sơ đồ này, không thể có chuyện tìm kiếm thủ phạm và phân tích những quan điểm chính trị khác nhau. Cả Bạch vệ và Hồng quân đều sẵn sàng hi sinh vì nước Nga: Bạch vệ hi sinh vì đế chế, Hồng quân hi sinh vì Liên Xô. Vì vậy, cả hai bên đều xứng đáng được tôn trọng.
Cụm từ “Cách mạng Nga Vĩ đại” xuất hiện cả trong giới khoa bảng. Nó tạo điều kiện cho người ta nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này đối với đất nước và toàn thế giới. Ngoài ra, nó giúp làm cho Tháng Mười trở thành một phần của quá trình rộng lớn hơn và các nhà sử học tiếp tục nghiên cứu nó, sau khi “huyền thoại” về Tháng Mười của Liên Xô – đẩy cuộc Cách mạng “Tư sản” Tháng Hai vào bóng tối – biến mất.
Năm 2015, ở Moskva đã diễn ta hội nghị bàn tròn dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Vladimir Medinsky, với chủ đề “Một thế kỉ sau cuộc Cách mạng Nga Vĩ đại: Nhận thức để đoàn kết” với sự tham gia của đại diện các trường đại học lịch sử khác nhau. Sự kiện này được tổ chức ở nơi trước đây gọi là Bảo tàng Cách mạng, năm 1998 đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đương đại. Tên cuộc hội thảo cho người ta thấy đường lối đã được lựa chọn: Ngày lễ phải là dịp “đoàn kết” xã hội.

“Cuộc Cách mạng Vĩ đại năm 1917 của nước Nga sẽ mãi mãi là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX” – Bộ trưởng phát biểu như thế tại buổi khai mạc. Theo ông, “nghiên cứu một cách toàn diện và khách quan cuộc Cách mạng Vĩ đại và cuộc Nội chiến giúp chúng ta hiểu được tình trạng bi thảm của việc làm cho xã hội chia rẽ thành các bên xung đột với nhau, hiểu được tầm quan trọng của một chính phủ mạnh mẽ – được tất cả các tầng lớp dân cư ủng hộ – đối với nước Nga”. Cần phải nhấn mạnh bi kịch của sự phân rã xã hội sau cuộc Cách mạng năm 1917 và cuộc nội chiến, trong phải tôn trọng các anh hùng của cả hai phe (Hồng quân và Bạch vệ). Cuối cùng, phải lên án cả vụ khủng bố của cách mạng cũng như “sai lầm khi dựa vào đồng minh bên ngoài trong các cuộc đấu tranh chính trị” (rõ ràng là lời cảnh báo ở nước Nga đương đại).

Khởi đầu cho những sự kiện tưởng niệm diễn ra vào tháng 12 năm 2016, đấy là khi Vladimir Putin giao cho Hội sử học Nga lập ra Ban tổ chức. Ông nói: “Năm 2017 sắp tới – một trăm năm Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng mười, đây là lí do quan trọng để một lần nữa nhắc tới những nguyên nhân và bản chất của cách mạng ở nước Nga. Mà không chỉ cho các nhà sử học, các nhà khoa học. Xã hội Nga cần một bản phân tích một cách khách quan, trung thực, và sâu sắc về những sự kiện này. Đây là lịch sử chung của chúng ta, cần phải tôn trọng nó”. Như Chủ tịch Duma (Hạ viện) và cũng là người đứng đầu Hội sử học Nga, Sergey Naryshkin, nói: “Kỉ niệm sự kiện như thế, như sự kiện cách mạng ở Nga, không phải để lễ lạt, không ngày hội, mà trên hết là để suy nghĩ một cách sâu sắc về các sự kiện cách đây một thế kỉ. Và chính là – nhằm xác định những bài học quan trọng nhất không chỉ cho nước ta mà cho toàn thế giới”. Những bài học này là, đầu tiên và trước hết, “giá trị của sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội, khả năng tìm kiếm thỏa hiệp và không để xảy ra chia rẽ xã hội đến mức xảy ra nội chiến”.
Sư chống đối của các nhà sử học

Như vậy, nhiệm vụ của chính quyền – rút ra những bài học từ cuộc cách mạng. Tuy nhiên, căn cứ vào danh mục hoạt động (triển lãm, ấn phẩm, hội nghị, các dự án nghiên cứu, phim ảnh), đã được ban tổ chức chấp thuận hoặc sẽ được tiến hành bên ngoài chương trình chính thức, thì thấy rằng khó mà có sự nhất trí. Các nhà sử học sẽ nêu lên quan điểm của mình, quan điểm đó chắc chắn là xa lạ với bất kì sự thần bí nào. Ngôn ngữ chính thức sẽ gặp phải những lời phản đối từ các nhóm khoa học gia, các nhà hoạt động văn hóa và chính trị. Giai đoạn 2007-2009 cũng xảy ra hiện tượng tương tự, đấy là khi chính phủ tìm cách áp đặt nhận thức mang tính tích cực về chủ nghĩa Stalin, nhấn mạnh quá trình hiện đại hoá quốc gia, tạo điều kiện cho Liên Xô giành chiến thắng trong Thế chiến II. Nhiều ấn phẩm về lịch sử của chủ nghĩa Stalin đã không cho sáng kiến ​​này thu được thành công.
Lần này, nhiều nhà sử học sẽ nhắc lại rằng, đôi khi người ta bị ù tai vì những lập luận thiếu khách quan và những lời kêu gọi đoàn kết xã hội xung quanh một chính quyền cứng rắn. Sự sụp đổ của chế độ Sa hoàng năm 1917 và việc những người Bolshevik cướp được quyền lực vào tháng Mười, có thể xảy ra, vì đa phần dân chúng của đế chế này muốn thay đổi và đã mệt mỏi vì sự bất bình đẳng quá mức trong hệ thống chính trị-xã hội. Ngoài ra, những người dân thành phố Moskva được phỏng vấn ngày 07 tháng 11 năm 2016 dường như hiểu rõ rằng, một trăm năm sau, phe Hồng quân hay Bạch vệ – không phải là một. Ví dụ, một người phụ nữ khoác chiếc áo lông thú màu kem, thanh lịch, nói rằng, năm 1917 gia đình bà thuộc loại nghèo, và nếu sống vào lúc đó, bà có thể đã ủng hội những người Bolshevik. “Nhưng, bây giờ, tất nhiên, tôi sẻ ủng hộ Bạch vệ”, – bà nói, với một nụ cười rạng rỡ trên môi.
———————–

Tờ Le Monde Diplomatique (Pháp) 

Dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ http://inosmi.ru/politic/20170302/238811654.html

Tin bài liên quan:

VNTB- Đừng khóc than cho những hiệp định thương mại đã chết rồi

Phan Thanh Hung

VNTB- 45 năm trước, Kissinger đã tiên đoán vụ “xoay trục” về phía Nga. Trump có thực hiện hay không?

Phan Thanh Hung

VNTB- Những nền tảng cho ổn định ở Thái Bình Dương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo