(VNTB) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là chủ đề vô trách nhiệm muôn thuở của những người viết phải có trách nhiệm.Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng?
Khi những cơn bão đầu tiên đổ vào Việt Nam và không thể nói ngành thủy điện vô can trong gần ba chục cái chết của dân nghèo ở Hà Giang, một đại diện của EVN còn nói thẳng với chính quyền địa phương và người dân tỉnh Phú Yên là: “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Phú Yên lại là một trong những nạn nhân đau đớn nhất của nạn xả lũ thủy điện.
“Vô trách nhiệm!” là từ ngữ mà vài tờ báo trung thực và can đảm nhất trong báo giới nhà nước dám thốt lên, trong khi đại đa số báo chí hầu như im lặng trong một nỗi hổ thẹn tự thân khó tưởng tượng trước khổ nạn của đồng loại.
Chỉ trong hai tháng mưa bão cuối năm 2013, tập đoàn điện lực EVN đã đồng loạt cho xả lũ ở 15 nhà máy thủy điện mà đã gây ra hậu quả ghê gớm khi “giết sống” đến năm chục mạng dân nghèo khó nơi rốn lũ tại các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An… Thế nhưng sau khi báo chí và dư luận kêu gào thảm thiết, vẫn không có bất cứ quan chức nào của EVN và của cơ quan chủ quản của tập đoàn này là Bộ Công thương phải ra trước vành móng ngựa. Thậm chí bất chấp loạt kiến nghị của đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, đã không có nổi một đồng bồi thường cho dân. Thay vào đó, ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng công thương và là người vẫn ung dung “đi công tác nước ngoài” trong thời gian các nhà máy thủy điện xả lũ lên đầu dân – đã hoàn toàn phủi bụi trách nhiệm của một ủy viên trung ương đảng.
Trách nhiệm ấy, nếu xảy ra ở những quốc gia phát triển và công tâm hơn nhiều chính thể Việt Nam, chắc chắn sẽ phải đối mặt với một bản án tù chứ không chỉ là hành động phải bồi thường vật chất cho các nạn nhân chịu nạn.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải?
Phát ngôn “dân phải sống chung với lũ” của một quan chức EVN càng cho thấy thái độ vô trách nhiệm vừa cá nhân vừa tập thể của EVN đã lên đến mức bất chấp dư luận và dã man đến thế nào. Như được một số cấp cao hơn hẳn và không loại trừ cả quan chức chính phủ “bảo kê”, EVN đang tự biến diễn thành một thứ giặc nội xâm, sau khi tập đoàn này vừa bị báo chí phanh phui hoạt động mua điện của ngoại xâm Trung Quốc suốt từ năm 2005 đến nay với giá cao gấp 3 lần mức giá bình thường trong nước.
Là doanh nghiệp con nợ đầu bảng ở Việt Nam với con số ít nhất 118.000 tỷ đồng, mới đây EVN đã hoan hỉ thông báo “lần đầu tiên đã có lãi sau 2 lần tăng giá điện”.
Nhưng sau hàng loạt vụ bê bối chấn động và hậu quả tang thương mà EVN gây ra, ngay cả một phó thủ tướng phụ trách ngành điện là ông Hoàng Trung Hải lại gần như “biến mất”.
Mùa mưa bão cuối năm 2014 sắp ập đến. Sau cơn bão Thần Sấm Rammasun, rất có thể Việt Nam sẽ là điểm đến của những cơn lốc tố ghê gớm khác. Rừng bị phá gần như cạn kiệt, cùng vài chục hồ thủy điện treo lơ lửng ngay trên sinh mệnh người dân vùng rốn lũ. Nhưng sau tất cả, đó là lối hành xử “sống chết mặc bay” của giới quan chức lãnh đạo EVN. Để từ đó, người dân càng nhìn rõ bản chất của giới lãnh đạo ở các cấp cao hơn.
Của cả một chế độ chính trị!
Sẽ còn nhiều cái chết của dân chúng bởi thói vô lương tâm của quan chức. Thế nhưng tại sao dân chúng lại không thể hay không muốn thét lên? Vì sao dân chúng lại không làm điều tối thiểu để lôi những quan chức vô đạo “giết sống” dân như thế ra trước Tòa án Xã hội?
Trường Sơn