VNTB – Mua phần nợ dân sự trong bản án hình sự

VNTB – Mua phần nợ dân sự trong bản án hình sự

Hà Nguyên

 

(VNTB) –  Một người đề nghị thay bị cáo trong việc khắc phục toàn bộ 2.500 tỉ đồng thiệt hại để đổi lại quyền sở hữu bất động sản đang bị kê biên trong vụ án này.

 

Tình tiết trên vừa xuất hiện trong phiên phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện.

Hội đồng xét xử cho biết quá trình giải quyết vụ án, một người tên Lê Viết An có đơn đề nghị thay bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khắc phục toàn bộ 2.500 tỉ đồng thiệt hại. Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Luyện đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông An.

Về việc này, hội đồng xét xử cho biết đã mời ông An làm việc. Qua làm việc, hội đồng xét xử giải thích nếu ông An có thiện chí giúp đỡ và muốn khắc phục hậu quả thay bị cáo Luyện thì tòa sẽ ra thông báo để ông An đến cơ quan thi hành án nộp tiền, tòa sẽ xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử lưu ý rằng không có quyền công nhận hợp đồng mua bán giữa Luyện và ông An. Đây là quan hệ dân sự, nằm ngoài phạm vi xét xử của vụ án này. Đồng thời, hội đồng xét xử cũng không thể hủy lệnh kê biên.

Tình tiết trên khiến không ít người liên tưởng đến vụ án Epco – Tăng Minh Phụng.

Hồ sơ phần dân sự của vụ án này rất đình đám, cả hai công ty Epco và Minh Phụng được tòa tuyên buộc phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 ngân hàng gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank, nay là Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án cũng rất lớn với trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự… khối tài sản này tòa án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng. Từ năm 2002, ông Nguyễn Tấn Dũng khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ được giao là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án vụ Epco – Minh Phụng.

Dư luận bấy giờ cho rằng toàn bộ tài sản to lớn của Minh Phụng và Epco bao gồm hệ thống các xưởng sản xuất may mặc, nhiều nhà cửa, khách sạn và đất đai bị nhà nước tịch biên, nếu được bán theo giá thị trường, ông Tăng Minh Phụng có khả năng hoàn trả các khoản nợ dễ dàng, và chỉ phải chịu hình phạt tù về gian lận tài chính, chứ không đến mức bị tử hình.

Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP.HCM, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá tòa án định khi xét xử vụ án Minh Phụng – Epco. Riêng đối với các lô đất mà Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức, theo quy hoạch của TP.HCM, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn. Do vậy, có ngân hàng được tòa án giao cho một số lô đất tại Thủ Đức, chưa cần phải triển khai xây dựng dự án, cũng không cần đầu tư hạ tầng, qua phiên đấu giá một lô thôi đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD, ngoài ra đơn vị này còn dư ra được số tiền và tài sản trị giá cả chục triệu USD.

Có nhiều rắc rối liên quan tới việc thi hành án. Nhiều tài sản bị định giá quá thấp gây thiệt hại cho bản thân các bị cáo. Kết quả định giá khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì “mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem Tràng Tiền”…

Giờ liệu có một phiên bản tương tự trong vụ án Công ty cổ phần địa ốc Alibaba? Tin rằng phải có cơ sở vững chắc về giá cả giao dịch nên mới có chuyện xuất hiện một nhân vật sẵn sàng mua lại toàn bộ số nợ dân sự cần phải thi hành trong một đề xuất ‘đổi chác’ như đã nêu ở phần đầu bài viết này.

Biết là có nộp hết phần tiền của án dân sự thì Luyện vẫn chịu án, nhưng sao không có cơ chế nào để “thi hành án” và chi trả nhanh hơn cho bị hại khi có người sẵn sàng bỏ tiền ra như vậy? Nạn nhân đỡ khổ mà các cơ quan tố tụng, thi hành án cũng bớt cực.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)