Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mười năm, một chặng đường

VNTB

 

(VNTB) – Mười năm, một chặng đường không quá dài cũng không quá ngắn. 

 

Quốc khánh Mỹ, chợt nhớ lại những câu chuyện của một thời xa xưa. 4 tháng 7, nhanh thật, thoáng cái, đã là 10 năm.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – một tổ chức quy tụ không những người từng làm báo mà còn là sân chơi của những người thích viết – được thành lập vào ngày 4.7.2014. Nơi đầu tiên mà tôi biết về Hội là phòng Công lý – Hoà bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Tài năng không có, năng lực không có, nghiệp vụ cũng không có, nên tôi chỉ khiêm nhường ở một góc ngoài sân, để ý từ cả hai phía trong phòng lẫn ngoài sân. Tôi nhớ khi ấy, lâu lâu có một anh thanh niên lại hỏi thăm phòng này, phòng nọ. 

Rồi thời gian dần trôi, nhanh như một cái chớp mắt. Hội kỷ niệm một năm thành lập ở Chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn (nay chùa cũng chỉ còn trong hoài niệm của Phật tử). Đây cũng là lần đầu tiên, có lẽ vậy, tôi được tiếp xúc với ông chủ tịch Hội – Phạm Chí Dũng. Dáng người mảnh khảnh, lần nào gặp cũng thấy ông bận áo sơ-mi, nghiêm nghị, mỗi khi có vấn đề gì đó là ông lại nhăn mặt suy nghĩ; nghĩ ra hướng giải quyết, ông luôn cười trước tiên. Đó là những gì ấn tượng về bề ngoài lần đầu tiên tôi gặp ông.

Buổi hội thảo của Hội được tổ chức tại chùa Liên Trì nhân đúng một năm Hội thành lập (4.2015). Nếu tôi nhớ không lầm, dẫn chương trình trong Hội thảo này là ông Nguyễn Thiện Nhân. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp Lê Hữu Minh Tuấn.

Sau này, tôi có dịp gặp ông chủ tịch thêm vài lần. Tính cách điềm đạm là một điều mà tôi rất thích ở ông. Tôi nhớ, có lần, tôi đang “bí” một vấn đề, ông có khuyên tôi, đừng suy nghĩ quá nhiều, thiền đi, rồi hãy nghĩ tiếp.

Tiếp xúc nhiều lần với ông chủ tịch Hội Phạm Chí Dũng, có thể thấy rất rõ cái quan điểm ôn hòa của ông. Những bài viết mang tính kích động đều được ông “tạm gác” và nói rõ lý do.

Nhắc đến Hội Nhà báo Độc lập, có lẽ, cũng không xa lạ gì những buổi cà phê (lớn có, nhỏ có) để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đó cũng là bài học cần thiết đến từ các nhà báo thực thụ (nhà báo có tay nghề, có thẻ hẳn hoi) cho thế hệ trẻ. Quan điểm của ông Dũng khi đó, tôi nhớ, là công khai, ôn hòa nên cũng không có gì phải sợ. 

Ngoài chủ tịch Phạm Chí Dũng, ngoài phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ (có gặp vài lần), phó chủ tịch Bùi Minh Quốc, dĩ nhiên là không nói đến Hội viên, còn lại, thật sự tôi không có bất kỳ ấn tượng với phó chủ tịch nào khác, kể cả khi Hội kỷ niệm 1 năm ở chùa Liên Trì. Với sự góp mặt của nhiều người từ Bắc vào, từ miền Tây lên, từ Tây Nguyên xuống. Phải chăng do bản thân “tài hèn sức mọn” không có dịp diện kiến để học hỏi hay do tư cách là quan sát viên, tôi đã nhìn không rõ?

Mười năm, một chặng đường không quá dài cũng không quá ngắn. Nhưng trong suốt 10 năm đó, quá nhiều sự thay đổi, quá nhiều sự biến đổi, con thuyền ra biển cũng sẽ có ngày gặp sóng gió.

Liệu rằng, trong tương lai báo chí Việt Nam sẽ không còn cảnh nhiều tờ báo nhưng chỉ có một ông “Tổng biên tập”? Liệu rằng Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam sẽ được chính thức công nhận?

Xem ra, câu trả lời vẫn là nên để thời gian trả lời…

 


 

Tin bài liên quan:

Không phải là VN đang dùng ‘khổ nhục kế’

Phan Thanh Hung

RFA – Hội nhà báo độc lập Việt Nam: Vững vàng trước mọi thử thách

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao lại bắt Lê Hữu Minh Tuấn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.