VNTB – Muốn làm ‘đày tớ’, trước tiên phải là đảng viên

VNTB – Muốn làm ‘đày tớ’, trước tiên phải là đảng viên

Thới Bình

(VNTB) – Ở Việt Nam, nếu muốn ai đó tận lực cống hiến tài trí cho bộ máy quản trị quốc gia, người ấy bắt buộc phải chấp nhận ‘vào đảng’ như thứ thủ tục hành chánh bất thành văn.

Quy định ‘bất thành văn’ kể trên có thể xem là một việc của ‘vi hiến’.

Nếu muốn làm ‘đày tớ’, trước tiên cần phải là đảng viên

Hiến pháp 2013, Điều 28, quy định như sau:

“1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Cụm từ hiến định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội”, có nghĩa là người dân không những chỉ có thể trở thành “quan chức” trong bộ máy công quyền, mà cũng có thể là “người đứng đầu” trong những tổ chức xã hội như Mặt trận tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Luật sư,…

Trên thực tế, không ai có thể tìm được bất kỳ một chủ tịch cấp phường, xã nào ở Việt Nam, trong phần lý lịch mục ‘trình độ chính trị’ lại không ghi là ‘đảng viên’. Điều bắt buộc này cứ y như là trong tầm am tường chính trị của công dân, chỉ mấy ai là đảng viên thì người ấy mới ‘đủ tầm chính trị’ để tham gia bộ máy công quyền, dù đó là chủ tịch cấp xã, phường.

Quyền công dân về chính trị không đồng nghĩa quyền tự do chính trị?

Chuyện vi hiến đó có thể dễ dàng biết rõ địa chỉ đã cố tình vi phạm Điều 14.1 của Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Một khi người dân có quyền về chính trị, thì họ toàn quyền quyết định có hay không gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là ‘Đảng’). Và nếu các quyền được nêu ở Điều 14.1 đó thật sự được “tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, thì ắt hẳn sẽ không có cái gọi là “một lần cơ cấu bằng phấn đấu cả đời”.

Lâu nay, người ta vẫn hay nghe đâu đó nói “một lần cơ cấu bằng phấn đấu cả đời”, hay biến tấu khác “mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu”. Hàm ý của những ví von ấy thường gắn với câu chuyện về nhân sự, con người cụ thể, may mắn “trúng cơ cấu” của Bộ Chính trị mà được thăng quan, tiến chức.

Quan sát, tìm hiểu phương hướng công tác nhân sự khóa trước và trao đổi với các địa chỉ am hiểu công tác tổ chức, cán bộ của Đảng khóa sắp tới đây, thì có thể hình dung cơ cấu Trung ương chính là xác định ở ngành, đơn vị, lĩnh vực nào cần có ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Toàn Đảng hiện có 67 đầu mối trực thuộc Trung ương, gồm các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy lớn. Cơ cấu chung là cần có ủy viên Trung ương làm người đứng đầu các cấp ủy. Một số đầu mối lớn có thể có nhiều ủy viên Trung ương, chẳng hạn để đứng đầu các bộ trong Chính phủ, hay để tham gia Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chưa kể, một số lĩnh vực về nhân sự lại được yêu cầu phải cần nhiều ủy viên Trung ương như quân đội, công an, ngoại giao… Một số địa bàn, lĩnh vực cần bố trí người đứng đầu phải là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, như Hà Nội, TP.HCM, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, rồi các ban Đảng ở Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện khối tư pháp. Một số chức danh là ủy viên Bộ Chính trị, như thường trực Ban Bí thư, thường trực Quốc hội, thường trực Chính phủ…

Đã tài giỏi và đức độ thì người đó cần phải là đảng viên!

Nôm na, nếu ai đó tài giỏi và đức độ đến đâu đi nữa, song lại từ chối vào Đảng, thì dứt khoát người ấy chỉ dừng lại ở mức có thể tham gia vào bộ máy công quyền, với công việc cao nhất là ‘trợ lý’ cho những vị trí từ bộ trưởng trở xuống.

Lý do, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII hồi thượng tuần tháng 10-2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông báo, “từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 9-2020, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, sau khi Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với tổng số 227 đồng chí.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho những người được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII”.

Con số ‘227 đồng chí’ đã qua các lớp bồi dưỡng như nêu trên, đó chính là các quan chức cho bộ máy nhà nước ở nhiệm kỳ mới. Điều này đã tái khẳng định mặc dù pháp luật Việt Nam không có quy định nào mang tính bắt buộc về tiêu chuẩn đảng viên, song để tham gia quản trị hành chánh quốc gia, bắt buộc phải là những đảng viên; và nếu ‘không được quy hoạch’, thì đảng viên ấy cũng sẽ không thể tiếp tục các chức vụ cáo hơn, cho dù người ấy tài giỏi đến đâu.

Các nội dung kể trên là một trong vô số bi kịch của người tài ở Việt Nam, khi họ sử dụng quyền tự do chính trị để khước từ là một đảng viên.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)