VNTB – Muốn lập quỹ từ thiện phải bỏ vào đó 6 tỷ rưỡi tiền Việt Nam

VNTB – Muốn lập quỹ từ thiện phải bỏ vào đó 6 tỷ rưỡi tiền Việt Nam

Hà Nguyên

(VNTB) – Nếu quỹ từ thiện có vốn góp của người nước ngoài – Việt kiều chẳng hạn, thì số bạc phải bỏ ra cho thủ tục lên tới tám tỷ bảy trăm triệu đồng.

Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).

Tương tự, đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ, phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau: Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).

Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.

Các nội dung liên quan đến những số tiền bạc tỷ cho chuyện thủ tục lập một quỹ từ thiện, nằm trong Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, “Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 25-11-2019, hiệu lực thi hành từ ngày 15-01-2020.

Việc quy định ‘vốn tối thiểu’ như trên cho một quỹ từ thiện, quỹ xã hội đang làm khó những người dân khi đứng ra kêu gọi xây dựng chương trình gây quỹ thiện nguyện nào đó.

Luật sư Khanh Huỳnh đang sống ở Mỹ, kể: Quyên tiền từ thiện là một việc thường xuyên trong xã hội phát triển. Mỗi ngày, những phần cơm từ thiện, những cửa hàng 0 đồng, những phần quà cho trẻ em vùng xa, chương trình “cơm có thịt” đều là từ thiện. Vậy thì cơ chế hoạt động của những việc này là gì? Và tại sao khi có thiên tai bão lũ thì người Việt Nam lại đem chuyện làm từ thiện ra bàn cãi rồi lại khen chê, trách móc những người nổi tiếng?

“Làm từ thiện thì cần phải có tổ chức. Ở Mỹ có các tổ chức phi lợi nhuận, họ được lập ra để làm một việc gì đó mà không nhằm đem lại lợi nhuận cho những người “góp vốn”. Một phần của các tổ chức này là làm việc từ thiện: Họ gây quỹ bằng cách kêu gọi cộng đồng đóng góp và đem tiền để mua những thứ cần thiết đem đến cho những người cần dùng.

Điểm chung của tất cả các tổ chức phi lợi nhuận là họ phải công khai tài chính hằng năm, trong đó có toàn bộ chi tiết những nguồn thu chi, mua cái gì và phát cho ai. Bảng thu chi đó được công khai và họ phải nộp bản kê khai đó cho cục thuế. Vì các tổ chức này được miễn thuế nhưng họ phải nộp bảng kê khai để cho cục thuế nắm rõ là các tổ chức này không có tư lợi cho ai cả.

Điều này chính là khung luật pháp cho phép người Mỹ có thể yên tâm khi góp tiền cứu trợ thiên tai hay cho bất kỳ mục tiêu từ thiện nào khác” – luật sư Khanh Huỳnh, nhận xét.

Vẫn theo luật sư Khanh Huỳnh, có vẻ như trở ngại lớn nhất của việc “lập một tổ chức từ thiện” ở Việt Nam là vốn: phải có 6,5 tỷ đồng mới lập được tổ chức từ thiện; và nếu có sự đóng góp của Việt kiều, thì số vốn ấy vọt lên tới 8,7 tỷ đồng. Đây là những con số quá lớn, và cũng không lý giải là vì sao đó phải là 6,5 tỷ đồng đối với vốn góp trong nước, còn nếu thêm yếu tố nước ngoài, thì phải là 8,7 tỷ đồng?

Luật sư Khanh Huỳnh nói rằng giả sử như quy định về lập quỹ từ thiện là chỉ cần một người đứng tên, không cần “vốn tối thiểu”, và giấy phép được cấp trong vòng 20 ngày, thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn.

“Ca sĩ Thủy Tiên có thể ngay lập tức lập Quỹ từ thiện Thủy Tiên rồi để đó, khi cần làm từ thiện thì dùng Facebook có tích xanh của cô kêu gọi quyên góp, sau đó dùng tiền quyên góp mua hàng chở ra nơi cần thiết. Tất nhiên là mọi thu chi sẽ được kiểm toán, hóa đơn công khai như những gì Thủy Tiên đã làm, và không ai phải lo lắng chuyện mấy đồng hảo tâm của mình nó đi đâu.

Điều đó cũng có nghĩa là một người như tôi có thể lập được một tổ chức từ thiện nhưng e là sẽ không ai thèm góp cho cái quỹ từ thiện của tôi, bởi không ai biết tôi là ai. Vì vậy, việc cho phép các cá nhân lập tổ chức từ thiện không gây ra nguy hiểm nhiều, bởi họ phải tự tạo dựng uy tín trước thì mới có thể kêu gọi quyên góp” – luật sư Khanh Huỳnh biện luận.

Quốc hội vừa khởi động kỳ họp mới, thay vì con mắt nhìn đâu cũng thấy tội phạm, mong các nhà làm luật sẽ sớm đặt nhiều niềm tin hơn vào những cơ chế tự vận hành của xã hội, vào những người dân lương thiện, chính trực và nhân ái của mình.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)