Diệp Chi
(VNTB) – Khi cái không khí bắt đầu có sự thay đổi, những hơi lạnh bắt đầu xuất hiện vào mùa Giáng sinh, cũng là lúc Sài Gòn bước vào những ngày chộn rộn mưu sinh chờ đón Tết.
Một năm trôi qua, buồn có vui có, với muôn vàn những cảm xúc lẫn lộn. Một năm với đầy rẫy những sự kiện: từ việc bất cập trong việc thổi ống kiểm tra nồng độ cồn, đến những quyển sách giáo khoa cho các em học sinh lớp 1, hay việc cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng đưa tài khoản để nắm giao dịch, số dư tài khoản của khách hàng…. Một năm với những khó khăn trong công cuộc mưu sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Nghe thấy là đã khó, huống chi là thực hiện. Và… “năm trước đã buôn bán khó khăn, năm nay còn khó khăn hơn nhiều”, “Ế lắm, măm nay buôn bán đồ thẳng là ế ẩm nhiều. Buôn bán không được luôn chứ ế ẩm gì”.
“Bán ế dữ lắm, có bữa không bán được gì luôn. Như lúc trước, còn có mạnh thường quân, họ cũng giúp đỡ mình, họ mua sách báo cũ cho vùng sâu vùng xa hoặc họ xây dựng một tủ sách dành cho thiếu nhi, người già. Giờ thì dịch Covid19 xảy ra, kéo dài, khiến ai cũng khó khăn, họ có muốn mua giúp mình cũng không được”, bà Thanh, một người mưu sinh bằng nghề bán sách cũ chia sẻ.
“Mấy năm trước mình bán được, còn mấy năm nay thì bán đâu có được đâu. Chú đi cả ngày lẫn đêm luôn mà bán có 200 tờ chứ mấy. Bán hồi hết, hồi không à. Họ ít mua hơn mấy năm. Mấy năm chú lên chú ngồi đây chú bán cứ một ngày vậy cũng được năm, sáu chục tờ mà nay đi bán không được một chục rưỡi, hai chục tờ mà. Nói nào ngay cuối năm thì bán được hơn bình thường, nhưng người vào đại lý lấy vé số đông quá, mình đi đứng khó khăn, không lấy được bao nhiêu tờ đi bán thì đã hết vé số”, một người già quê ở Phú Yên vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo trải lòng.
“Cái ngành của anh, trong thời gian xảy ra dịch thì chính quyền tạm đóng cửa. Sau đó, mình đi bán vé số, rồi cũng có thời gian vé số tạm nghỉ. Có nghĩa là nó ảnh hưởng khá nhiều chứ không phải là gọi là từ ảnh hưởng, mà là quá ảnh hưởng. Cái mùa dịch này, họ có thu nhập được gì đâu, thì đương nhiên nó phải chậm lại. Chậm hết tất cả các ngành”, ông Phước, một người mù đang mưu sinh bằng nghề bán vé số kể.
“Người nào không có thì mình không biết nhưng chính quyền có phát cho 1 triệu, gọi là hỗ trợ Covid-19, được một lần, sau đó thì không có gì nữa hết. Mình tìm cách đắp đổi qua ngày thôi. Có gì ăn đó. Như lúc trước, một tuần mình ăn thịt cá. Giờ thì mình bớt lại, ăn rau hoặc chiên cái trứng ăn đỡ qua ngày thôi. Chứ buôn bán thì khó khăn, mà đủ thứ chi phí như tiền phòng trọ, tiền sinh hoạt, tiền học…. Tính ra là đã ăn thâm vào khoản tiết kiệm để dành phòng thân rồi đấy”, bà Thanh chia sẻ tiếp.
“Nói chung là mong ước bây giờ là mong công việc nó sớm ổn định trở lại. Thì trước đây mình về đây mình đầu tư vô đó, cái rồi bắt đầu vướng cái mùa dịch nên không có khách. Mà ở đó giờ nó cũng hơi vắng. Cũng mơ ước được hỗ trợ một phần, chứ nhìn chung giờ mình cũng hết vốn rồi”, ông Phước nói.
Đời sống cũng như công việc mưu sinh của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là điều nhiều người nhìn thấy. Có thể nói, cái người dân cần ở đây là những chính sách hỗ trợ an sinh thật sự, chứ không phải là những lời tuyên bố hay những số liệu thống kê.
Nói như lời của một người dân đang sinh sống ở Sài Gòn, bởi, “dân có giàu thì nước mới mạnh”…