VNTB – Mỹ cam kết bảo vệ Philippines, Việt Nam sẽ hưởng lợi?

VNTB – Mỹ cam kết bảo vệ Philippines, Việt Nam sẽ hưởng lợi?

Thường Sơn

 

(VNTB) –  “Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào quân đội, tàu và máy bay công vụ của Philippines đều sẽ kích hoạt các cam kết của Mỹ trong hiệp ước phòng thủ chung” – Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken.

 

Theo Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951, Mỹ và Philippines cam kết mỗi nước có trách nhiệm bảo vệ nước còn lại trong trường hợp khu vực đô thị hoặc lãnh thổ trên Thái Bình Dương của nước đó bị lực lượng nước ngoài tấn công.

Delfin Lorenzana, cựu bộ trưởng quốc phòng Philippines, từng đề xuất điều chỉnh hiệp ước với cam kết cụ thể Mỹ phải can thiệp bảo vệ Philippines trong trường hợp xung đột xảy ra trên Biển Đông. Trong một cuộc điện đàm sau đó, ông Blinken cam kết với ngoại trưởng Philippines rằng Biển Đông nằm trong phạm vi áp dụng hiệp ước 1951.

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuân thủ các trách nhiệm của mình theo luật pháp quốc tế và dừng hành vi khiêu khích của mình”, Ngoại trưởng Blinken nói trong một tuyên bố nhân dịp đánh dấu 6 năm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này được công bố vào ngày 12-7-2016.

Quan hệ Mỹ – Philippines đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Rodrigo Duterte bắt đầu cải thiện. Ông Duterte từng dọa rút khỏi hiệp ước phòng thủ chung và từng yêu cầu nội các khởi động quá trình vô hiệu hóa Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA), cơ sở pháp lý cho phép quân đội Mỹ đồn trú và sử dụng một số căn cứ trên lãnh thổ Philippines.

VFA là cơ sở để Mỹ và Philippines ký Thỏa thuận Củng cố Hợp tác Quốc phòng (EDCA) năm 2014. Do hiến pháp Philippines cấm quân đội nước ngoài đồn trú lâu dài, thỏa thuận này là một cách “lách luật”, cho phép Mỹ triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ Philippines trong thời gian dài theo cơ chế luân phiên.

Tổng thống Marcos khẳng định Mỹ và Philippines có quan hệ đặc biệt, đồng thời lưu ý hiệp ước phòng thủ năm 1951 “vẫn tiếp tục phát triển”. Ông Marcos có thể muốn tiếp nối lập trường của người tiền nhiệm, tìm cách vận động Mỹ điều chỉnh thỏa thuận và gia tăng cam kết bảo vệ.

Philippines là điểm tựa của sự cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và ông Marcos phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc cân bằng mối quan hệ giữa hai cường quốc. Ông cũng phải đối mặt với áp lực trong nước trong việc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông mà không khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tức giận.

Trước đó, mối quan hệ Hoa Kỳ – Philippines đã bị lung lay bởi những tuyên bố ngả về Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, người nổi tiếng chống Hoa Kỳ với những luận điệu và đe dọa hạ cấp quan hệ quân sự giữa hai nước.

Philippines hồi tháng 7 cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc từng bám đuôi tàu tiếp tế của hải quân Philippines. Các tàu Philippines khi đó đang trên đường đến chiến hạm BRP Sierra Madre, tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết Trung Quốc thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như theo dõi nhiệm vụ tiếp tế cho Sierra Madre. Ba tàu hải cảnh Trung Quốc tháng 11-2021 chặn đường hai tàu tiếp tế Philippines đang di chuyển tới khu vực.

Một diễn biến liên quan hồi tháng 7-2022, ghi nhận tại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Philippines Marcos tại Manila, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng không nên để tranh chấp ảnh hưởng đến mối quan hệ mà ông cho là có “ý nghĩa lịch sử” giữa hai nước. “Hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc vượt xa những bất đồng trên biển”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương trong một thông cáo. “Không thể để những bất đồng định hình quan hệ giữa hai quốc gia, và không thể để những tranh chấp riêng lẻ can thiệp vào hợp tác giữa hai quốc gia”, ông Vương nói.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết hợp tác giữa hai nước sẽ được cải thiện, tạo ra một “kỷ nguyên vàng” mới cho quan hệ song phương.

“Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc cùng nhiều đồng minh Mỹ đi qua Biển Đông. Mỹ có trách nhiệm an ninh đối với các đồng minh khu vực và khó chấp nhận để cho vùng biển này bị Trung Quốc biến thành ‘ao nhà’. Tôi nghĩ rằng sau khi đảm bảo được VFA, Mỹ sẽ tìm cách mở rộng đáng kể 5 căn cứ mà họ đang sử dụng tại Philippines, vốn là nòng cốt cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.

Tất cả đều có lợi cho Việt Nam trước hiểm họa đe dọa trực tiếp lâu nay đến từ Trung Quốc trên Biển Đông” – một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, bình luận.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)