Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mỹ du ký: ấn tượng giao thông và thiên nhiên nước Mĩ

Tiêu Dao Bảo Cự

Trên một phương diện, đối với tôi, tình cảm bạn bè là ấn tượng mạnh nhất khi đến Mỹ, trên phương diện khác, đó là hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ.

Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ

Lần đầu được các bạn đưa từ sân bay San Fransisco về San Jose, tôi thật sự bị choáng ngợp. Ở trong nước đi xe quen với tốc độ tối đa là 60 – 70 km/g, bình thường 40 – 50 km/g, sang đây ra xa lộ, tốc độ trung bình cũng 60 miles (gần 100 km/g) , ngồi trên xe cứ lên ruột, thấy dễ tai nạn quá. Đã thế anh bạn lái xe còn cứ nói chuyện huyên thuyên, đôi khi còn nói điện thoại (dù bị cấm), chuyển lane, qua mặt, ra vào (exit – entrance) freeway nhanh như chớp. Phải khá lâu chúng tôi mới quen dần với tốc độ ở đây, cũng như thói quen thắt seat belt khi ngồi lên xe.

Chúng tôi đã đi xe hơi trên những freeway khá dài như đường 5 Nam – Bắc Cali, đường từ Dallas đến Houston ở Texas, từ Pittsburg (Pennsylvania) hay Charlotte (North Carolina) lên Washington D.C., từ D.C. ra sân bay Dulles, từ Denver, Colorado hướng về New Mexico…Thật ngạc nhiên trước những con đường hàng trăm mile thẳng như kẻ chỉ, thậm chí người lái xe không cần đảo tay lái trong cả giờ đồng hồ. Các freeway ít nhất có hai lane (cho mỗi chiều), có cái 4-5-6 lane, chưa kể hai lane sát lề trái và phải chỉ dành cho trường hợp phải dừng khẩn cấp. Có nơi như lúc qua cầu vào San Fransisco, ở trạm thu tiền, tôi đếm thấy có đến 16 lane. Vô số “biển báo giao thông” trên các tuyến đường, chưa quen nhìn hoa cả mắt và tưởng như rất khó chạy đúng đường lúc lái xe với tốc độ cao. Tuy nhiên khi đã quen, ngay tôi cũng cảm thấy việc lái xe không khó lắm. Các biển báo rất lớn, ngang đường trên cao hay bên lề cho người lái xe biết rất rõ từ xa 2 – 3 mile, được lặp lại khi đến gần ½, 1 mile, thậm chí vài trăm feet, cần chuyển làn nào, ra exit nào để đi đến đâu. Nhầm một exit phải đi rất xa mới quay lại được. Ở Virginia, tôi thấy các biển báo nhắc nhở cài seat belt theo kiểu có vần để dễ nhớ “Stick it or ticket”. Cũng ngộ!

Freeway đúng nghĩa không hề có đường giao cắt nên có thể chạy với tốc độ cao, những nơi đường giao cắt đều có cầu vượt. Cầu vượt vô số kể, có nơi hai ba tầng. Expressway cũng có thể chạy với tốc độ cao nhưng có giao lộ với đèn xanh đèn đỏ. Ở Mỹ có nhiều loại đường mà nhiều người ở Mỹ lâu cũng không phân biệt được rõ ràng tính chất của từng loại. Từ đường cụt ngắn nhất (court) đến way, road, street, drive, rồi avenue, boulevard, parkway, expressway, highway, spikeway…, lại có thêm có carpool lane dành cho xe chở 2 hay 3 người trở lên, bike lane dành riêng cho người đi xe đạp, trail là đường đi bộ trong công viên, trong rừng. Chưa kể lại còn đường dành cho người tàn tật đi xe lăn (không có bậc cấp) khi lên xuống lề đường, vào nhà, cho đến tận con đường đi vào rừng sâu ngắm cảnh ở National Park, Virginia mà chúng tôi đã có dịp thăm. Mô tô chỉ có loại phân khối lớn, chạy chung trên đường xe hơi. Họa hoằn lắm tôi mới thấy một vài người đi xe gắn máy nhỏ hay vespa trong thành phố. Loại xe này ra freeway sẽ bị các xe lớn tốc độ cao hút vào. Trong các khu dân cư nhiều đường nhỏ đều ghi rõ đường nào “no thru” tức là đường cụt, không thông qua được đường khác. Hèn gì đã có người định nghĩa “người Mỹ là loại động vật di chuyển bằng bốn bánh”.

Xa lộ đi đến Lake Tahoe

Chúng tôi đã được các bạn chở đi trên rất nhiều đường, tất cả các loại đường đều tráng nhựa láng. Sau 6 tháng đi qua không biết bao nhiêu ngàn dặm, chúng tôi chỉ gặp vài “ổ gà” trên con đường nhỏ ở một khu hẻo lánh . Người ta nói nếu lái xe gặp ổ gà bị hư hỏng hay tai nạn có quyền đòi nhà nước bồi thường. Đường vạch sơn phân cách hai lane ngược chiều (trường hợp đường hẹp không có con lươn hoặc dãi phân cách) hay đường vạch sát lề thường được làm răn reo để khi bánh xe chạm vào, rung lên phát ra tiếng động nhắc nhở người lái lơ đễnh hay đang ngủ gật. Các dãi phân cách đủ cao hay được trồng cây che chắn để người lái xe không bị chói mắt bởi đèn xe ngược chiều ban đêm. Quả thật người ta đã nghĩ đến mọi chi tiết để bảo đảm việc lái xe được an toàn. Những con đường vòng quanh núi như ở Berkeley Hills, Alum Rock ở San Jose hay trong rừng ở Lake Tahoe, Pittsburgh, có chỗ rất ít người đi cũng tráng nhựa phẳng lì và biển báo các loại đầy đủ. Người ta chỉ sửa chữa, tu bổ đường vào ban đêm, chặn từng lane để làm nên không hề gây cản trở lưu thông.

Một con đường dốc ngoằn ngoèo độc đáo, hai bên là vườn hoa cây cảnhở San Francisco.

Ở khu dân cư, các con đường rất yên tĩnh, thanh bình. Xe hơi đậu lềnh khênh ngoài đường và rất ít người đi bộ hay ra đứng chơi trước nhà (thường người ta chơi ở sân sau). Mọi nhà đều cửa đóng im ỉm. Thỉnh thoảng mới có người đi bộ tập thể dục hay xe đến lấy rác gây ra tiếng ồn trong chốc lát. Khúc đường ngắn nhất, chỉ có mấy nhà ở,  cũng phải đủ rộng để xe lấy rác, xe thư và xe chữa lửa ra vào.

 

Một góc đường ở khu dân cư.

Điều tôi đặc biệt chú ý và thích thú vì  nó mang lại tiện lợi cho người đi xe là các passing lane, vista pointrest areatrên đường. Thường ở các con đường hẹp, nhất là đường đèo, mỗi chiều chỉ có một lane, muốn vượt rất khó, nguy hiểm hoặc không thể được. Để giải quyết vấn đề này, thỉnh thoảng người ta lại mở rộng đường những nơi địa thế thuận lợi, thêm một lane nữa khoảng vài trăm feet để xe có thể vượt nhau khi có những xe lớn hay chạy chậm ngáng đường. Các passing lane này đều có biển báo trước và các xe chạy chậm thường tự ý nhường đường cho xe sau vượt qua. Vista point là điểm đậu xe ở những nơi có phong cảnh đẹp, tầm nhìn bao quát để khách có thể dừng xe nghỉ ngơi ngắm cảnh, chụp hình. (Ở Berkeley Hills, nơi nhìn được toàn thể vùng Vịnh phía trước có cầu Golden Gate và Bay Bridge còn được gọi văn vẻ là inspiration point, có lẽ vì ở gần trung tâm nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học). Rest area là trạm nghỉ chân trên các tuyến đường dài do nhà nước làm. Đây thường là những khu vực rộng rãi, cây cối mát mẻ, có thể đậu nhiều xe, có nhà vệ sinh, thùng rác, nhân viên phục vụ. Trạm của tư nhân thường kèm theo trạm xăng và cửa hàng bán thức ăn nhanh, hàng tạp hóa. Mac Donald và In & out là hai thương hiệu thường có mặt ở các trạm này.

 

Một vista point trên đường đi Half Moon Bay.

 

Việc “chấp hành luật lệ giao thông” cũng là điều đáng nói. Hầu như rất ít thấy bóng dáng cảnh sát giao thông trên đường, trừ thỉnh thoảng có vài xe tuần tra chớp đèn chạy trên freeway hay cảnh sát trực tiếp cầm máy bắn tốc độ (khá hiếm, tôi chỉ thấy một lần trên một con đường ở Virginia). Việc kiểm tra luật lệ được cảnh báo thực hiện bằng radar, camera hay máy bay trên cao, chưa kể còn có biển báo khuyến khích người lái xe trên đường báo cáo cho cảnh sát về những người lái xe khác có dấu hiệu say xỉn có thể gây tai nạn. Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ được cảnh báo sẽ bị phạt khoảng trên $300 trong khi xả rác phạt tới $1000. Có lẽ nhờ thế mà đường mới giữ được sạch sẽ.

Không thấy bóng dáng cảnh sát nhưng đừng xem thường, họ có thể lập tức xuất hiện bất cứ nơi nào, có người nói xuất hiện như ma hoặc các camera làm thay cho họ. Khi đã bị phạt thì khỏi năn nỉ và gặp rắc rối vô cùng, ngoài việc đóng tiền còn phải ra tòa, đi học luật, đi làm vệ sinh công cộng, tăng tiền bảo hiểm xe, thu bằng lái. Bị thu bằng lái xe ở Mỹ coi như què, khỏi đi làm việc. Cùng với việc trừng phạt nghiêm minh các vi phạm, có lẽ giáo dục và nếp sống xã hội đã làm cho người Mỹ thực hiện luật giao thông rất nghiêm chỉnh và tự giác. Tuy vậy cũng có người vi phạm, thường là chạy quá tốc độ trên freeway. Một anh bạn chở chúng tôi từ bắc về nam Cali, hơn 400 mile chỉ chạy mất 5 tiếng, kể cả nửa giờ nghỉ dọc đường. Ở Westminster, anh lạng lách “phóng nhanh vượt ẩu” suýt cho chúng tôi “hôn cột điện” và ở một freeway khác bị cảnh sát hú còi rượt theo phạt chạy quá tốc độ. Anh còn cố cãi là đang chạy theo flow cùng với các xe khác, chỉ chuyển lane, tại sao lại phạt. Viên cảnh sát “mặt sắt đen sì” cứ lập biên bản. Anh nói riêng với chúng tôi có lẽ nó thấy trên xe toàn dân châu Á, tưởng đi đánh bạc về nên phạt cho bõ ghét. Bực quá anh không lái xe được nữa, phải giao cho người khác lái. Theo tôi thấy anh bị phạt là đáng, còn kêu ca nỗi gì?!

Đêm khuya, nơi vắng vẻ, gặp đèn đỏ, dù không có xe nào khác trên các hướng, những người lái xe cũng kiên nhẫn đợi đèn xanh (có thể camera trên cao cũng đang chăm chú nhìn họ). Sắp đến giao lộ, có bảng Stop hay chữ Stop trên đường, bắt buộc xe phải dừng lại hoàn toàn, bốn bánh đứng im tại chỗ trước khi chạy tiếp. Trong các phố nhỏ, ngay những nơi không có tín hiệu đèn, khi người đi bộ qua đường mới bước xuống lòng đường hay chưa đi hết đường, người lái xe bắt buộc phải nhường và thường họ nhường một cách lịch sự, thậm chí vẫy tay mời  người đi bộ đi trước dù người kia còn đứng trên lề. Những điều này tôi thấy khắp mọi nơi khi được các bạn chở đi rong ruổi trên vô số nẻo đường của nước Mỹ.

Một nét văn minh khác thể hiện trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh. Các xe bus chở học sinh đi học khi ngừng lại, đưa bảng Stop ra là tất cả các xe đều phải ngừng để nhường đường cho học sinh đi qua. Ở Virginia, gần nhà một người bạn, buổi sáng và chiều vào giờ đi học và tan học, tôi thấy một người lái xe đến, mặc đồng phục đặc biệt, xuống xe đứng cầm tấm bảng Stop chặn xe, chỉ để cho một vài em học sinh băng ngang đường đến trường gần đó. Xong việc, ông ta lái xe đi.

Một điều đáng ngạc nhiên nữa là xe chạy trên đường nhiều vô kể nhưng lại hầu như không nghe tiếng còi xe. Người ta chỉ ấn còi khi nhắc nhở người trước lơ đãng không chịu chạy khi đã có đèn xanh hoặc bực mình vì thấy một người lái ẩu khi qua mặt hay chạy sai luật có thể gây tai nạn, điều hiếm khi xảy ra. Chả bù với ở trong nước lúc nào ra đường cũng nghe còi xe đinh tai nhức óc, nhất là xe tải bất ngờ bấm còi sát cạnh làm người đi xe gắn máy giật mình muốn rớt xuống xe.

Người lái xe hiện nay không rành đường, không muốn chú ý nhiều hay đi tới địa chỉ lạ, ở xa, có thể yên chí với máy định vị GPS. Xe đời mới, đắt tiền có máy gắn sẵn trên bảng trước mắt. Xe cũ có thể mua máy rời gắn vào. Chỉ cần gõ địa chỉ là được hướng dẫn (qua bản đồ hiển thị đường đi và lời nhắc nhở) đi đến nơi về đến chốn không sợ lạc. Một cái máy nhỏ gắn vào hiện nay chỉ khoảng trên dưới $100, có loại rất hiện đại, thêm nhiều chức năng so với loại máy cũ. Lái xe quá tốc độ cho phép trên đường sẽ có còi nhắc nhở, gần trường học cũng được báo hiệu để chú ý cẩn thận. Máy còn ước tính được thời gian đi mất bao lâu, hỏi người lái xe muốn đi nhanh hay chậm (nhanh thì ra freeway nhưng đường lại xa hơn), có muốn tránh đường phải nộp tiền “mãi lộ” không?… Thật là quá hiện đại!

Một chuyện vui mọi người thường nhắc đến liên quan đến xe cộ là chuyện cái gara. Ở Mỹ hầu như tất cả các nhà trong khu dân cư đều có gara. Cửa gara ngay mặt tiền nhà, rất lớn vì thường để đến 2, 3 chiếc xe trong khi cửa chính vào nhà lại nhỏ xíu bên cạnh hoặc nằm bên hông. Cửa gara được điều khiển đóng mở bằng remote gắn trên xe rất thuận tiện vì không cần xuống xe mở cửa, người ta cũng đưa xe được vào gara, đóng lại rồi mở cửa vào nhà bằng cửa phụ ở gara. Tiện lợi là thế nhưng gara lại không để xe (hoặc chỉ để một nửa) mà để đồ phế thải, đồ cũ, cả đồ mới mua hay được tặng nhiều quá không dùng tới. Nói tóm lại đó là nhà kho. Chiếc xe hơi đồ chơi nhỏ giá vài chục đồng để trong gara khi chiếc xe hơi thật giá vài chục ngàn đồng lại để quanh năm ngoài trời phơi mưa nắng. Quả là nghịch lý nhưng hầu như ai cũng làm thế. Thỉnh thoảng gara đầy quá, người ta lại mở garage sale, bầy ra sân bán đồ cũ cho người qua đường, vừa bán vừa cho. Đúng là điển hình của nếp sống tiêu thụ Mỹ!

Một cảnh garage sale

Nhìn hệ thống xa lộ, đường sá ở Mỹ đủ thấy sự giàu có hùng mạnh của nước Mỹ. Phải có một tiềm lực kinh tế ghê gớm mới xây dựng được cơ sở hạ tầng như thế. Nhiều xe cộ đương nhiên phải lệ thuộc xăng dầu. Thử tưởng tượng một ngày không có xăng dầu nước Mỹ sẽ đình trệ như thế nào khi hàng trăm triệu chiếc xe không lăn bánh. Chẳng trách các chính phủ Mỹ đều quan tâm và tìm cách chi phối các quốc gia có trữ lượng và sản xuất xăng dầu.

Trông người lại ngẫm đến ta. Tôi biết chỉ một bang California, diện tích còn lớn hơn cả nước Việt Nam, tiềm lực kinh tế lớn hơn nhiều cường quốc trên thế giới. Ước gì cả nước Việt Nam có được một xa lộ ra hồn như freeway số 5 (đường Nam – Bắc Cali qua Oregon, lên Washiongton State, đến tận nơi giáp giới Canada) nối liền hai đầu của đất nước. Chưa nói đến nhiều, chỉ cần một thôi nhưng đã hơn 30 năm sau chiến tranh vẫn không có được. Con đường gọi là “đại lộ Hồ Chí Minh” hay “đại lộ Trường Sơn” làm ra rồi nhưng không có bao nhiêu xe chạy, tại sao? Cái gọi là “xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa” năm xưa bây giờ có hàng vài chục đường giao cắt, đủ mọi loại xe đâm ngang đâm dọc, còn có thể gọi là xa lộ được nữa không? Xa lộ đúng nghĩa may ra chỉ có vài chục cây số đường dẫn vào Hà Nội từ mấy hướng, đoạn đường từ sân bay Liên Khương đến đèo Prenn, Đà lạt và đoạn đường từ Sài Gòn đi miền Tây vừa mới khánh thành. Chỉ thế thôi.

Những passing lane, vista point, rest areađâu phải khó làm và tốn kém lắm. Đó là dấu chỉ trình độ văn minh và tổ chức của một quốc gia thôi.

Người Mỹ và thiên nhiên

Đất nước Mỹ thật rộng lớn. Đi máy bay từ đông sang tây, hàng giờ liền bay qua rừng núi, sa mạc. Các thành phố Mỹ rất lớn nhưng chỉ có một số ít đại đô thị như New York, Chicago, Los Angeles, Houston…, còn phần lớn dàn trải ra nhiều trung tâm phụ chung quanh các khu phố chính gọi là downtown. Các city, đơn vị hành chính nhỏ nhất của Mỹ, có đủ mọi loại cơ sở hành chính, kinh tế, giáo dục, vui chơi giải trí…nằm liên kế nhau hay cách khoảng không xa là nơi tập trung dân cư. Tuy vậy nhìn từ trên cao, các thành phố nằm lọt giữa rừng núi mênh mông. Có lẽ vì cuộc sống đô thị gò bó, làm việc căng thẳng trong những căn phòng kín mít với máy điều hòa, nên người Mỹ rất thích ra ngoài thiên nhiên.

Nai sau vườn nhà một người bạnở Pittsburgh

Cuối tuần là dịp cho mọi người đi dã ngoại. Dễ nhất là đi xe đạp ra các công viên, rừng cây lân cận hay tổ chức cả gia đình đi picnic ở các công viên không xa lắm. Ở các park nhỏ của city thường có lối đi bộ, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, khu vui chơi cho trẻ em, nơi rộng hơn như các State park có lò nướng thịt, bàn ăn dã chiến (nhà nước trang bị sẵn, ai sử dụng cũng được). Mọi người tha hồ vui đùa trong khung cảnh thoáng đãng và không khí trong lành của thiên nhiên. Đối với các bạn trẻ hay các gia đình thích đi xa, họ tổ chức đi mô tô hay cả gia đình chuẩn bị mọi thứ cần thiết chất lên xe hơi đi đến các công viên lớn cách xa có thể vài giờ hay nửa ngày lái xe, ở lại cắm trại ngủ qua đêm. Nơi đây họ có thể đi bộ, tắm hồ, bơi thuyền, đi xe đạp, leo núi, trượt tuyết tùy theo mùa. Trên freeway, cuối tuần các xe hơi có buộc thêm vài chiếc xe đạp đằng sau hay kéo theo chiếc ca nô, mobile home là hình ảnh thường thấy. Các park quanh năm lúc nào cũng có người đến vui chơi nghỉ dưỡng.

 Chúng tôi cũng đã được một người con trong gia đình một người bạn đưa đi chơi ca nô ở hồ vùng Sonoma County, một cái hồ rất dài, quanh co, có nhiều nhánh chạy dọc theo thung lũng. Vô số ca nô lớn nhỏ được xe kéo đến nằm đầy bãi đậu xe chờ lượt xuống hồ. Muốn đưa ca nô xuống phải quay đầu xe, chạy giật lùi từ trên đầu dốc xuống mép nước. Nơi đây không có chỗ neo đậu thường xuyên cho ca nô nên người ta phải để ở nhà và lúc nào đi chơi mới kéo đến. Anh bạn trẻ có ca nô còn làm dịch vụ chở thuê cho người khác. Hôm đó có một phụ nữ Mỹ đưa hai con nhỏ đi chơi. Họ thay phiên nhau ngồi trên một chiếc xuồng nhỏ do ca nô kéo phía sau. Anh chàng lái ca nô tăng tốc dễ đến hơn 50 cây số/giờ, lượn qua lại và quay đầu nhanh như chớp, chúng tôi phải bám chặt vào sàn ca nô để khỏi văng xuống nước, lúc ngược gió chúng tôi không mở mắt nổi thế mà hai chú bé, có lẽ chưa đến 10 tuổi, ngồi trên xuồng phía sau quay tít như chong chóng vẫn không tỏ ra sợ hãi. Đúng là một bài học về sự can đảm.

 

 

Xe kéo ca nô đưa xuống hồ

 

Theo một số liệu thống kê chính thức, Mỹ có 271 công viên quốc gia (national park). Riêng bang California tôi được xem một danh sách công viên của bang (state park), không đánh số thứ tự, ước chừng hơn 200. Lại còn các công viên nhỏ của city ở các khu dân cư, có thể nói là vô sô kể. Tất cả các công viên đều được tổ chức rất khoa học, chu đáo, thuận tiện cho mọi người đến vui chơi giải trí. Nhiều công viên có lịch sử hàng trăm năm.

Yosemite là một trong những national park nổi tiếng, được thành lập bởi một đạo luật của Quốc Hội từ 1.10.1890. Công viên này mở cửa quanh năm, bao gồm 263 dặm đường có thể lái xe (road), 800 dặm đường đi bộ (hiking trail), độ cao từ 2000 feet đến 13.000 feet, có 2 trong 10 thác nước lớn nhất thế giới, mỗi năm đón khoảng 3,5 triệu khách. Với diện tích rộng lớn và địa hình đa dạng, Yosemite có đủ mọi loại hình cho khách vui chơi theo sở thích: ngắm cảnh chụp hình, đi bộ, leo núi, đi xe đạp, bơi lội, chèo thuyền, câu cá, trượt tuyết, cắm trại…Tuy giữa thiên nhiên nhưng công viên có đủ các tiện nghi phục vụ cho khách theo nhu cầu, sở thích và túi tiền như nhà vệ sinh, nơi đậu xe, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn, lều cắm trại, nơi mua sắm, nhà bảo tàng, thậm chí cả nhà thờ. Dĩ nhiên các công trình này được xây dựng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên chung quanh. Đây là một công viên kiểu mẫu mà tôi đã được các bạn đưa đến, tuy chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”. Nếu có thời gian, người ta có thể ở đây hàng tuần không chán hoặc lâu lâu lại đến.

Ngoài Yosemite, các bạn còn đưa chúng tôi đến một số công viên lớn rất đáng nhớ như Rocky Moutain Park ở Colorado, Great Fall  Park ở Virginia, khu du lịch Lake Tahoe ở bắc California, Alum Rock Park và Japanese Park ở San Jose, Armstrong Redwoods State Natural Reserve ở Sonoma County.

Một dòng suối ở công viên Yosemite

Từ Denver, Colorado phải lái xe mất gần 3 giờ mới đến khu Rocky Mountain Park. Đây là dẫy núi đá được coi là xương sống của bắc Mỹ. Đường chạy ngang qua nhiều rừng thông. Chúng tôi dừng lại ở một vista point bên hồ. Ở đây đã bắt đầu có những tảng đá lớn ven đường. Một loại cỏ sợi dài lơ thơ phơ phất trong gió trên dải đất viền quanh hồ làm cho mặt hồ thêm dịu dàng mặc dù ở đây gió bắt đầu thổi mạnh. Lên cao nữa, ở một vista point khác, gió mạnh hơn nữa. Ra khỏi xe mọi người phải mặc thêm áo khóac và hơi khó khăn khi chụp hình vì gió lồng lộng, tóc bay tung tóe. Đây là điểm cao của một sườn núi, phía dưới là vực sâu, nhìn ra xa các rặng núi nhấp nhô trùng điệp, thỉnh thoảng có dòng suối bạc đổ xuống như một đường trắng nổi bật trên mầu xanh cây rừng. Lên cao hơn nữa, đường đèo quanh co, gió cuồng loạn, không gian khoáng đạt. Núi tiếp núi. Núi cao còn có núi cao hơn. Trên đỉnh những ngọn cao nhất còn những đám tuyết trắng điểm xuyết mầu xanh đậm của rừng và mầu xanh lơ của bầu trời. Ra khỏi xe ở một vista point cao nhất, thấy mình đứng lồng lộng ngang trời, chung quanh trải dần ra xa là núi, là mây vờn, là tuyết trắng, gió ào ạt quật ngang dọc tơi bời. Con người thật nhỏ nhoi giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Một vista point trên cao lộng gió ở Rocky Mountain Park, Colorado.

Anh bạn nhà văn, cựu đại úy Nhảy Dù, khi mời chúng tôi lên đây chơi viết mail nói: Colorado sẽ làm anh nhớ Đà Lạt nhưng chỉ dám so sánh với Pleiku thôi chứ không dám so với Đà Lạt của anh đâu. Đúng là nói đùa. Colorado được coi là đại bình nguyên trên cao của nước Mỹ, về diện tích và sự hùng vĩ thật khó cao nguyên nào sánh bằng. Vòng quanh Rocky Mountain Park này con đường đèo quanh co có nơi đạt tới độ cao 12.183 feet, được coi là con đường cao nhất bắc Mỹ. Trong khu vực công viên này còn có 72 đỉnh cao hơn 12.000 feet, trong đó có đỉnh Long Peak cao đến 14.259 feet. Vì thế người Mỹ tự hào gọi công viên này là “the top of the world for everybody”. Con đường chạy quanh công viên này phải mất vài giờ lái xe. Khái niệm công viên ở đây thật khác xa với hình ảnh những khu đất trồng cây xanh nho nhỏ như ta vẫn hình dung.

Cũng ở Colorado, anh bạn còn chịu khó lái xe đưa chúng tôi đi đến nơi có cầu treo cao nhất thế giới có tên là Royal Gorge Bridge. Tuy là dân địa phương nhưng không nghiên cứu kỹ bản đồ, dù có máy định vị GPS, anh bạn lái xe lạc đường, phải chạy gần 4g mới tới nơi. Các freeway tiếp nối nhau, dài hun hút, băng qua những vùng bán sa mạc mênh mông trơ trụi, nhìn đằng trước chỉ thấy những rặng núi mờ xa phía chân trời. Tôi nghĩ thầm cầu treo phải bắc qua sông, qua suối, như vậy chắc phải chạy đến tận chân núi mới đến. Quả nhiên như vậy. Cuối cùng các rặng núi cũng gần hơn, gần hơn nữa và có một thành phố nhỏ dưới chân núi, Canon city. Từ đây lại đi tiếp qua rất nhiều dãy đồi, núi thấp, cây lưa thưa không có gì hấp dẫn. Đúng là nơi “sơn cùng thủy tận”, khỉ ho cò gáy. Ấy thế nhưng khi vào đến nơi mới thấy chuyến đi không uổng.

Đằng trước khu du lịch này xe cộ đậu dày đặc. Dân Mỹ quả thích đi chơi. Chiếc cầu treo cao nhất thế giới (world’s highest suspension bridge) cao 1053 feet, dài 1260 feet, rộng 18 feet (5 m) này xe hơi chạy qua được nhưng chỉ có thể bò chầm chậm vì nó đong đưa trong gió. Từ đầu cầu nhìn xuống đã lạnh người vì phía dưới là vực sâu hun hút với các hẻm núi hẹp, dòng sông Arkansas River quanh co ẩn hiện nhỏ xíu như một giải thắt lưng. Đi bộ qua cầu, người sợ độ cao hay yếu bóng vía không dám đi hay phải bám chặt vào lan can bằng dây của cầu vì cầu cứ đong đưa như chiếc võng trong những ngọn gió luồn qua hẻm núi kêu vù vù, thổi tung quần áo.

 

Cầu treo cao nhất thế giới Royal Gorge Bridge.

 

Người Mỹ rất biết cách khai thác thiên nhiên. “Ăn theo” chiếc cầu trao cao nhất thế giới này lại có thêm mấy thứ cũng “nhất thế giới” là  đường xe điện trên không (Aerial Tram) dài nhất thế giới (2.200 feet), xích đu (skycoaster) cao nhất thế giới (100 feet, nếu tính từ sông Arkansas River phía dưới cao đến 1.300 feet), đường xe lửa dốc (incline railway) nhất thế giới (45 độ), với chiều dài 1.550 feet. Đường xe lửa này chạy từ trên đồi cao ngoài xa, đâm xuống vực rồi chạy dọc theo bờ sông dưới hẻm núi.  Chưa kể chung quanh khu vực này còn có chỗ cắm trại, leo núi, cỡi ngựa, vườn thú hoang dã, lại còn có cả nhà hát, viện bảo tàng, tiệm ăn, đủ mọi thứ phục vụ cho khách du lịch từ xa đến lưu trú vài ngày.

Great Fall National Park ở Virginia lại có đặc điểm khác. Đây là khu rừng dọc theo con sông Potomac từ Washington D.C. ngược về phía thượng nguồn. Anh bạn nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo lái xe đưa chúng tôi qua cầu sang phía tả ngạn rồi ngược lên thượng nguồn, theo con đường có các biệt thự sang trọng nằm trong rừng của cư dân nhà giàu ở ngoại ô thủ đô . Đến khu trung tâm ở lối vào công viên, chúng tôi đậu xe lại và bắt đầu đi bộ. Cảnh gây ấn tượng đầu tiên lại là con sông đào dọc theo sông Potomac. Anh bạn giải thích, ngày trước khi chưa có phương tiện giao thông gì khác, muốn đưa hàng hóa từ DC lên vùng cao và ngược lại, người ta dùng thuyền. Nhưng sông ở thượng nguồn có nhiều ghềnh thác thuyền không đi được nên có người đã nghĩ ra việc đào một con sông nhỏ (bề ngang cũng hơn 5m) song song với sông Potomac. Thuyền đi trên sông này không phải chèo mà do ngựa chạy trên bộ hai bên kéo. Những nơi nào quá dốc, người ta phải xây dựng những âu thuyền, bơm nước đầy lên hay hạ xuống để đưa thuyền qua. Con sông đào hai bên có đường cho ngựa kéo thuyền – phương tiện giao thông độc đáo này không phải chỉ dài vài dặm mà đến mấy trăm dặm, làm tốn không biết bao nhiêu công sức tiền của, chỉ có người Mỹ mới dám có những ý tưởng và việc làm táo bạo như thế. Từ khi có đường xe lửa, con sông này không dùng tới nữa và con đường hai bên dành cho những người đi bộ hay đi xe đạp tập thể dục.

Âu thuyền trên con sông đào dọc sông Potomac.

Vẫn giữ cảnh thiên nhiên hoang sơ nhưng người ta xây dựng những chiếc cầu bắc qua nhiều con suối, ghềnh thác và những con đường nhỏ chạy sâu vào trong rừng cho đến tận con sông rộng lớn chia đôi hai bang Virginia và Maryland. Những chỗ dốc ở các trail này đều được xây dựng thuận lợi cho người tàn tật và tôi đã thấy một người đi xe lăn được đẩy vào tận cuối đường ngắm cảnh sông hùng vĩ cùng với chúng tôi. Những người tàn tật ở Mỹ được tôn trọng, chăm sóc và nhiều điều khoản liên quan đến việc phục vụ họ đã trở thành luật trong việc xây dựng nhà cửa, đường sá, chỗ đậu xe.

Ở California, từ Santa Rosa đến Armstrong Redwoods State Natural Reserve thuộc Sonoma County trong hệ thống State Parks của California không xa lắm, khoảng nửa giờ lái xe. Redwood là loại cây cao nhất và sống lâu năm nhất trong các loài thực vật  trên thế giới. Cây cao nhất đến 381 feet và cây sống lâu nhất khoảng 2000 năm tuổi. Những con số kinh khủng. Riêng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Armstrong Redwoods này  đã có cây được đặt tên Parson Jones Tree cao 310 feet và cây Colonel Armstrong Tree cao 308 feet già hơn 1400 năm. Từ chỗ đậu xe, chỉ hơn 10 phút đi bộ, chúng tôi đã có thể chiêm ngưỡng hai cây cổ thụ khổng lồ hùng vĩ này, thân không phải lớn lắm nhưng ngọn của nó lẫn trong ngọn các cây lân cận và mất hút trên trời xanh.

Cây redwood mang tên Colonel Armstrong Tree cao 308 feet già hơn 1400 năm.

Những nơi không phải là công viên mà là các khu du lịch như Lake Tahoe ở Cali hay Duluth bên hồ Superior ở Minnesota, thiên nhiên cũng được chăm sóc chu đáo để giữ gìn cảnh quan và nét hoang dã vốn có. Nhà cửa và các công trình xây dựng phục vụ du lịch, vui chơi giải trí không phá vỡ sự hài hòa của cảnh quan thiên nhiên. Người ta có thể làm nhà trong rừng nhưng chỉ được phép đốn hạ các cây trên diện tích xây dựng. Nhà ở Mỹ phần lớn làm bằng gỗ, một điều hầu như trái với sự tưởng tượng của những người lần đầu đến đây, nhưng không vì thế mà rừng bị tàn phá. Nhu cầu của con người và sự bền vững của thiên nhiên đã được giải quyết một cách thích đáng trên cơ sở khoa học kỹ thuật và tư duy lành mạnh của con người.

Người Mỹ không những bảo tồn thiên nhiên mà còn góp phần sáng tạo làm cho thiên nhiên đẹp hơn. Tôi rất có ấn tượng với các vườn thực vật và vườn hoa hồng ở một số nơi. Trong không gian rộng lớn của Huntington Library, and Art Collection, and Botanical  Garden ở Nam California người ta xây dựng hơn 10 khu vườn đặc trưng khác nhau: vườn Nhật Bản, Trung Quốc, Úc châu, nhiệt đới…, đặc biệt là vườn sa mạc, nơi có các cây gai xương  rồng đủ loại lạ lùng mà nghe nói phải dùng kỹ thuật đặc biệt để duy trì nhiệt độ cao phù hợp với các loại thực vật này. Các Rose Garden ở San Jose, Sacramento hay trong Huntington Library là cả một công trình tôn vinh sắc đẹp của hoa hồng với hàng ngàn gốc đủ màu, khi nở rộ có thể làm người ta choáng ngợp vì sự rực rỡ của nữ hoàng các loài hoa này. Không những chỉ giữ gìn thiên nhiên mà người Mỹ còn góp phần làm đẹp thêm thiên nhiên. Các botanical garden và rose garden là những ví dụ.

Vườn sa mạc trong Huntington Library, and Art Collection, and Botanical  Garden
ở Nam California

Càng đi nhiều công viên mới thấy lòng yêu thiên nhiên và ý thức, phương cách hữu hiệu để gìn giữ môi trường của người Mỹ. Ở đâu cũng được chăm chút đến từng gốc cây ngọn cỏ. Vô số bảng chỉ dẫn cho biết nên đi đâu, làm gì và những điều không nên làm. Có điều đôi khi tưởng như quá khe khắt như trong rừng mà chỉ được đi trên trail, không được bước xuống cỏ, không được lấy bất cứ thứ gì trong rừng ra, kể cả những cành khô. Có lẽ phải nghiêm nhặt như thế mới bảo vệ được rừng. Tình yêu và sự quý trọng thiên nhiên được hun đúc, giáo dục từ bé cho trẻ con qua nhiều phương tiện, trong đó có những chương trình và hoạt động đặc biệt dành cho thiếu nhi khi cha mẹ đưa con vào công viên. Các tình nguyện viên được huy động ở mọi lứa tuổi để góp phần gìn giữ bảo vệ rừng. Và có nguyên cả một bộ trong chính phủ để lo việc này là Bộ Nội vụ (US Department of the Interior) . Các công viên quốc gia được coi là nơi gìn giữ những gì là đặc trưng đích thực của nước Mỹ. Khẩu hiệu dành cho du khách ở các công viên là “Leave only footprints, take only memories”, không khác mấy với khẩu hiệu của hướng đạo sinh khi đi cắm trại.


Kỳ sau:
Mỹ du ký: chính trị và ẩm thực của người Việt trên đất Mỹ


Tin bài liên quan:

VNTB – Lại chuyện làm đường : nước mình và nước nhà người ta

Phan Thanh Hung

Thiên nhiên ưu đãi nhưng du lịch đuối sức (*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.