(VNTB) – Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong thời gian kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Trong thời điểm như thế này, VNTB trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài mang tên “Mỹ Du ký” của tác giả (nhà văn) Tiêu Dao Bảo Cự.
Vì là thể loại bút ký, nên hẳn nhiên, nó sẽ chứa đựng “thông tin đa dạng và nhận xét khá trung thực về nước Mỹ, người Mỹ và người Việt trên đất Mỹ.”
Nhà báo Bùi Minh Quốc cũng nhận định: “Tập bút ký sẽ là tư liệu hữu ích cho việc xây dựng phát triển quan hệ Việt – Mỹ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau và gắn bó giữa người Việt trong nước với bà con người Mỹ gốc Việt.”.
Tôi có chuyến đi Mỹ từ tháng 4 đến tháng 10/2009. Thời gian 6 tháng khá dài cho một chuyến du lịch nhưng lại quá ngắn cho việc tìm hiểu một đất nước. Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài và lại đến cường quốc số 1 thế giới, nơi có nhiều người Việt tị nạn nhất, nên có nhiều ấn tượng mạnh. Có những điều quá bình thường đến độ tầm thường đối với người sống ở Mỹ như một vista point hay một rest area trên đường nhưng đối với tôi lại rất nhiều ý nghĩa. Gặp gỡ những người Việt đã ở Mỹ trên 40 năm, trên 30 năm, những bạn bè chỉ biết nhau qua mạng, những sinh viên Việt thông minh tài giỏi nhưng nói tiếng Việt không sỏi hoặc những em bé Việt 3-5 tuổi chỉ nói được tiếng Mỹ là những sự kiện hoàn toàn mới mẻ. Do đó bút ký Mỹ du này có thể không có gì thật đặc sắc, nhất là đối với người sống ở Mỹ, nhưng thể hiện những gì nhìn thấy qua đôi mắt mở lớn để nhìn và thu nhận của người viết.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi cũng theo lời dạy của ông cha, cố gắng tìm hiểu, học hỏi cái hay cái đẹp trên xứ người là chính. Cũng có điều không hay, chưa đẹp nhưng tôi chỉ lướt qua vì không có điều kiện đi sâu tìm hiểu, trừ một vài việc có tầm quan trọng đặc biệt. Nhận ra, khâm phục cái hay cái đẹp của xứ người không phải là vọng ngoại mà chính là sự chân thực, khiêm tốn cần thiết để suy nghĩ về việc xây dựng đất nước mình.
Tôi là một người bất đồng chính kiến trong nước, qua Mỹ tiếp xúc với nhiều người, phần lớn là những người Việt tị nạn cộng sản, trong đó có những người hoạt động chính trị, với tình hình hiện nay, đó là một vấn đề người ta gọi là rất “nhạy cảm” và có thể phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó tuy đã gặp gỡ hàng trăm người, tôi rất ít nêu tên ai, trừ những người đã được nêu qua bài viết của những người khác trên mạng liên quan đến chuyến đi của tôi. Đây là một điều gây hạn chế cho việc viết bút ký. Có bạn đã khuyên tôi: “Hãy viết đúng sự thật, nếu không đừng viết.” Đó là một lời khuyên đúng và cũng là phương châm của tôi.
Để dung hòa, tôi chọn cách viết không phải thuần túy tự sự, tường thuật mà mang tính tổng hợp, khái quát và nhận định theo từng chủ đề, dù cách viết này ít mang phong cách bút ký thông thường. Có một số chủ đề quan trọng như về nền giáo dục Mỹ, báo chí của người Việt trên đất Mỹ nhưng tôi lại không đủ tư liệu và thời gian tìm hiểu.
….Ngày 5 tháng Tư 2009, tôi và vợ tôi đặt chân xuống phi trường San Francisco trên đất Mỹ. Việc này tôi không bao giờ nghĩ đến trước đây. Đúng là chuyện trên trời rơi xuống. Hay sau này tôi thường nói đùa với các bạn: Thánh nhân độ kẻ khù khờ. Hoặc một người bạn tôi nói: Đây cũng là chút an ủi nho nhỏ mà số mệnh dành cho chúng tôi. Và chuyến du hành nửa năm trên đất Mỹ đối với chúng tôi quả là một niềm vui, một điều gì hơn thế rất nhiều, mặc dù đối với quan niệm sống của chúng tôi, mọi việc đều là “sắc sắc – không không”, nhưng cũng là hệ lụy tất nhiên của luật nhân quả trong đó có tác nhân chủ động của chính mình, đồng thời cũng là số phận an bài, theo một cách hiểu nào đó về những gì nằm ngoài tầm nhận thức của con người
Tại sao tôi “được” đi Mỹ và đi như thế nào?
Khoảng đầu quý 4 năm 2008, một người bạn ở Mỹ, Nguyễn Khoa Thái Anh mail hỏi tôi: Anh có muốn đi Mỹ một chuyến không? Tôi trả lời, đi cũng tốt mà không đi cũng chẳng sao. Bởi gần cả đời tôi chưa hề có dịp ra khỏi đất nước và không có phương tiện gì để ra đi. Hơn nữa với những người mang danh “bất đồng chính kiến” như tôi càng khó có cơ hội để đi, trong khi ở thời kỳ này khối kẻ đi ra nước ngoài như đi chợ.
Ít lâu sau, Thái Anh mail tiếp cho tôi, nói một số bạn ở Mỹ đã đồng ý mời tôi đi, trong đó có nhiều người ở trong ban biên tập trang web Danchimviet.com như Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Ngọc Trang, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Hữu Liêm, trong số này tôi chỉ gặp Thái Anh đôi lần ở Việt Nam khi anh về nước thăm gia đình. Tôi yêu cầu các bạn nhân danh cá nhân để mời chứ không phải ban biên tập Danchimviet. Để dễ xin visa, các bạn sẽ nhờ Nguyễn Hữu Liêm lấy danh nghĩa giáo sư đại học của San Jose City College mời tôi, với tư cách một nhà văn bất đồng chính kiến, sang nói chuyện với sinh viên lớp anh dạy. Đó là một đề tài về chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến bài giảng về triết học khóa mùa xuân 2009. Sau đó tôi đã xác định lại chủ đề buổi nói chuyện của tôi với sinh viên là “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam, từ triết lý đến hiện thực: Sự lựa chọn dấn thân của một trí thức ở một đất nước trong và sau chiến tranh”.
Tiêu Dao Bảo Cự với sách của mình trong thư viện DR Martin Luther King,JR Library, San Jose. |
Tôi đề nghị các bạn mời cả vợ tôi cùng đi. Các bạn đồng ý nhưng chỉ lo được cho chúng tôi một vé máy bay, vé còn lại chúng tôi phải tự lo. Sau đó một người bạn khác của chúng tôi ở Mỹ đã giúp việc này. Việc ăn ở, đi lại bên Mỹ các bạn sẽ lo cho chúng tôi hoàn toàn. Ít lâu sau, khoảng tháng 10/2008, tôi nhận được giấy mời của Nguyễn Hữu Liêm. Có giấy mời rồi, tôi để đó không làm gì cả vì tôi nghĩ còn lâu mới đến ngày đi và tôi đang có mấy việc quan trọng của gia đình phải lo.
Sau Tết, chúng tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn để tìm hiểu chuyện đi Mỹ. Có hai việc cần thiết phải giải quyết : Xin visa vào Mỹ và thăm dò thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam.
Chúng tôi đến một công ty dịch vụ du lịch hỏi về thủ tục giấy tờ đi Mỹ. Họ nói sẽ giúp làm nhưng rất ít hi vọng vì theo kinh nghiệm của họ, lần đầu tiên cả hai vợ chồng cùng xin đi thì có đến 99% trường hợp bị từ chối. Chúng tôi nghe cũng hơi nản. Sau đó một người bạn khuyên tôi nên báo cho Tổng Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn về việc chúng tôi có giấy mời để thăm dò. Có lời khuyên này vì năm trước Tổng Lãnh sự Mỹ đã từng gặp tôi khi lên thăm “nhóm Dalat” để tìm hiểu quan điểm của chúng tôi đối với tình hình đất nước. Trong dịp này, ông đã cho chúng tôi địa chỉ email. Tôi theo lời khuyên này.
Thật bất ngờ, chỉ 15 phút sau khi gởi mail, Tổng Lãnh sự Mỹ cho người gọi điện thoại cho tôi ngay. Tòa Lãnh sự hứa sẽ cử người gặp chúng tôi để giúp làm thủ tục. Vậy là chỉ sau 3 ngày chúng tôi đã có visa trong tay, không qua phỏng vấn, không cần chứng minh tài sản. Visa của chúng tôi thuộc loại Multiple Entry, có thể vào ra nước Mỹ nhiều lần trong vòng một năm. Hình như từ trước ở đây ít ai xin visa nhanh và dễ dàng như thế.
Vậy là qua một cửa ải. Cửa ải thứ hai là công an của nhà nước Việt Nam và đây mới là việc phức tạp. Chúng tôi phải thăm dò trước vì chúng tôi biết dù đã có passport, visa, vé máy bay nhưng đến phi trường vẫn có thể bị chặn lại. Chúng tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh đó. Một người quen có mối quan hệ với công an đã làm giúp việc này và được người có thẩm quyền trả lời chuyện chúng tôi đi Mỹ không có gì trở ngại nhưng trước khi đi cần phải gặp họ.
Sau đó công an chủ động mời tôi gặp mặt hai lần. Họ gặp nói chuyện theo kiểu rất nhẹ nhàng, lịch sự như bạn bè gặp nhau trước khi đi xa. Họ nói kiểu “làm việc” đối với chúng tôi ngày trước là trong “thời kỳ quá độ” thôi. Ngày nay công an đã “tiến bộ” rất nhiều rồi. Tôi chẳng ngại và chẳng lạ gì cách làm việc của công an. Chúng tôi đã “làm việc” với họ cả trăm lần trong suốt hơn 10 năm qua, khi “lên bộ”, khi “xuống phường”, khi ở cơ quan, lúc ở quán café, lúc gay gắt, lúc nhẹ nhàng, tùy thời điểm, sự việc và mục đích của họ.
Hai lần gặp này công an đặt vấn đề: Họ có thể không cho chúng tôi đi dù chúng tôi đã có passport, visa vì Bộ Công an có quyền không cho nếu chúng tôi vi phạm điều gì đó. (Đúng như chúng tôi nghĩ, “vi phạm” có thể là chuyện hình sự, trốn thuế hay liên quan đến an ninh quốc gia…, muốn là có ngay, chẳng khó gì cả.) Tuy nhiên, nếu không cho đi, chúng tôi càng nổi tiếng và nhà nước lại mang tiếng là vi phạm nhân quyền. Vả lại chính sách của nhà nước bây giờ đã khác, thông thoáng hơn trước. Họ nói biết rõ chúng tôi chưa đi nhưng các hội đoàn chính trị ở ngoài đã sẵn sàng đón tiếp và mong chúng tôi khi qua Mỹ sẽ không làm gì, tuyên bố gì “có hại cho đất nước” và không bị lợi dụng hay gài bẫy. Họ còn nói thêm nếu chuyến đi của tôi không có vấn đề gì thì các bạn khác trong “nhóm Dalat” cũng có thể tiếp tục đi.
Chúng tôi đã suy nghĩ và tham khảo ý kiến của các bạn trong “nhóm Dalat” về vấn đề này trước khi gặp công an. Đúng là một chuyến đi rất phức tạp chứ không phải chuyến đi bình thường của mọi người. Đi để trở về chứ không phải đi luôn để tị nạn chính trị. Tôi nói với công an: Từ hơn 20 năm qua, chúng tôi đã là những người bất đồng chính kiến và nhà nước cũng công nhận như thế. Vậy thì dù ở trong nước hay ra nước ngoài, chúng tôi luôn giữ quan điểm độc lập của mình. Chúng tôi có thể gặp bất cứ ai, nói bất cứ chuyện gì nhưng mục đích của chúng tôi là đi thăm nước Mỹ và bạn bè nên chúng tôi sẽ không tiếp xúc với các tổ chức chính trị mà chỉ gặp gỡ mọi người với tính cách cá nhân và sẽ không công khai tuyên bố, trả lời phỏng vấn trên đài, báo. Những điều cần nói, chúng tôi đã nói trong các tác phẩm và hàng trăm bài viết của mình trên Internet. Chúng tôi đứng trong nước để nói chứ không đợi ra ngoài mới nói và dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ nói hay làm cái gì “có hại cho đất nước”.
Tôi hiểu chuyến đi này là một thử thách. Không khôn ngoan sẽ bị “đốt cháy”. Chưa biết phía nào đốt nhưng ai đốt thì nhà nước Việt Nam vẫn có lợi. Các bạn ở Đà Lạt cũng thấy hết khía cạnh khó khăn phức tạp, đóng góp nhiều ý kiến, ủng hộ việc tôi đi “tiền trạm” và chúc tôi “chân cứng đá mềm”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” chứ khó lường hết chuyện gì sẽ xảy ra. Vợ tôi đôi khi cũng cảm thấy nản không muốn đi nữa do thấy chuyến đi quá phức tạp và trong quá khứ chúng tôi đã quá đủ rắc rối rồi. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết và chỉ thực sự yên tâm, biết mình có thể thực sự ra đi khi máy bay đã cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất.
Qua đến Mỹ, khi gặp bạn bè, cùng những người mới quen biết, việc chúng tôi đi Mỹ trở thành một câu hỏi, dù họ nói ra hay không. Tôi hiểu từ lâu tôi được biết là một người bất đồng chính kiến, gặp nhiều khó khăn, bị quản chế, bao vây, cô lập, bây giờ tôi được đi ra nước ngoài, người ta sẽ đặt câu hỏi là do đâu: Chính sách của nhà nước cởi mở hơn? Tôi đã có thỏa thuận gì đó với nhà nước? Thậm chí tôi là “đối lập cuội” bây giờ đi thực hiện một nhiệm vụ nào đó của công an?… Câu hỏi này càng rõ rệt hơn thời gian sau đó khi tôi đã sang Mỹ, xảy ra vụ luật sư Lê Công Định và một số người khác bị bắt.
Tôi nghĩ việc mọi người đặt câu hỏi về chuyến đi của tôi là chuyện tự nhiên và tùy trường hợp, tôi đã trình bày, giải thích cho họ những gì đã xảy ra. Phản ứng của người nghe có khác nhau. Nhiều người mừng cho tôi đã có dịp đi ra nước ngoài sau bao nhiêu năm bị bao vây kềm kẹp. Có người cảnh giác tôi về những nguy hiểm mà tôi có thể gặp từ nhiều phía vì họ biết tôi từ trước vẫn là “người đi giữa hai lằn đạn”. Họ biết rõ thế nào là bị “đốt cháy” hay “vô hiệu hóa” trên đất Mỹ này qua rất nhiều trường hợp trong quá khứ. Rõ ràng trong việc tôi đi nhà nước hoàn toàn có lợi vì được tiếng tôn trọng nhân quyền, không gây khó khăn cho người bất đồng chính kiến. Nếu tôi bị nghi ngờ sẽ “mất tác dụng”. Còn tôi bị “đốt cháy” lại càng hay, đỡ đi một mối lo. Đây là những người yêu mến tôi và tôi biết cũng có những người hoài nghi, nhất là những người không có thiện cảm với tôi từ trước, thậm chí ác cảm, vì khác chính kiến (do tôi viết bài trên Internet và đã từng tranh luận với nhiều người về những vấn đề chính trị gai góc) dù tôi chưa hề gặp họ.
Dù sao tôi cũng chẳng bận tâm lắm về chuyện này vì tôi luôn nghĩ mình trong sáng, “thật vàng chẳng sợ gì lửa”. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên tắc đã xác định trước khi đi: Tôi có thể gặp bất cứ ai với tư cách cá nhân, trao đổi bất cứ vấn đề gì nhưng không tiếp xúc với các tổ chức chính trị, không trả lời phỏng vấn đài, báo, không “tuyên bố chính trị” rùm beng. Dù vậy, một thời gian không lâu sau tôi đã gặp “sự cố Berkeley” vì có người viết bài vu cáo tôi đi thực hiện nghị quyết 36 của nhà nước Việt Nam trong buổi gặp gỡ với Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại học Berkeley. Tôi đã viết bài trả lời, sau đó có thêm các bài của Nguyễn Khoa Thái Anh, một người trong cuộc và của Bùi Văn Phú, một người hoàn toàn khách quan không quen biết gì chúng tôi, cũng giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề. Tất cả tạo nên một đề tài “nóng” trên vài trang mạng một thời gian.
Tiêu Dao Bảo Cự với Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại Học UC Berkeley. |
Có phải đây là một vụ “đốt cháy” mà tôi đã từng được cảnh báo? Nhưng tôi không phải là loại “dễ cháy” và cũng dám tự hào thuộc loại “cây gỗ vuông chành chạnh” không dễ để cho ai muốn “lăn long lóc” thế nào cũng được. Vài ngày sau, tôi quên ngay chuyện đó và các bạn bè tử tế ở đây cũng khuyên tôi như vậy. Cái trò này ở hải ngoại chẳng mới mẻ gì, ngay giữa những người “hải ngoại chống cộng” với nhau. Có người nói đùa nón cối hiện nay ở trong nước khan hiếm vì đã xuất khẩu ra nước ngoài phần lớn. Vì thế ở đây người ta tha hồ “chụp nón cối” cho người khác. Có người yếu bóng vía cũng sợ. Có người quá nhạy cảm cũng mất ăn mất ngủ. Đây là một kiểu “chống cộng có lợi cho cộng sản” cần phải nghiên cứu để xem ai thực sự đứng đằng sau, vì ý đồ gì.
Mấy tháng sau, vào ngày10/7/2009, Mai Thái Lĩnh, bạn tôi trong “nhóm Dalat” bị chặn ở sân bay không cho xuất cảnh dù mới được cấp passport và có visa vào Mỹ, Canada. Lĩnh lập tức thông báo cho mọi người, viết bài tố cáo và đơn khiếu nại đưa lên mạng. Chúng tôi phân tích có lẽ do tình hình chuyển biến sau những vụ bắt bớ và vấn đề khai thác bauxite tây nguyên ngày càng nóng lên nên nhà nước thay đổi sách lược. Chuyện sách lược đối phó với những người bất đồng chính kiến, từng người, từng thời điểm nhằm mục đích răn đe, mua chuộc, gây chia rẽ…, ngay trong “nhóm Dalat”, chúng tôi chẳng lạ gì từ nhiều năm qua. Nếu chúng tôi đi chậm vào thời điểm này biết đâu cũng có thể gặp trường hợp như Lĩnh. Cũng may chúng tôi đã đi rồi nhưng chúng tôi cũng sắp trở về. Trở về e sẽ còn lắm chuyện. Dù sao tới đâu hay đó.
Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Tình cảm bè bạn.
Nhiều lần, qua những thời điểm khác nhau cho đến khi sắp trở về, các bạn tôi hỏi ấn tượng mạnh nhất của tôi khi sang Mỹ là gì, tôi vẫn trả lời có hai ấn tượng mạnh mà thứ nhất là tình cảm bè bạn.
Lần đầu đến sân bay San Fransisco, chúng tôi được nhiều người ra đón. Ngoài một số bạn trong nhóm mời chúng tôi sang Mỹ còn có gia đình của một người bạn cũ từ thuở nhỏ. Anh đưa cả gia đình 7 người gồm vợ, con, dâu, cháu cùng đi. Chúng tôi ôm nhau vui mừng và chuyện trò rôm rả cả nửa giờ ở sảnh chờ trước khi rời sân bay.
Hôm đầu tiên chúng tôi được đưa về nhà của Nguyễn Hữu Liêm là người đã gởi giấy mời chúng tôi sang Mỹ. Trước đây tôi chưa hề quen anh. Anh dành cho chúng tôi một phòng lớn nhất, đẹp nhất trong nhà mà anh gọi là “honeymoon suite” để chúng tôi hưởng “tuần trăng mật thứ hai” trên đất Mỹ và nói chúng tôi muốn ở đó bao lâu cũng được. Tuy nhiên hôm sau tôi đề nghị chuyển về nhà anh bạn cũ vì chúng tôi đã từng gặp, thân thiết với cả gia đình anh nên sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Đây sẽ là “hậu cứ vững chắc” để chúng tôi trở về nghỉ ngơi sau những chuyến đi đây đó.
Về những người gọi là bạn trên đất Mỹ, thực sự chúng tôi chỉ có vài người bạn cũ hay đã từng gặp đôi lần ở Việt Nam, nhưng sau mấy tháng, chúng tôi đã gặp và trở thành bạn có thể đến vài chục người, hay hơn nữa. Tất cả đều khởi đầu từ Internet. Đó là những người quen biết qua trao đổi email, qua đọc bài của nhau hay tranh luận với nhau trên mạng. Một vài người đã đọc sách và bài viết của tôi từ mươi năm trước coi chúng tôi như bạn “cố tri”. Không gian ảo đã tạo điều kiện cho chúng tôi trò chuyện, hiểu nhau, có thiện cảm với nhau mà không cần gặp gỡ. Chưa kể một số học trò và đồng nghiệp cũ xa cách từ rất lâu bởi cuộc chiến tang thương. Bây giờ chúng tôi đã sang Mỹ, mọi người đều mong muốn gặp mặt.
Chúng tôi cảm nhận chân tình nồng nhiệt của bạn bè từ những việc rất nhỏ mà họ đã chăm sóc cho chúng tôi đến việc chia sẻ tư tưởng, quan điểm về những vấn đề chung của đất nước.
Ngay ngày thứ hai đến Mỹ, các bạn đã lo chúng tôi hai cell phone để chúng tôi có thể tiện liên lạc với mọi người. Nhiều người tự động mua tặng hay cho chúng tôi mượn những thứ mà họ nghĩ chúng tôi sẽ cần, từ bàn chải, kem đánh răng (dù chúng tôi đã có, nhưng không “hại điện” bằng), đủ loại thuốc bổ (có lẽ vì thấy chúng tôi gầy quá), máy laptop, vali nhỏ xách tay (thật tiện lợi khi đi đây đó), máy ghi âm bỏ túi, đủ thứ sách báo, bản đồ, cả quần áo giày dép… Hầu như chúng tôi không thiếu thứ gì để có thể sống thoải mái trong thời gian ở đây.
Các bạn đã mua vé máy bay mời chúng tôi đến chỗ họ chơi, đưa đón ở sân bay, lo ăn ở chu đáo. Có người không ngại lái xe vài trăm mile để đón chúng tôi về nhà. Nhiều người nhà cửa rộng rãi dư phòng cho khách nhưng cũng có người nhà ít phòng, có con nhỏ, họ cũng sắp xếp nhường phòng cho chúng tôi. Trước khi tiễn khách, có người đã chuẩn bị thức ăn mang theo ăn đường vì lo chúng tôi không quen ăn đồ Mỹ trên máy bay hay xe lửa. Một lần, lúc chúng tôi sắp lên đường, có cô học trò cũ sáng sớm còn chạy ra chợ mua bánh mì và café nóng đem đến (vì cô nghe vợ tôi khen bánh mì Lee ngon và chúng tôi ở nhà bạn gần nhà của cô). Tôi nói đùa sao tử tế quá vậy. Cô trả lời bằng cách hát vui nhại một bài hát thời thượng “Hãy tốt với tôi bây giờ…”
Hôm chúng tôi đến Seattle, mấy bạn ở Canada đã rủ nhau “vượt biên giới” lái xe đi về mất gần 10 tiếng đồng hồ chỉ để gặp mặt trò chuyện với chúng tôi trong chốc lát. Ở đâu, các bạn cũng dành rất nhiều thời gian đưa chúng tôi đi xem các thắng cảnh trong vùng, có khi thời gian lái xe mất cả ngày trời, không chút nề hà. Các bạn quá hăng hái làm chúng tôi mệt phờ người như mấy hôm đi Las Vegas ở Nevada, Universal Studio ở Hollywood hay Trung tâm Không gian Lyndon B. Johnson Space Center của N.A.S.A. ở Houston, Texas, phải “chạy sô” liên tục để có thể xem được nhiều thứ, chụp được nhiều hình.
Mô hình cảnh máy bay rơi trong phim trường Universal Studio ở Hollywood |
Chúng tôi đã được các bạn đưa đi thăm viếng nhiều nơi ở 12 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Từ tây sang đông, chúng tôi cảm nhận cảnh sắc nước Mỹ qua hai mùa xuân – hạ và qua 3 múi giờ khác nhau. Đầu tiên là California, tiểu bang Vàng, dù chỉ là một vùng đất bán sa mạc, đồi núi trơ trụi, nhưng người Mỹ đã làm nên một vùng đất hứa, về sau lừng danh thế giới với kinh đô điện ảnh Hollywood, thung lũng điện tử Silicon, nơi tập trung đông đảo nhất người Việt tị nạn mà người ta có thể sống quanh năm không cần nói tiếng Mỹ. Chúng tôi cũng đã đi qua Nevada, một vùng sa mạc khô cằn nóng cháy nhưng với Las Vegas đã trở thành nơi vui chơi giải trí, cờ bạc mãi dâm công khai, hoạt động suốt ngày đêm, nổi tiếng nhất thế giới với những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc làm cho người ta thấy thế nào là sức mạnh của nước Mỹ. Cực Tây bắc là tiểu bang Washington giáp Canada gần như quanh năm mưa phùn thổn thức nên cây cối xanh tươi, với thành phố cảng Seattle nổi tiếng được mệnh danh là thành phố Ngọc Bích, càng nổi tiếng hơn với bộ phim tình cảm lãng mạn “Đêm trắng ở Seattle” với hai tài tử lừng danh Tom Hanks và Meg Ryan mà khán giả Việt Nam cũng đã từng xem.
Thung lũng hoa vàng ở Bắc California |
Phần giữa nước Mỹ, ở cực nam, chúng tôi đã thăm viếng bang Texas, không còn bóng dáng những chú chăn bò phi ngựa bắn súng năm xưa nhưng vẫn còn nhiều người thích đội mũ cao bồi, dừng chân ở Dallas rồi đến Houston, thành phố lớn thứ ba nước Mỹ với Trung tâm nghiên cứu không gian N.A.S.A., cái tên mà mới nghe mọi người đã kính nể vì những công trình khoa học không gian mang tầm vóc thế kỷ. Cao hơn về phía bắc, chúng tôi đi vào đại bình nguyên Colorado, một mặt bằng mênh mông ở độ cao hơn 3000 feet với công viên đá đỏ Red Rock Park nơi người ta xây dựng một nhà hát ngoài trời độc đáo trên sườn núi và công viên quốc gia Rocky Mountain Park có xa lộ ở độ cao trên dưới 10.000 feet. Cao hơn nữa về phía cực bắc là tiểu bang Minnesota nổi tiếng lạnh giá nhưng mùa này vẫn còn ấm áp, nơi có vẻ “nhà quê” nhưng lại tự hào có Mall of America lớn nhất nước Mỹ mà phụ nữ mơ ước ít nhất trong đời được một lần đến mua sắm. Lại còn hệ thống skyway độc đáo nối liền các khu phố ở Minneapolis bằng đường trên không có kính che để có thể đi lại trong thời tiết băng giá.
Ở miền Đông, từ phía nam, chúng tôi đã đến South và North Carolina, nơi có nhiều lưu vết của dân đào vàng, những cuộc chiến tranh giành độc lập thời kỳ lập quốc và cuộc nội chiến. Hai lần chúng tôi đến Washington D.C. và hai tiểu bang Virginia, Maryland, vùng có nhà cửa cổ kính, cây cối xanh tươi bao quanh thủ đô. Ở đây các bạn đã đưa chúng tôi vào thăm bên trong Tòa Bạch Ốc và Tòa nhà Quốc Hội, trung tâm quyền lực của nước Mỹ và vô số nhà bảo tàng, đài tưởng niệm không sao đi hết trong thời gian một vài tuần. Từ đây chúng tôi còn được đưa đi New York để chiêm ngưỡng thành phố lớn nhất nước Mỹ, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chánh với những tòa nhà cao tầng che hết ánh sáng mặt trời, nơi có Tòa nhà Liên Hiệp Quốc và tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng, cũng là thành phố ồn ào náo nhiệt nhất với tiếng còi hụ của xe cảnh sát, xe cứu thương liên hồi và những chiếc taxi vàng chạy bạt mạng, lạng lách không thua gì ở Sài Gòn. Chúng tôi còn được bạn đón về Pittsburg, bang Pennsylvania, nơi vàng son của kỹ nghệ sắt thép đã lụi tàn nhưng nay lại nổi danh với những trường đại học và các trung tâm y tế có tầm cỡ thế giới.
Pittsburgh, “City of Bridges” có 446 chiếc cầu. |
Chúng tôi đã được các bạn tận tình đưa đến những nơi danh lam thắng cảnh, các cơ sở văn hóa, dự các sinh hoạt đặc thù trên đất Mỹ.
Khu nghỉ mát tuyệt vời Lake Tahoe ở Bắc Cali với đủ thú vui trượt tuyết, bơi thuyền, câu cá, cắm trại, leo núi… (Thái Anh đã kỳ công tổ chức cho chúng tôi một chuyến đi chung với chị Trần Khánh Tuyết ở Berkeley, nhà văn Hoàng Khởi Phong từ Nam Cali lên, đạo diễn Trần Văn Thủy từ Việt Nam sang. Chúng tôi đã lần đầu được hưởng thú ngủ trong một nhà nghỉ giữa rừng khi bên ngoài vẫn còn ít tuyết chưa tan và đốt lò sưởi trò chuyện thâu đêm với thân tình chia sẻ giữa những người có quá khứ hoàn toàn khác nhau).
Cùng với Hoàng Khởi Phong, Trần Văn Thủy trên rừng núi Lake Tahoe |
Japanese Park, công viên lâu đời của người Nhật ngay trong thành phố San Jose với những cây cao lớn cũng cắt xén theo kiểu bonsai và dưới các hồ dày đặc những con cá lớn mang giống từ Nhật sang. Cầu Golden Gate và những con phố dốc hơn 45 độ ngoằn ngoèo nổi tiếng ở San Francisco. The Huntington library, Art Collections, and Botanical Garden với hàng chục khu vườn đặc trưng của Trung Quốc, Nhật Bản, Úc châu, miền nhiệt đới, sa mạc, vườn hồng, hồ hoa súng… Yosemite National Park, nơi tự hào là một trong một trong 100 địa điểm trên thế giới mà mọi người nên đến trước khi chết. Armstrong Redwoods State Natural Reserve với những cây redwood trên 1300 năm tuổi. Red Rocks Amphitheatre, nhà hát lộ thiên độc đáo làm trên sườn núi đá đỏ gần Denver. Khu hải cảng Harbor District ở Half Moon Bay, San Mateo County với các tàu đánh cá đậu dày đặc, nơi bán sò cua tươi sống và đặc biệt trên tường các restroom có phù điêu nghêu sò ốc hến. Các bể cá lộng lẫy ở Monterey Bay Aquarium và khu vực Pebble Beach and Monte Forest của dân nhà giàu gần đó với con đường 17-Mile Drive nổi tiếng, lái xe vào phải trả tiền để ngắm nhà đẹp của thiên hạ. Hồ Superior lớn nhất trong Ngũ đại hồ nhìn ra mênh mông như biển, giáp giới Canada, bên cạnh thành phố du lịch Duluth. Đại lộ Sunset Boulevard, nơi khắc tên các ngôi sao nổi tiếng Hollywood trên lề đường và những người ăn mặc hóa trang theo các tài tử trong những bộ phim thời thượng nhảy nhót làm trò cho du khách để lấy tiền khi có người muốn chụp hình chung. . Học viện Không Lực Hoa Kỳ USAF Academy ở Denver ở Denver, nơi đào tạo phi công, vẫn còn trưng bày chiếc máy bay B52 từng tham chiến ở Việt Nam. Hai thung lũng Napa và Sonoma ở bắc Cali, nơi trồng nho và sản xuất rượu vang nổi tiếng của Mỹ, trong hai năm có cuộc thi vang quốc tế, vượt qua cả rượu vang Pháp, trở thành rượu vang ngon nhất thế giới. Các công ty sản xuất rượu vang ở đây đều có phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm và cho khách nếm miễn phí. (Hôm bạn đưa chúng tôi ghé vào một cửa hàng ở Napa, người phụ trách bảo do suy thoái kinh tế nên muốn nếm rượu mỗi người phải trả 5 đô la, nhưng sau khi nghe bạn giới thiệu (xạo) chúng tôi từ một vùng trồng nho của Việt Nam qua nghiên cứu rượu vang Mỹ, ông ta bèn cho miễn phí, lại còn “đặc cách” chụp hình chung.)
Hệ thống nhà bảo tàng đa dạng The Smithsonian Museums về lịch sử tự nhiên, lịch sử nước Mỹ, hàng không và không gian, người da đỏ…trong những tòa nhà nhiều tầng mênh mông được xây dựng hai bên khu vực gọi là The Mall của thủ đô, với vô số hiện vật, nếu xem cẩn thận có thể cả tháng cũng đi không hết. Richard Nixon Library and Birthplace Foundation ở Nam Cali không quên trưng bày tư liệu về vụ Watergate tai tiếng. The Charlotte Museum of History đang trưng bày hiện vật của những chiếc tàu đắm. Khu bảo tàng Sutter’s Fort phục chế toàn bộ doanh trại, nhà ở, vật dụng sinh hoạt của những người khai sáng ra vùng Sacramento, thủ phủ của bang California ngày nay. Khu bảo tồn Kings Mountain có sa bàn, vũ khí và chiếu phim tái hiện trận đánh quân Anh giành độc lập năm 1780. Đặc biệt là bảo tàng mới xây dựng về báo chí Newseum trưng bày tư liệu của 5 thế kỷ báo chí trong 6 tầng lầu của một tòa nhà trên một đại lộ chính của thủ đô, có thể đọc trang đầu hàng ngày qua bảng điện tử của gần 100 tờ báo lớn trên thế giới. The Billy Graham Library, nhà bảo tàng của mục sư lừng danh – hiện vẫn còn sống, bằng những kỹ thuật công nghệ hiện đại nhất…
Các đài tưởng niệm nổi tiếng ở Washington D.C. chung quanh khu vực gọi là National Mall and Memory Parks như đài tưởng niệm các tổng thống Washington, Lincohn, Jefferson, các đài tưởng niệm thế chiến thứ II, chiến tranh Triều Tiên, đặc biệt là bức tường đá đen độc đáo, thấp xuống dưới mặt đất, ghi tên 58.000 lính Mỹ hi sinh trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi đến thăm Vietnam Veterans Memorial tình cờ đúng vào ngày lễ Memory Day nên có đông đảo cựu binh và gia đình các chiến sĩ trận vong mang hoa, cờ đến viếng. Nhiều nơi khác mà chúng tôi đi qua cũng có đài tưởng niệm của các lính Mỹ ở địa phương đó hi sinh trong chiến tranh VN, nổi bật là đài tưởng niệm của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bên cạnh nghĩa trang quốc gia Arlington.
Đài tưởng niệm bức tường đá đen ghi tên 58.000 lính Mỹhi sinh trong chiến tranh Việt Nam vào ngày lễ Memory Day. |
Chúng tôi cũng được đi thăm các nhà thờ, thánh tích Thiên Chúa giáo như National Shrine Grotto of Lourdes, nơi hành hương nổi tiếng, Mother Cabrini Shrine trên đỉnh đồi lộng gió ( hai nơi này có nước thánh cho tín đồ uống tại chỗ và mang về), The Cathedral of St John the Divine, nhà thờ lớn nhất thế giới, Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception với cách kiến trúc đặc trưng của Mỹ, rất lớn nhưng không hề có cột; một số chùa của người Việt như chùa Đạo Quang, tu viện Kim Sơn, chùa Vạn Hạnh trong rừng, một chùa đặc biệt của người Tàu, chùa Vạn Phật với 10.000 bức tượng (Ten thousand Buddhas). Còn đi thăm cả vài nghĩa trang như Oak Hills ở San Jose, Resurrection Cemetery ở Minnesota, diện tích như một thành phố nhỏ, với các đường xe hơi có đặt tên, là nơi yên nghỉ của người thuộc nhiều quốc tịch, nhiều tôn giáo với những bia mộ đơn sơ trong khung cảnh thanh bình tĩnh lặng đầy cây và hoa không khác gì công viên.
Dĩ nhiên các bạn cũng đưa chúng tôi đi thăm các cơ sở văn hóa giáo dục, thư viện và các nhà sách Việt, Mỹ. Thư viện DR Martin Luther King, JR Library của thành phố San Jose khá lớn, với 6 tầng lầu, trang bị hiện đại, có khu sách tiếng Việt. Tôi rất vui khi thấy 4 cuốn sách của mình và một cuốn sách của Hà Sĩ Phu có mặt trên kệ và hình như cũng đã có khá nhiều người mượn đọc do dấu vết lật sách và những ghi chú, gạch dưới trong sách. Ngoài hai trường San Jose City College va U.C. Berkeley mà tôi đã vào bên trong để nói chuyện với sinh viên, các bạn còn đưa chúng tôi đi xem cơ sở của một số trường đại học, trong đó có những trường nổi tiếng ở Mỹ, lúc này sinh viên đang nghỉ hè, như Stanford ở Cali, Georgetown ở D.C., Columbia ở New York, Pittsburgh… Trường nào cũng chiếm một không gian rộng lớn, dù ở trong thành phố hay ngoại ô, với cơ sở giảng dạy, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ở cho sinh viên, khu ăn uống mua sắm, bệnh viện, nơi chơi thể thao… Một vài trường có kiến trúc cổ và phong cách tôn giáo.
Một số cơ sở và sinh hoạt đặc biệt, đối với chúng tôi rất cần thiết để hiểu về cuộc sống của người Mỹ, nhất là người Việt tại Mỹ: Nơi nuôi cá hồi ở sông American River bằng cách ngăn đập, dẫn cá cho “vượt vũ môn” để bắt cá lấy trứng, cho thụ tinh, nuôi cá con lớn lên thả xuống biển, một cách bảo vệ môi trường công phu và độc đáo. Lễ tốt nghiệp của trường tiểu học nhỏ Curtner School nhưng có học sinh của hơn 30 quốc tịch gốc khác nhau. Đêm trình diễn vở kịch Gió mùa (Monsoon) rất công phu của Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại Học UC Berkeley, kỷ niệm 30 năm thành lập hội mà diễn viên chỉ nói tiếng Mỹ, thỉnh thoảng mới xen vào vài câu tiếng Việt với giọng lơ lớ. Buổi biểu diễn nghệ thuật Recital 2009 kỷ niệm 30 năm thành lập của trường múa Jensen School for the Performing Arts. Đêm trình diễn của đoàn Cirque du Soleil với chủ đề The Beatles Love (trên nền nhạc Beatles) với trình độ nghệ thuật và kỹ thuật đỉnh cao thế giới ở The Mirage, casino and resort của Las Vegas.
Hội chợ nông nghiệp hàng năm của một hạt, 61th Montegomery County Agricultural Fair với các cuộc thi vịt, dê, cừu, cỡi ngựa và đủ loại trò chơi. Hội chợ hàng năm State Fair của tiểu bang Minnesota chiếm cả mấy dãy phố với người tham dự đông như kiến. Buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ Mùa Thu Cho Em lần thứ 15 của Hội Thiện Nguyện VNHelp với các ca sĩ Khánh Ly, Đức Huy, Tuyết Minh và Đức Tuấn từ trong nước ra mà người nghe đã vỗ nhịp và hát theo bài “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát. Một buổi lễ mở đầu tuần Vu Lan ở một ngôi chùa trong rừng bang Maryland. Một đêm cầu nguyện có trình diễn guitar classique nơi một thánh thất Tin Lành Baptist. Một buổi thiền tập thể của môn phái Yoga Ananda Marga trong một thiền đường ở lưng chừng núi thành phố Los Altos Hills với chỉ chừng 20 người dự nhưng có đến gần 10 quốc tịch. Cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lăng trước tòa đại sứ Trung quốc ở thủ đô Washington. Cuộc biểu tình của những người ủng hộ tổ chức Tamils ở Sri Lanka trước Tòa Nhà Trắng kêu gọi tổng thống Obama giúp đỡ. Một chuyến đi tour bằng xe bus để “tham quan” nhà máy xử lý nước thải Water Pollution Control Plant của thành phố San Jose và hạt Santa Clara để giúp người dân tận mắt trông thấy việc làm của nhà máy để hiểu thêm về việc gìn giữ môi trường và góp ý cho nhà máy trong việc phát triển.
Xem nhà máy xử lý nước thải Water Pollution Control Plant |
Một buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc và thủy triều lên ở bờ biển Dillon Beach, California xem người ta (phần lớn là người Việt) đi bắt “vòi voi”, một loại ốc lớn có đầu như vòi voi (thực ra giống “của quý” của đàn ông hơn), được quảng cáo là thứ thực phẩm bổ dưỡng “ông ăn bà khen”. Người bắt phải đào cát trong cái ống sâu từ nửa đến 1 mét, chúi xuống ngập trong nước để lôi ra cái vòi voi. Không dễ gì có những cơ hội như thế.
Bắt “vòi voi” ở bờ biển Dillon Beach, California. |
Chúng tôi có may mắn được ở lại trong nhà khoảng 20 người Việt, mỗi nơi vài ba ngày, chưa kể thăm viếng nhà một số người khác, để có thể hiểu thêm về cách sinh hoạt gia đình của người Việt. Đủ loại nhà. Người ở nhà thuê, người ở trong một căn nhà đến 3-40 năm với trang thiết bị cũ kỹ, người ở nhà mới xây dựng trang bị hiện đại, có nhà trị giá đến 4 triệu đô bên hồ với du thuyền sang trọng. Nhà trong phố, nhà biệt thự, nhà bên hồ, nhà trong rừng, nhà trên núi (Nghe nói ở Mỹ nhà càng lên vùng cao, trên núi càng đắt tiền dù lái xe đi về khá nguy hiểm vì có những đoạn đường rất dốc, không có chỗ tránh. Chúng tôi đã đi qua một con đường trên núi mà cư dân nhà giàu vùng đó không cho phát quang hai bên để đường giữ vẻ hoang sơ). Lại còn được tiếp xúc với nhiều mẫu người Việt trên đất Mỹ, từ những người làm công nhân bình thường đến những người thành đạt. Có những người sang du học từ đầu thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, sau năm 1975 là những người di tản, thuyền nhân tị nạn cộng sản, đi theo diện H.O., đoàn tụ gia đình, du học, và những thanh niên sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, không nói được hoặc không rành tiếng Việt. Còn gì thú vị và hữu ích hơn khi tiếp xúc để tìm hiểu với các lứa tuổi từ 20 cho đến 80. Chúng tôi đã có những buổi nói chuyện cởi mở về mọi vấn đề, khi năm ba người, lúc một hai chục người. Có khi chỉ với một người trong tâm tình riêng tư nơi quán rượu trên bờ sông Potomac như cảnh “tha hương ngộ cố tri” hay bên dòng suối nhỏ lặng trầm trong công viên Alum Rock Park, nơi những con ó bay liệng trên bầu trời. Có lúc là với một đôi vợ chồng bên ly rượu chếnh choáng dưới ngọn nến huyền ảo đêm khuya mà câu chuyện đời, chuyện mình nồng nàn như lửa.
Các bạn cho chúng tôi ăn thử các món thức ăn của Mỹ, Mễ, Pháp và Việt Nam ở các loại nhà hàng, kể cả các món buffet Mỹ, Tàu, Nhật mà chúng tôi chỉ ăn được đôi chút. Có bạn còn đưa chúng tôi cùng đi tập thể dục, tắm hơi cho thư giãn. Ngày sinh nhật của hai chúng tôi, dù ở đâu, cũng được các bạn tổ chức vui vẻ, có bánh sinh nhật, hoa tươi, quà tặng.
Chúng tôi đã di chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Hàng chục chuyến bay ngang dọc nước Mỹ với các hãng American, United, Delta, Alaska, Jet Blue, EastWest, Northwest, Frontier; xe lửa Amtrak Coast Starlight từ Los Angeles, qua San Jose lên đến Seattle; xe đò Hoàng đi Nam-Bắc Cali; xe bus Greyhound của Mỹ đi xuyên tiểu bang, xe bus Hola của Tàu đi từ Washington D.C. lên New York (xe bus Mỹ không cung cấp nước uống và bánh mì như xe đò Hoàng hay xe đò chất lượng cao ở Việt Nam. Khi mới lên xe, cần nước để uống thuốc chống nôn, vợ tôi hỏi tài xế, anh ta chỉ xuống đường bảo tự đi mua lấy làm cả xe cười ầm lên. Không phải cái gì Mỹ cũng hơn Việt Nam đâu nhé!); Metro dưới lòng đất thủ đô; Cruise độc đáo qua hai vùng nước ngọt và mặn bằng cách nâng hạ tàu từ hai mực nước, lên cao hay xuống thấp ở Seattle.
Sân bay hiện đại Denver với mái hình dù độc đáo. |
Làm thế nào chúng tôi có thể ở lại và đi nhiều vùng trên đất Mỹ trong vòng 6 tháng khi chỉ có vài trăm đô la trong túi? Chỉ có chân tình bè bạn mới có thể giúp chúng tôi làm được điều gần như phi thường này. Chân tình này có thực dù là ở người mới gặp lần đầu hay đã quen biết nhau từ gần nửa thế kỷ. Có vài trường hợp rất đặc biệt. Một người là cựu sĩ quan Nhảy Dù, một nhà văn đã từng tranh luận với tôi khá gay gắt trên mạng, đã mời tôi đến Colorado chơi trong 6 ngày và hứa trước là sẽ chỉ đi chơi, không nói chuyện chính trị. Một người là bạn cũ của tôi từ thời trung học, đã từng cùng yêu một cô bé học trò và cùng thất vọng vì tình, sau này là sĩ quan một binh chủng thuộc loại thiện chiến, hiện nhà của anh là “hậu cứ vững chắc” của tôi trong thời gian tôi ở trên đất Mỹ. Cả hai người này đều là sĩ quan tác chiến, từng bị thương tích trên chiến trường và dĩ nhiên họ hiểu rõ tôi từng là một “cựu phản chiến” và “cựu Việt cộng”. Một người khác là cựu sĩ quan quân y cùng với cô em gái nguyên là giáo sư văn chương, chỉ mới quen biết, đã sẵn lòng chở chúng tôi đi đây đó uống café nhiều lần, đi bất cứ đâu khi chúng tôi cần, đưa chúng tôi đi giới thiệu với tất cả gia đình, bạn bè quen biết ở San Jose và sau này đã tích cực giúp tôi phát hành một số lượng khá lớn cuốn sách mới xuất bản của tôi trong thời gian kỷ lục
Giữa các chuyến đi, chúng tôi trở về nhà người bạn cũ để nghỉ ngơi lấy sức. Có lẽ thời gian chúng tôi ở đây gần một nửa thời gian trên đất Mỹ. Từ trước chưa bao giờ chúng tôi ở nhà ai (không phải nhà mình) lâu như vậy. Nhưng chúng tôi và chủ nhà đều thoải mái mặc dù bạn tôi nói từ trước chưa hề có khách nào ở lại nhà. Tôi có đọc một cuốn sách trong đó nhắc đến một số phong tục và tính cách của người Mỹ, có câu đại khái “Khách ở đến ngày thứ ba bắt đầu bốc mùi”, được giải thích là người ta không thích khách ở lâu trong nhà mình. Tôi đem câu này ra nói với anh chị bạn, anh chị phản đối ngay. Nếu không muốn người ta sẽ nói thẳng, từ chối, còn đã “welcome” thì phải vui vẻ, sao lại nghĩ như vậy được. Hay là tâm lý người Mỹ khác người Việt?
Chúng tôi ở nhà anh chị bạn, ngày được ăn ba bữa như ở Việt Nam. Sáng ăn theo kiểu Mỹ hay ăn xôi lạp xường, xôi muối mè, khoai lang, khoai mì luộc… Trưa, chiều ăn cơm Việt Nam có đủ ba món canh, xào, mặn. Thức ăn hầu như không thiếu món gì vẫn ăn ở trong nước: canh bí xanh, bí đỏ, su su, bồ ngót, tần ô, mồng tơi, cua-rau đay… Rau muống, rau lang, rau dền luộc… Các loại cá kho như cá rô, cá nục, cá bống, cá cơm… Thịt heo, bò, gà nấu canh hay chiên, xào… Thỉnh thoảng ăn chơi các món phở, bún bò, bánh canh, các món bánh Huế (bánh bột lọc, nậm, ít, bèo, ướt, ram)… Thứ gì cũng có nhưng dĩ nhiên hơi có “mùi Mỹ” chứ không hoàn toàn mùi Việt Nam. Chị bạn của chúng tôi quả là “một trong những người phụ nữ đảm đang và chu đáo nhất nước Mỹ” mà chúng tôi đã từng gặp. Xin nói quá đi một chút như thế để khen tặng chị.
Nhiều khi chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên không hiểu sao mọi người quá tốt với mình như vậy. Chúng tôi tự thấy chưa làm gì được cho ai. Có lẽ vì chúng tôi đã chọn một thái độ sống trung thực trong nghịch cảnh dù phải trả giá đắt, cuộc sống của chúng tôi đã chịu những thiệt thòi nào đó mà mọi người muốn bù đắp, mặc dù chúng tôi biết vô số người đã chịu đựng khổ nạn hơn chúng tôi rất nhiều, kể cả những người ở bên này. Mặt khác có lẽ do những tác phẩm đã xuất bản ở Mỹ và những bài viết của tôi trên mạng, cùng với “danh tiếng” của “nhóm Dalat”, những “hiền sĩ cao nguyên” như có người đã “phong tặng” mà tôi là một thành viên, đã được một số người tìm hiểu, có cảm tình và quý trọng từ 20 năm qua. Cho đến nay, tôi đã có 4 tác phẩm xuất bản ở Mỹ. Trong dịp đi này các bạn cũng đã giúp tôi phát hành nốt 100 bản cuối cùng của cuốn sách thứ 4 “Mảnh trời xanh trên thung lũng”. Các sách khác đều đã tuyệt bản. Trong tháng 12/2009, các bạn và những người phụ trách nhà xuất bản Tiếng Quê Hương rất nhiệt tình lại giúp tôi xuất bản tiếp cuốn sách thứ 5 chuyên về chính luận, với tựa đề “Tiếng chim báo bão”.
Trong bút ký này tôi muốn kể tên và cám ơn tất cả mọi người vì những ân tình mà mọi người đã dành cho mình. Nhưng vì những lý do tế nhị, tôi không làm được như thế và tôi cũng sẽ không nhắc tên cụ thể, trừ những người mà các bài viết của người khác trên mạng đã nêu ra như đã nói trong “Lời thưa trước”, đặc biệt khi đề cập đến những vấn đề chính trị, để tránh những phiền toái có thể xẩy ra. Đây cũng chính là điều đáng buồn của hoàn cảnh hôm nay. Cũng có thể có người đón tiếp chúng tôi với ý đồ chính trị nào đó nhưng không có hậu ý xấu và cũng không hoàn toàn vắng bóng tình cảm. Nếu ý đồ chính trị tốt, đó cũng là điều đáng hoan nghênh. Dù sao, tôi sẽ viết một cách trung thực những gì tôi cảm nhận. Đó điều suốt một đời trải lòng trên trang giấy tôi không bao giờ từ bỏ.
Kỳ sau: Mỹ du ký: ấn tượng giao thông và thiên nhiên nước Mĩ