Nguyễn Nam
(VNTB) – Xem chừng chính trường Việt Nam sẽ đối mặt một Nhâm Dần với nhiều sóng gió…
Trên sàn chứng khoán, phản ứng trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết ‘bán chui’ và phải hoàn tiền, kèm việc Tân Hoàng Minh xin hủy cọc lô đất Thủ Thiêm, các cổ phiếu ‘họ FLC’ và nhóm bất động sản đang bị nhà đầu tư bán ra mạnh, rớt xuống giá sàn như mã CII (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM), LDG (Đầu tư LDG), QCG (Quốc Cường Gia Lai), VRC (Bất động sản và đầu tư VRC), NHA (Nhà và đô thị Nam Hà Nội), NBB (Đầu tư Năm Bảy Bảy), KHG (Khải Hoàn Land), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), HAR (Bất động sản An Dương Thảo Điền), EVG (EverLand)…
Sóng gió bắt đầu nổi lên gần đây nhất là vụ bẻ kèo Thủ Thiêm và thao túng thị trường chứng khoán. Trước đó nữa là loạt bê bối sinh phẩm y tế liên quan cấp bộ trưởng với trước mắt là bộ Y tế, bộ Khoa học Công nghệ.
Giờ nói về vụ Thủ Thiêm, bán đảo oan khuất bậc nhất Việt Nam suốt mấy mươi năm qua.
Việc bỏ cọc chạy lấy người của Tân Hoàng Minh xảy ra sau khi Ban thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các ngân hàng báo cáo về hoạt động tín dụng liên quan Tân Hoàng Minh đến dự án khu đất vàng vừa trúng đấu giá tại Thủ Thiêm.
Nhiều ngân hàng làm ăn với Tân Hoàng Minh rục rịch lo ngại. Bộ ba một ngân hàng từng được Tân Hoàng Minh nhượng quyền mua đất vàng để xây trụ sở ở quận 1, TP.HCM – Tân Hoàng Minh – Tân Hiệp Phát hứa hẹn diễn kịch đã vỡ kèo.
Một khi ngân hàng sợ bỏ chạy, đối tác sợ không dám tham gia bỏ tiền chia phần cuộc chơi, thì Tân Hoàng Minh lấy tiền đâu mà mua lô đất ở Thủ Thiêm với số bạc tươi lên đến 24.500 tỉ đồng, trong khi đang là con nợ như chúa chổm? Lấy tiền ở đâu ra để biến bất động sản Việt Nam thành Tokyo, New York, thành phân khúc hàng hiệu kiểu “eo vì”, “gu chì”? Lấy tiền đâu ra để nổ dự án bom tấn quần thể du lịch, giải trí ở Phú Quốc ngang tầm vũ trụ mà mấy ngày trước vẫn ra rả trên các kênh quảng cáo?
Giờ xin dừng lại một chút với người được giới giang hồ hắc bạch gọi là Quyết ‘còi’.
Chứng khoán giống các khoản đầu tư khác nhưng cũng rất khác ở chỗ vòng vốn có thể quay nhanh theo từng phiên; trị giá cổ phiếu lệ thuộc niềm tin vào giá trị và hướng phát triển của công ty và người đứng đầu hội đồng quản trị lẫn người dẫn dắt (CEO).
Nếu biết người đứng đầu, sáng lập lẫn dẫn dắt FLC bán đại đa số cổ phiếu, liệu nhà đầu tư có dám mua? Nếu biết việc bán ra ấy không hề được công bố, liệu nhà đầu tư có dám mua? Người ta có quyền nghi ngờ một người vừa hô vang về một bến bờ tươi sáng với hành khách trên chuyến tàu mà ông ta là chủ tàu kiêm thuyền trưởng, vừa cài chế độ lái tự động, tắt đèn mạn để không ai phát hiện rồi nửa đêm lặng lẽ rời tàu.
Cảm giác của những người đã mua cổ phiếu FLC vào chiều thứ hai 10-1-2022, là vậy. Và phản ứng của thị trường rất rõ: cổ phiếu FLC xuống giá, FLC mất 2.000 tỷ vốn hoá sau 1 ngày.
Điểm chung của Tân Hoàng Minh và FLC, phải chăng là chuyện ‘tờ giấy’.
Hoạt động chứng khoán và hoạt động ngân hàng luôn song hành nhau. Nhiều công ty có thể trị giá rất thấp, sau khi được giao đất làm dự án và thế chấp vay ngân hàng, trở nên có nhiều tài sản nhờ trị giá đất. Vì vậy sau một hồi đi vay, tờ giấy biến thành đất và đất biến thành tiền, thành cổ phiếu rồi cứ thế nhân lên.
Những chục ngàn tỉ khai dự án, những trăm héc ta đất dự án sẽ thành một cái áo che chắn khi ai đó muốn dòm vào công ty. Nó chỉ sụp đổ khi các bệ đỡ ngân hàng và ngoại giao của chủ công ty yếu đi.
‘Tờ giấy’ ấy vì lẽ gì đó mà chủ nhân cầm trên tay muốn ‘chuyển’, có lẽ cần để mắt kỹ hơn xem đàng sau hậu trường chính trị đang sóng ngầm ra sao, để đến độ niềm tự hào của xe hơi Việt giờ cũng chuyển pháp nhân sang đảo quốc sư tử…
Chưa vào năm Dần mà môi trường làm ăn xứ Việt đang nhăm nhe miếng mồi ngon của phe nhóm. Tọa sơn quan hổ đấu vậy.