Lê Tự Do
(VNTB) – Có vẻ như từ hồi đầu đợt dịch lần thứ 4 đến giờ, biện pháp chống dịch cứ mãi loay hoay xét nghiệm – buộc người dân ở nhà
Cả hai ông đều là ủy viên Bộ Chính trị. Xem ra ngài Tổng bí thư phải ‘ra tay’ thôi, chứ để dịch giã kéo dài, tư bản đang đầu tư mần ăn ở xứ Việt, họ sẽ rũ áo đi mất…
Đại diện Intel Việt Nam mong TP.HCM dừng giãn cách sau ngày 15-9-2021 và nêu lo ngại, nếu biện pháp này kéo dài, dòng vốn FDI sẽ rời bỏ.
Ý kiến trên được bà Hồ Thị Thu Uyên – Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam nêu tại buổi gặp mặt giữa các doanh nghiệp, hiệp hội FDI với lãnh đạo TP.HCM sáng 20-8 là ông Nguyễn Thành Phong và ông Võ Văn Hoan.
Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh TP.HCM đang phải thực hiện giãn cách xã hội với mức độ siết chặt ngày càng tăng để phòng chống dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có khối FDI bị đình trệ, công nhân gặp nhiều khó khăn.
Trở ngược thời gian.
Ngày 19-6-2021, tại cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế có bài viết đề cập một phần nhỏ về nội dung xét nghiệm ở TP.HCM: “Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nâng cao năng lực xét nghiệm là một trong những giải pháp chiến lược để TP.HCM có thể nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, TP.HCM cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày, kịch bản này đã được đề ra từ trước nhưng cần thực hiện ngay để nhanh chóng chặn đứng nguồn lây”.
Tương tự, tại trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cũng của Bộ Y tế, ngày 26-6-2021, có viết: “Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh và các ca bệnh liên tục được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, UBND TP.HCM vừa yêu cầu thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn. Dự kiến lấy tổng cộng khoảng 5 triệu mẫu trong vòng 10 ngày tới”.
Trong một diễn biến tương tự, tại trang của Đảng bộ TP.HCM ngày 1-7-2021: “TP.HCM huy động toàn lực xét nghiệm diện rộng để dập dịch nhanh nhất”; và trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 ngày 2-7-2021, cũng đưa tin: “Trước đó, từ ngày 1-7, thành phố bắt đầu thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để truy tìm F0. Đã có hơn 1 triệu mẫu được lấy tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 3, quận Bình Tân… Dự kiến trong ngày hôm nay, các quận, huyện TP Thủ Đức sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn”.
Rồi đến ngày 22-8-2021, bài báo “Công điện của Thủ tướng: Xét nghiệm toàn TP.HCM trong thời gian giãn cách” của Tuổi Trẻ, cũng viết: “Thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng TP.HCM xét nghiệm toàn TP trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Ưu tiên cao nhất phân bổ vắc xin cho TP.HCM và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch”.
Trong suốt thời gian qua, từ những ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng ở thành phố Thủ Đức, ở quán bánh canh trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng…, biện pháp quen thuộc phòng, chống dịch Covid-19 mà người dân bị buộc phải thực hiện và làm theo đến mức thuộc lòng đó là xét nghiệm và người dân ở nhà.
Sở dĩ nói thuộc lòng, bởi nó được lặp đi lặp lại với tần suất liên tục, nếu đem so với những đợt bùng dịch trước, hoàn toàn không mới. Họa chăng, nếu có điểm mới ở đây, có vẻ như không hiệu quả cho lắm ở Thành phố Hồ Chí Minh (ghi nhận số ca nhiễm, số ca tử vong vẫn tăng) và ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của thành phố (người dân thất nghiệp, người nghèo khó khăn hơn…)
“Không phải suy nghĩ võ đoán, nhìn vào thực tế, cũng thấy hiệu quả của biện pháp tầm soát, của chỉ thị 16 trong đợt dịch này như thế nào rồi. Với tình hình số ca nhiễm như hiện tại, ngại ra đường vì sợ đối diện mình là F0, vậy thì người lấy mẫu, có chắc chắn là an toàn không?
Nếu người lấy mẫu đã lấy ở vùng đỏ, rồi sang vùng xanh thì sao? Có phải đó là một rủi ro không? Tôi nghĩ, phải nhìn vào thực tế, phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia ở Sài Gòn; của người dân, đặc biệt là của người nghèo, người khó khăn, người thất nghiệp… rồi hãy đưa ra quyết định cho phù hợp, chứ không thể nhìn vào mắt thường mà phản ánh được. Nên nhớ, đây không phải là những ngày đầu giãn cách” – không ít ý kiến phản biện.
Là một trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid19 kiêm Phó thủ tướng; là một Bộ trưởng Bộ y tế kiêm Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng có vẻ như từ hồi đầu dịch lần thứ 4 đến giờ, biện pháp chống dịch cứ mãi loay hoay xét nghiệm – buộc người dân ở nhà, số ca nhiễm vẫn tăng, số tử vong cũng không giảm, mà vẫn chưa thấy đưa ra biện pháp nào khác hiệu quả hơn để cải thiện tình hình.
Đừng đổ thừa không hiệu quả là do người dân. Dân đã hết lòng cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19 cùng với toàn hệ thống chính trị ngay từ những ngày đầu giãn cách ở thời điểm tháng 7.
Vì sao cũng tình hình như thế, ở xứ người ta, lại làm được. Còn mình thì không? Sao không mạnh dạn đề ra biện pháp chống dịch khác hiệu quả hơn? Mãi loay hoay với xét nghiệm – ở nhà, để làm gì?