VNTB – Nếu bà Lan đúng, vậy cần hồi cứu các đời bộ trưởng tiền nhiệm?

VNTB – Nếu bà Lan đúng, vậy cần hồi cứu các đời bộ trưởng tiền nhiệm?

Thới Bình

 

(VNTB) – Đấu thầu thuốc mất 6-8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ 1 năm…

 

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận việc mua sắm thuốc, trang thiết bị phải thực hiện đấu thầu với quy trình, thủ tục nhiều bước, thường mất từ 6 – 8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ có 1 năm, dẫn đến không đảm bảo tính kịp thời trong cung cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền ký báo cáo của Chính phủ dài hơn 30 trang gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự án luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường thứ hai vào tháng 1-2023.

Báo cáo ghi nhận việc mua sắm thuốc, trang thiết bị do phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu với quy trình, thủ tục gồm nhiều bước, mà theo phản ánh của các cơ sở thông thường mất từ 6 – 8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng cũng chỉ có 1 năm. Điều này dẫn đến việc các cơ sở mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc đấu thầu nhưng vẫn không bảo đảm tính kịp thời trong cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế cho người bệnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm, dẫn đến bệnh viện phải có 2 bảng giá. Thứ nhất là giá khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế và giá khám chữa bệnh cho người không có bảo hiểm theo mức giá chưa tính chi phí quản lý, khấu hao. Thứ hai là giá dịch vụ theo yêu cầu áp dụng cho khu vực vay vốn, liên doanh, liên kết, xã hội hóa. Do đó chưa khuyến khích được vay vốn để đầu tư.

Một ghi chép mang tính ‘lâm sàng’ của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khi ông đến thăm một trạm y tế của xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn: “Lại những bất cập bao năm nay không đổi. Nhân viên y tế vừa thiếu về số lượng và ngày càng yếu về chất lượng. Thuốc điều trị bệnh mạn tính cấp định kỳ có đúng một loại, bình oxy chưa sử dụng bao giờ, các thủ thuật dù là đơn giản cũng không làm được nên đương nhiên bà con dân tộc đẻ ở nhà còn hơn đến trạm y tế xã.

Ngoài những bất cập về cơ chế chính sách, cung ứng trang thiết bị, thuốc men, theo tôi nguyên nhân chính là nhân viên y tế hoàn toàn thiếu động lực phát triển. Ra trường sách vở rơi rụng theo thời gian, nên cậu bác sĩ 37 tuổi kiến thức chắc không được bằng anh sinh viên Y6.

Mà kinh nghiệm tích lũy cũng chẳng có bao nhiêu vì bệnh gì chả chuyển. Nếu ai quyết tâm học thì đã lên huyện, tỉnh hoặc mở phòng mạch tư, để lại cho hệ thống công một trạm y tế chỉ phục vụ cho y tế dự phòng, chức năng điều trị gần như chỉ chiếm dưới 10%, mà đây mới là chức năng có thể mang lại niềm tin cho bà con…”.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội đương nhiệm và giám đốc hai bệnh viện (là người duy nhất làm giám đốc hai bệnh viện cùng lúc ở Việt Nam). Ông sinh năm 1972, là phó giáo sư, tiến sĩ chuyên khoa tim mạch.

Với tư cách đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Lân Hiếu đề xuất nên bỏ từ “xã hội hóa y tế” bởi tìm kiếm trong lịch sử ngành y Việt Nam và thế giới không thấy có định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế và chưa ai đánh giá từ này mà Việt Nam cứ dùng.

“Chúng ta không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua cái máy đặt trong bệnh viện sử dụng, rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công. Không xã hội hóa bằng cách như vậy và không nên dùng từ xã hội hóa y tế”, ông Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề.

Như vậy, qua hai ghi nhận trên cho thấy nếu tập báo cáo của Chính phủ dài hơn 30 trang, được ủy quyền Bộ trưởng Y tế ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), và các ý kiến của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là đúng, vậy thì rất cần “hồi tố” để rút ra các bài học về quản trị quốc gia trong ngành y tế từ các tiền nhiệm của bà Đào Hồng Lan.

Đồng thời người đứng đầu Bộ Chính trị cần cầu thị xem xét lại, phải chăng trong lịch sử đương đại, ngoài Việt Nam ra, chưa thấy bất kỳ quốc gia thứ hai nào đưa ra cụm từ “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”; điều đó cũng giống như xác nhận của vị đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bình Định, rằng, “trong lịch sử ngành y Việt Nam và thế giới không thấy có định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế, và chưa ai đánh giá từ này mà Việt Nam cứ dùng”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)