VNTB – Nếu thay vào đó là bút danh chẳng hạn như… Trần Bạch Đằng?

VNTB – Nếu thay vào đó là bút danh chẳng hạn như… Trần Bạch Đằng?

Nguyễn Nam


(VNTB) – Có lẽ trong nhiều bài viết phản biện về chính sách của nhà báo Phạm Chí Dũng, thay vì ký bút danh quen thuộc như Thường Sơn, thì là ‘Trần Bạch Đằng’ chẳng hạn, chắc mọi chuyện sẽ được hiểu theo chiều hướng tích cực hơn đối với những nhà hoạch định chính sách bị phê phán ấy.

Lúc còn được tự do viết lách, quan sát trên kênh VOA (*) cho thấy có một điểm chung giữa nhà báo Phạm Chí Dũng với nhà báo Trần Bạch Đằng (1926 – 2007, tên thật Trương Gia Triều, quê Rạch Giá), là khả năng viết nhanh, nhạy và nhiều thể loại.

Nhà báo Phạm Chí Dũng từng xuất bản các tác phẩm văn chương, từng là hội viên Hội nhà văn TP.HCM. Nhà báo Phạm Chí Dũng từng là trợ lý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Trương Tấn Sang. Thân phụ của ông là một nhà cách mạng lão thành, quê gốc ở tỉnh Đồng Tháp.

“Trần Bạch Đằng, người cộng sản đích thực, cây bút trí tuệ, tài hoa” – ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội có bài tham luận với tít như vậy, trình bày tại hội thảo khoa học kỷ niệm 90 năm Ngày sinh ông Trần Bạch Đằng (15-7-1926 – 15-7-2016).

“Ngòi bút Trần Bạch Đằng rất nhạy bén, dũng cảm trong cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội, vì sự trong sạch của bộ máy công quyền, làm chỗ dựa và tiếp dũng khí cho những người trung thực đấu tranh chống tiêu cực!” – Nhà báo Lê Văn Nuôi, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ từng nhận xét như vậy tại hôm giỗ lần thứ 10 của chú Tư Ánh (tôi quen gọi là chú Tư Ánh hồi tôi còn làm báo ở Sài Gòn).

Vốn đa tài, ông Trần Bạch Đằng viết đủ thể loại: chính luận báo chí, tiểu thuyết, thơ, biên khảo gửi đăng trên nhiều tờ báo, nhà xuất bản – sau năm 1975.

Số là hồi còn làm biên tập viên một tờ báo nhỏ ở Sài Gòn, tôi được giao việc hàng tuần đến nhà chú Tư ở góc đường Điện Biên Phủ – Mai Thị Lựu, quận 1 để đặt chú viết. Có khá nhiều bài bình luận của nhà báo Trần Bạch Đằng gây chấn động dư luận hồi ấy, như bài bình luận “Bàn về sự nhân danh và ám chỉ”, khi vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi bị tạm ngưng biểu diễn do lệnh của một lãnh đạo cấp bộ; hay như bài “Thư ngỏ gửi các đồng chí lãnh đạo Đà Lạt”, khi Ủy ban nhân dân thành phố du lịch này ra chỉ thị cấm những người bán báo dạo, thuốc lá dạo… trên hè phố và quán ăn. Kết quả: lệnh cấm đó đã được rút lại.

Về sau, khi quen thân hơn chị Trần Hồng Ánh, con gái chú Tư, tôi biết đến nhóm trợ lý báo chí của chú Tư. Các anh, chị này cứ theo ‘văn phong’ của chú Tư mà viết cho phù hợp các đơn hàng mà báo chí đặt.

Nguyên tắc chung ở các bài viết ký tên Trần Bạch Đằng, là không ngại lên tiếng bênh vực, bảo vệ chân lý; dám phê bình mạnh mẽ những thói hư, tật xấu của xã hội vào thời điểm không mấy ai dám nói vì ngại đụng chạm, nhất là đụng chạm với những người lãnh đạo. Bài viết bút danh Trần Bạch Đằng luôn tin vào lẽ phải, vào chân lý, vào sự công bằng, sáng suốt của sự nhìn nhận, đánh giá của nhân dân.

Nhuận bút trả cho các bài báo bút danh Trần Bạch Đằng luôn là cao nhất trong bảng chi kế toán của tòa soạn.

Về sau này khi nhận phụ làm chuyện bếp núc trang Việt Nam Thời Báo, tôi bỏ công ngồi đọc lại gần như toàn bộ bài viết với nhiều bút danh khác nhau của nhà báo Phạm Chí Dũng, tôi nhận ra là gần như mang ‘style’ của nhiều bài viết ký bút danh Trần Bạch Đằng lúc trước.

Tôi từng thắc mắc là không rõ hồi đó nhà báo Phạm Chí Dũng có thời gian nào tham gia vào nhóm thư ký báo chí của chú Tư Ánh? Bởi trong các bài báo dù ký bút danh gì đi nữa, vẫn nhận ra đó là ‘phong cách Phạm Chí Dũng’, với các vấn đề thời sự là tấm gương phản chiếu diễn biến quá trình đấu tranh sôi nổi, quyết liệt, đau đớn và xúc động giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa lẽ phải và phi lý, giữa tốt và xấu… đến ráo riết, không che giấu.

Tôi từng nghe kể về nhiều thuyết âm mưu ngay trong chính nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam; trong đó có cả ngờ vực rằng việc sẽ kết án tù tội đối với nhà báo Phạm Chí Dũng cũng vốn là kịch bản đấu đá nội bộ cho kỳ đại hội đảng sắp tới.

Hậu trường chính trị luôn huyền ảo kính vạn hoa. Cầu mong nhà báo Phạm Chí Dũng sớm được trả lại quyền tự do viết lách, quyền tự do lập hội trong bối cảnh dịch hô hấp corona đang tạo ra những dáng dấp thủ lĩnh chính trị mới ngay tại Việt Nam.

______________________

Chú thích:

(*) Voice of America, tiếng Anh, viết tắt VOA; cũng được gọi là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, là dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. Đối tượng của VOA chủ yếu khán giả nước ngoài, vì vậy VOA được tập trung vào nội dung có ảnh hưởng đến dư luận nước ngoài liên quan đến Hoa Kỳ và người dân nước này – tham khảo: https://www.washingtonpost.com/news/the-fix/wp/2017/01/26/voice-of-america-says-it-wont-become-trump-tv/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)