VNTB- Nếu thuận lý – tình vậy đóng dấu “Mật” làm gì?

VNTB- Nếu thuận lý – tình vậy đóng dấu “Mật” làm gì?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Chính quyền không giải thích vì sao chuyện ‘ít đi – quy lại’ này lại đóng con dấu “Mật”

 

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đã ‘bánh ít đi’, thì phải ‘bánh quy lại’ nên việc ‘cho mượn’ vắc xin cũng thường tình thôi.

Tuy nhiên chính quyền không giải thích vì sao chuyện ‘ít đi – quy lại’ này lại đóng con dấu “Mật”?

Giải thích của ông phó chủ tịch: đó là đạo lý…

Tại buổi họp báo sáng Chủ nhật 25-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cho Tập đoàn Vingroup mượn 5.000 liều vắc xin Moderna để Bệnh viện Vinmec tổ chức tiêm cho người lao động của tập đoàn, ông Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng Vingroup hiện nay đang huy động một lực lượng rất lớn hỗ trợ TP.HCM trong công tác chống dịch.

Đồng thời, Vingroup cũng là một trong những đơn vị tài trợ cho hoạt động chống Covid-19 của Việt Nam, cũng như của TP.HCM, bao gồm cả việc hỗ trợ cho quỹ vắc xin. Trong nhiều gói tài trợ, Vingroup có gói tài trợ 2.000 máy thở chức năng cao cho TP.HCM. Đây là một trong những thiết bị mà các bệnh viện hiện đang rất cần.

Ngoài hỗ trợ trang thiết bị y tế, Vingroup còn hỗ trợ lực lượng, giúp TP.HCM thực hiện xét nghiệm PCR, với sinh phẩm, máy móc để thực hiện hàng chục ngàn mẫu hằng ngày cho TP.HCM.

Hiện Vingroup có nhu cầu vắc xin nhưng do điều kiện chưa sẵn sàng nên đề nghị TP.HCM hỗ trợ 5.000 liều để tiêm cho lực lượng đang tham gia chống dịch tại TP.HCM. Xét nhu cầu thực tế, TP.HCM đã giải quyết cho Vingroup mượn trước để kịp thời thực hiện tiêm tại Bệnh viện Vinmec cho các lực lượng này.

“Chúng tôi nghĩ đây là việc hợp lý, hợp tình và cũng phục vụ trực tiếp cho hoạt động hữu nghị của TP.HCM” – ông Dương Anh Đức nói.

Trả lời câu hỏi nếu các đơn vị khác cũng mượn vắc xin, ông Đức cho rằng theo nhu cầu thực tế của TP.HCM, nếu việc đó có lợi cho công tác phòng chống dịch của TP.HCM thì sẽ làm, với điều kiện TP.HCM có nguồn vắc xin.

Tham nhũng quyền lực?

Có hai vấn đề đặt ra ở đây xoay quanh vấn đề pháp lý theo Hiến định tại Điều 2, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Thứ nhất, vì sao chính quyền TP.HCM không tuân thủ Quyết định số 3355/QĐ-BYT, do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ký ban hành ngày 08-07-2021.

Theo nội dung của “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022”, ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08-7-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, thì nội dung của giải thích từ ông Dương Anh Đức: “Hiện Vingroup có nhu cầu vắc xin nhưng do điều kiện chưa sẵn sàng nên đề nghị TP.HCM hỗ trợ 5.000 liều để tiêm cho lực lượng đang tham gia chống dịch tại TP.HCM.

Xét nhu cầu thực tế, TP.HCM đã giải quyết cho Vingroup mượn trước để kịp thời thực hiện tiêm tại Bệnh viện Vinmec cho các lực lượng này”, là không phù hợp vì lực lượng đang tham gia chống dịch tại TP.HCM thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022; và ngành y tế TP.HCM có trách nhiệm việc tiêm vắc xin này cho lực lượng tham gia chống dịch.

Đối tượng tiêm

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế:

a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

b) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…);…” – trích Phần III.3, văn bản “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022”.

Thứ hai, trong văn bản được đánh số 3241/KSBT-BTN của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, về việc “cấp cho mượn vắc xin chiến dịch phòng Covid-19 đợt 5” do phó Giám đốc Lê Hồng Nga ký ngày 23-7-2021, nơi nhận là: Tập đoàn Vingroup; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, có đoạn mở đầu ghi như sau:

“Thực hiện công văn số 101/SYT-NVY-M ngày 22-7-2021 của Sở Y tế về việc cho Tập đoàn Vingoup mượn 5.000 liều vắc xin Moderna (Theo công văn mật 653/UBND-VX ngày 22-7-2021), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện xuất 5.012 liều (350 lọ) vắc xin Covid-19 Spikevax (Moderna) (lô 939890, hạn 6-12-2021) cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park mượn để chức tiêm cho người lao động của Tập đoàn Vingroup”.

Có hai vấn đề cần được làm rõ: Một, vì sao văn bản thỏa thuận dân sự của hành vi “mượn” lại được đóng dấu “Mật”?.

Nghị định số 26/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, không có điều khoản này đề cập về hình thức phát hành “công văn mật” có nội dung không thuộc Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Hai, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08-7-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế không đề cập đến việc điều phối vắc xin theo các thỏa thuận về quyền sở hữu, nên các nội dung trong văn bản được đánh số 3241/KSBT-BTN của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, về việc “cấp cho mượn vắc xin chiến dịch phòng Covid-19 đợt 5” do phó Giám đốc Lê Hồng Nga ký ngày 23-7-2021, là vô hiệu về mặt giá trị thực hiện.

Nôm na đó là dấu hiệu hành vi tham nhũng quyền lực từ phía chính quyền TP.HCM ở nghi vấn được phía soạn văn bản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khéo léo cài vào bằng đoạn trong dấu ngoặc đơn tưởng chừng ít chú ý: “(Theo công văn mật 653/UBND-VX ngày 22-7-2021)”.

Thay lời kết

Hiến pháp 2013, Điều 4.2 ghi rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Như vậy, trong toàn bộ vụ việc “cho mượn vắc xin” ở trên, cần có sự giải thích phù hợp pháp luật từ ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)