VNTB – Nếu tư nhân được quyền làm báo, khi ấy Nhà nước dễ ‘trị’ hơn

VNTB – Nếu tư nhân được quyền làm báo, khi ấy Nhà nước dễ ‘trị’ hơn

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – Vụ án Hồ Duy Hải, vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, hạn mặn miền Tây… là những nội dung bị cáo buộc là ‘đăng tải’ dễ gây hiểu lầm.

 

Ngày 18-5, Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố các bị can gồm: Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”.

Bốn công dân kể trên đều là những nhà báo từng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp “Thẻ Nhà báo”.

Kết luận điều tra cáo buộc nhóm 4 nhà báo đã có các nội dung trong nhiều bài viết nhằm tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu tổ chức Đảng và nhà nước; vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội khác; phát tán thông tin gây hoang mang trong dư luận; vận động, xúi giục, lôi kéo người khác phạm tội, tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ…

Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang cùng một số người khác tạo Fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch” và kênh Youtube “BS Chanel” để viết, đăng tải nhiều bài viết, video clip và các chủ đề nóng được dự luận xã hội quan tâm. Trong đó, nổi bật như vụ án Hồ Duy Hải, vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, hạn mặn miền Tây…

Theo đó, lực lượng công an đã trích xuất, lưu giữ được 47 bài viết trên Fanpage “Báo Sạch” và kênh Youtube “BS Chanel”. Kết quả giám định các bài viết này đều vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Về nội dung, những bài viết trên Fanpage và kênh Youtube nói trên vi phạm Luật Viễn thông và Luật An ninh mạng.

Phía cơ quan điều tra nói rằng các bị can đều thừa nhận những bài viết đăng tải chưa kiểm chứng, nên khi bài viết không đúng sự thật, đăng công khai trên mạng xã hội làm người đọc hiểu nhầm, tham gia bình luận tiêu cực, dẫn đến làm giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền…

Có ý kiến rằng nếu như Luật Báo chí Việt Nam có điều khoản chấp nhận tư nhân tham gia đầy đủ vào các hoạt động báo chí, từ sản xuất, in ấn, quảng cáo đến phát hành – tức được quyền lập các tòa soạn tư nhân, không có đơn vị chủ quản, thì chắc chắn việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, tránh chuyện hình sự hóa khi xảy ra việc như cáo buộc trong vụ án kể trên.

Đơn giản, theo quy định, trước khi báo phát hành phải nộp lưu chiểu là năm bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương chậm nhất là 08 giờ sáng của ngày phát hành. Còn đối với báo chí in tại địa phương, cơ quan báo chí phải nộp hai bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương chậm nhất là 08 giờ sáng của ngày phát hành, đồng thời nộp năm bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương qua hệ thống bưu chính.

Báo nộp lưu chiểu là để cơ quan hữu trách kiểm tra về ‘tư tưởng’, qua đó kịp thời ‘thổi còi’ về sai phạm.

Luật Báo chí dành hẳn Điều 9 “Các hành vi bị nghiêm cấm”, với tất cả có 13 khoản cụ thể, ví dụ như trong khoản 1, lại có đến loạt chi tiết:

“1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; b) Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; c) Gây chiến tranh tâm lý”.

Khoản 2 của Điều 9, dường như lặp lại khi yêu cầu cấm:

“2. Đăng, phát thông tin có nội dung: a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế”.

Và ở hai khoản tiếp theo, cũng tương tự của chuyện trùng lặp ý:

“3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc”.

Đáng chú ý là khoản 8 có nội dung: “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án”, cho thấy đang bị vi phạm phổ biến nhất, qua việc mỗi khi cơ quan điều tra công khai kết luận điều tra vụ án nào đó, lập tức báo chí đăng tải với câu – từ, hướng người đọc tin rằng đây đúng là những tên tội phạm cần phải bị trừng trị.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)