Hiền Vương
(VNTB) – Nếu thi sĩ Thôi Hiệu không ở đời nhà Đường bên Tàu mà ông ở đâu đó cùng với Colombo, thì có lẽ Vũ Hán sẽ khó thể thảm hại như lúc này bởi nạn dịch cúm mang luôn tên thành phố của “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng bay một lần là không trở lại nữa)…
Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) được biết đến nhiều nhất với Hoàng Hạc Lâu, công trình cổ kính nổi tiếng trong lịch sử thơ ca đời Đường.
Vũ Hán là thành phố đông dân nhất miền Trung của Trung Quốc,nằm ở ngã ba sông Dương Tử và sông Hán (Hán Thủy), là trung tâm vận tải chính với hàng loạt tuyến đường sắt, đường bộ và đường cao tốc nối với các thành phố lớn trong Trung Quốc đại lục. Vì có vị trí then chốt trong giao thông nội địa, Vũ Hán được đặt tên “Chicago của Trung Quốc”.
Vũ Hán là nơi mà cả thế giới lo ngại vì nạn dịch cúm Corona, hay còn gọi cúm Vũ Hán. Lo ngại về nạn dịch ở đây còn có nguyên do nhà nước cộng sản Trung Quốc luôn có thói quen che đậy những sự thật với viện cớ là để ổn định chính trị. Điều này còn bắt gặp tại Việt Nam, một nhà nước cũng là cộng sản.
Rất có thể ngay cả những người quản lý cấp cao của đảng và nhà nước Việt Nam vì hiểu quá rõ ‘ông hàng xóm’ Trung Quốc, nên đã để cho báo chí Việt Nam lần này mặc tình khai thác đa chiều tin tức về cơn bệnh dịch đến từ Trung Quốc.
Người Việt dễ dàng tìm đọc trên báo chí ‘có giấy phép’ của Việt Nam tin tức về bác sĩ Zhao của Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, với việc ông tiếp nhận bệnh nhân viêm phổi đầu tiên vào tháng 12-2019. Không lâu sau đó, có thời điểm số người bệnh đổ đến bệnh viện lên đến 800 – 900 người/ngày.
Một số bác sĩ ở Vũ Hán đã lên tiếng quan ngại về dòng vi rút mới được tìm thấy bên trong các mẫu xét nghiệm, với năng lực lây lan mạnh và nguy hiểm hơn nhiều so với các tình trạng viêm đường hô hấp thông thường. Thế nhưng, họ bị hoang mang trước các thông tin chính thức của chính quyền, rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, và phủ nhận khả năng lây lan từ người sang người.
Trong khi đó, cảnh sát Vũ Hán tuyên bố đã trừng phạt 8 người được cho là tung ‘tin vịt’ trên mạng, đa số là bác sĩ. Động thái này đã khiến nhiều bác sĩ quyết định khóa chặt miệng, dù họ ngửi thấy mùi nguy hiểm từ chủng virus mới. Một bác sĩ chụp X-quang họ Li đã tỏ ra nghi ngờ về các số liệu được công bố chính thức. “Vào ngày 15-1-2020, tôi phát hiện 50 ca, nhưng ủy ban y tế vẫn thông báo 41 trường hợp, không thay đổi so với ngày 11-1”, theo bác sĩ Li.
“Các bác sĩ và quan chức phòng chống dịch bệnh đều biết vấn đề nghiêm trọng đến thế nào, nhưng không ai dám nói ra”, bác sĩ Li cho biết. “Chúng tôi chạy đua quần quật ngày lẫn đêm để giành giật từng người bệnh khỏi tay thần chết… Lẽ ra họ có thể tránh được sự đau đớn đó”.
Nếu ‘dịch Vũ Hán’ xảy ra ở tiểu bang nào đó của Hoa Kỳ, có lẽ yêu cầu dập dịch ngay từ đầu đã được công bố rộng rãi và không giấu diếm, lẫn giấu dốt.
“Thảm sát” Đồng Tâm của đêm về sáng ngày 9-1-2020 của nhà chức trách Hà Nội là một ví dụ về điểm tương đồng chuyện ‘không minh bạch’ của những người cộng sản trong hành xử. Có khác chăng là thời gian ngắn sau, chính quyền Bắc Kinh nhận ra không thể cứ mãi đóng cửa để che giấu sự bất lực. Còn với Hà Nội, thì mọi chuyện dường như vẫn bất chấp…
Giờ là chuyện quyết liệt của chống dịch. Hy vọng những kiêu ngạo cộng sản như kiểu tuyên ngôn “Đảng ta có sức mạnh vô địch”, “Chỉ có Đảng cộng sản là đủ uy tính lãnh đạo” sẽ sớm có điểm dừng của câu chuyện làm quà hiếu hỉ trong những nghi thức lễ lộc như ‘thượng thọ’ 90 vừa qua ở Hà Nội.